Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người Hàn Quốc không còn coi công việc là lẽ sống

Theo khảo sát, ngày càng nhiều người dân xứ củ sâm cảm thấy nên ưu tiên gia đình hơn công việc và muốn cân bằng giữa việc kiếm tiền với đời sống cá nhân.

Theo cuộc khảo sát do Statistics Korea công bố hôm 17/11, chỉ khoảng 1/3, tương đương 33,5% người lao động cảm thấy công việc quan trọng hơn gia đình, giảm so với mức 42,1% vào năm 2019 và 54,5% cách đây một thập kỷ, The Chosun Ilbo đưa tin.

Hiện, 18,3% khẳng định rằng gia đình quan trọng hơn công việc, tăng từ 13,7% so với cách đây 2 năm. Số còn lại nhận định cả hai quan trọng như nhau.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 36.000 người ở khắp Hàn Quốc vào tháng 5 vừa qua.

Khi được hỏi điều kiện sống đã thay đổi như thế nào, 31,5% cho biết đã có sự cải thiện song 24,9% lại nói trở nên tồi tệ hơn. Trong cùng một cuộc khảo sát cách đây 2 năm, 48,6% có sự cải thiện và chỉ có 9,1% ngược lại.

Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhóm người trẻ tuổi dường như chịu tác động nhiều hơn khi 25,6% người ở độ tuổi 20 cho biết đang sống trong điều kiện tồi tệ hơn; 25,4% cảm thấy mình vẫn còn khá khẩm.

nguoi Han khong con nghien viec anh 1

Từ nổi tiếng là nghiện công việc, ngày càng nhiều người Hàn Quốc muốn cân bằng cuộc sống cá nhân với việc kiếm tiền hơn. Ảnh: Yonhap.

Tại châu Á, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản thời gian qua nổi tiếng là các quốc gia có cường độ và áp lực công việc cao.

Riêng ở xứ kim chi, “ppalli-ppalli” (nhanh lên trong tiếng Hàn) còn là cụm từ dùng để chỉ văn hóa gấp rút, làm mọi thứ trong tâm thế vội vàng, tạo ra văn hóa doanh nghiệp khét tiếng đối với những nhân viên làm việc quá sức, sinh viên căng thẳng chạy đua để theo kịp giờ học.

Hay tương tự văn hóa “996” ở Trung Quốc hay “Karoshi” ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có thuật ngữ “Gwarosa” để chỉ làm việc quá sức.

Từ tháng 7/2018, Hàn Quốc quy định tất cả công ty từ 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật "WoLiBal" (viết tắt của work-life balance, tạm dịch cân bằng công việc cuộc sống).

Hơn 2.000 người trẻ Hàn Quốc mua chung một tòa nhà

Nhằm tiết kiệm chi phí và có thể đầu tư từ số vốn nhỏ, nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm đến các dự án góp vốn, thuê chung bất động sản đắt đỏ.

Mai An

Bạn có thể quan tâm