Zing trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến vấn đề giữ bí mật giữa các cặp vợ chồng Nhật Bản.
Nhiều người đã kết hôn ở Nhật Bản thừa nhận giữ bí mật với vợ/chồng của mình. Phổ biến nhất là các vấn đề liên quan đến tiền bạc và những lần “không chung thủy” trong thời gian ngắn.
Một cuộc khảo sát mới đây của công ty Matsui Securities cho thấy 2/3 trong số 800 người tham gia khẳng định họ không bao giờ giấu giếm vợ/chồng điều gì, song có 32% thú nhận đã che giấu ít nhất một bí mật lớn, số ít “có nhiều hơn một bí mật”.
Trong đó, 21% cho biết họ giữ kín các vấn đề liên quan đến tiền bạc, 9% sẽ không tiết lộ các mối quan hệ ngoài hôn nhân, 7% không nói về những sở thích của mình, 4% thì không thích nói chuyện công việc cho nửa kia.
Về tiền bạc, 13% nói dối về tiền lương, trong khi 25% hoàn toàn không tiết lộ thu nhập của mình. Ở vấn đề này, phụ nữ là bên “kín tiếng” hơn với 41% coi tiền là bí mật hàng đầu của mình so với 37% nam giới.
Tương tự với tiền tiết kiệm, 58% phụ nữ từ chối tiết lộ cho chồng số tiền họ đã tích lũy hoặc giả vờ có ít hơn thực tế. Con số này là khoảng 50% đối với nam giới.
Nhiều người Nhật Bản giữ bí mật với nửa kia các vấn đề liên quan đến sở thích cá nhân, mối quan hệ ngoài luồng. Ảnh: EPA. |
“Tôi chưa bao giờ cố gắng giữ bí mật bất cứ điều gì, nhưng tôi chắc chắn rằng có những điều tôi không biết về vợ mình và có những điều mà cô ấy không biết về tôi”, Jun Okumura, một quan chức đã nghỉ hưu, nói.
Ông cho biết thêm: “Trong trường hợp của tôi, vợ không bao giờ hỏi về tiền lương của tôi và tôi cũng không bao giờ gợi ra chủ đề này. Vì vậy, tôi đoán nó luôn là một điều bí ẩn”.
Okumura khẳng định miễn là các hóa đơn được thanh toán và luôn có tiền trong thẻ để một hoặc cả hai có thể rút ra dùng khi cần thì sẽ chẳng có vấn đề gì.
Khi được hỏi về các bí mật của vợ, ông thừa nhận: “Tôi chắc chắn là có, nhưng tôi sẽ không bao giờ biết vì tôi sẽ không xem điện thoại di động của cô ấy hay bất cứ thứ gì tương tự. Tôi cũng chẳng quan tâm. Tôi không bận tâm nếu có những điều mà cô ấy không chia sẻ với tôi, và bây giờ nghĩ lại, tôi hơi buồn vì đã ở tuổi 69 mà không có bí mật nào để giữ”.
Luôn đề phòng
Một số người tham gia cuộc khảo sát thừa nhận họ đã giấu bạn đời gửi "vài triệu yen" ở ngân hàng. Hiện tượng giữ bí mật tiền tiết kiệm với vợ/chồng đã trở nên phổ biến trong xã hội Nhật Bản đến nỗi nó được đặt tên là “hesokuri”.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Halmek cho thấy phụ nữ từ 50 tuổi trở lên có trung bình 5,63 triệu yen (53.400 USD) để dành phòng thân, tăng đáng kể 1,27 triệu yen (gần 12.000 USD) so với lần khảo sát vào năm 2018.
Con số này thậm chí còn lớn hơn khi được phân theo những phụ nữ tự đánh giá độ hạnh phúc trong hôn nhân của mình. Một phụ nữ hạnh phúc trong mối quan hệ của mình có trung bình 4,37 triệu yen (41.000 USD) tiền tiết kiệm, nhưng những người vợ không hài lòng với hôn nhân thừa nhận đã bí mật giấu tới 10,23 triệu yen (hơn 96.500 USD).
Tiền bạc là một trong những vấn đề các cặp vợ chồng giữ bí mật với nhau nhiều nhất. Ảnh: iStock. |
Takako, bà nội trợ 41 tuổi ở Yokohama, cho hay cô có rất nhiều bí mật đã không nói với chồng trong 7 năm và biết rằng bạn đời cũng làm điều tương tự.
“Tôi vẫn bí mật hút thuốc và giấu riêng một ít tiền để đề phòng”, cô thú nhận.
Gần đây, sau khi nhận tiền cho thuê nhà chung của hai người, Takako đã bí mật giữ lại một chút cho mình và gọi là “tiền tiêu vặt”, số tiền chính phủ hỗ trợ các gia đình trong dịch Covid-19 cũng vậy. Nhưng cô không hề cảm thấy hối hận.
“Tôi biết chồng tôi cũng có những bí mật. Đôi khi tôi lục ví của chồng và từng tìm thấy hóa đơn 100.000 yen (940 USD) từ một thẩm mỹ viện dành cho nam giới, nơi anh ấy tiêm botox. Anh ấy phải quay lại làm hàng năm mỗi khi hết tác dụng”, Takako nói.
Không chỉ vậy, cô còn phát hiện chồng là hội viên một sân golf và chuỗi khách sạn cao cấp trên cả nước.
Tuy nhiên, Takako khẳng định những bí mật nhỏ này của bạn đời chẳng là gì so với chồng một người bạn cô. Người này từng mua một chiếc du thuyền lớn và giữ bí mật với vợ trong hơn một năm.