Thông tin được nêu tại tờ trình đề nghị UBND TP.HCM phê duyệt Chiến lược y tế trong công tác sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo của Sở Y tế TP.HCM.
Hàng trăm lượt khám tâm thần mỗi ngày
Theo số liệu từ Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2022, Bệnh viện Tâm Thần TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 170.000 lượt khám bệnh, trung bình 800-1.000 lượt khám/ngày.
Hai vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp nhất là rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc, tương đương 35,67% và 24,95%.
Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp cùng với Bệnh viện Tâm thần TP.HCM trong chương trình tập huấn cho các bác sĩ phụ trách khám sức khỏe đầu năm học cho toàn bộ học sinh toàn thành phố.
Khu vực chờ lượt khám tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Điều này nhằm tầm soát một số rối loạn tâm thần thường gặp liên quan đến phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên như: chậm phát triển tâm thần, rối loạn phổ tự kỷ, tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn học tập chuyên biệt, rối loạn phát triển ngôn ngữ...
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đã triển khai tập huấn cho cán bộ phụ trách sức khỏe trường học nói chung về cách nhận biết những dấu hiệu liên quan đến tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn hành vi cư xử, chậm phát triển tâm thần-vận động, rối loạn lo âu, trầm cảm... ở trẻ em.
Từ tháng 8/2022, TP.HCM triển khai mô hình “Cấp cứu trầm cảm”. Tính đến nay, đơn vị tiếp nhận 180 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần. Trong đó, 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến Bệnh viện Tâm thần TP.HCM điều trị.
Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh chất lượng sức khỏe tâm thần của người dân có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn diện cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần lại là vấn đề sức khỏe chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua.
Các vấn đề tâm thần phổ biến ở người Việt
Tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Bộ Y tế, có đến 14,9% dân số gặp các rối loạn tâm thần thường gặp, tức gần 15 triệu người bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trong khi trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều (5-6% dân số). Số còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Tại Việt Nam, số liệu của năm 2019 cho thấy trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 8-9%. Tỷ lệ cao hơn ở nam giới về rối loạn hành vi và ở nữ giới về rối loạn cảm xúc như lo âu và trầm cảm.
Rối loạn tâm thần là một gánh nặng đáng kể ở trẻ vị thành niên Việt Nam. Ảnh minh họa: Pexels. |
Một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, tức có khoảng 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Điều này cho thấy rối loạn tâm thần là một gánh nặng đáng kể ở trẻ vị thành niên Việt Nam.
Những vấn đề thường gặp nhất tại Việt Nam là rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động và giảm tập trung. Tỷ lệ có ý định tự sát trong khảo sát năm 2012 ở nhóm trẻ vị thành niên Việt Nam chỉ là 2,3%.
Lạm dụng chất bao gồm ma túy, cồn và thuốc lá cũng là những yếu tố nguy cơ của rối loạn tâm thần, đặc biệt thuốc lá phổ biến ở trẻ vị thành niên Việt Nam.
Năm 2020, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã thực hiện khảo sát ở 402 học sinh từ 11 đến 17 tuổi tại Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên và An Giang. Tỷ lệ vấn đề sức khỏe tâm thần tại Việt Nam là 8-29% ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên.
Chữa lành bằng sách
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.