Sống trong thời tiết nóng ẩm, môi trường khói bụi khiến chúng ta dễ tăng tiết mồ hôi và tăng bã nhờn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân nữ (30 tuổi, sống ở TP.HCM) nhập viện trong tình trạng hai mu bàn tay sưng rộp, ửng đỏ và ngứa.
Quá trình khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân từng đi du lịch và có nhiều hoạt động dưới ánh nắng mặt trời. Thấy da có biểu hiện sưng đỏ, bỏng rát tương tự bị cháy nắng, bệnh nhân thoa kem dưỡng ẩm để làm dịu da. Tuy nhiên, do lựa chọn sản phẩm không phù hợp, da bàn tay bệnh nhân ngày càng ngứa và đỏ. Lúc này, cô phải đến bệnh viện khám.
Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Mạnh Hà, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết vào mùa nắng nóng, bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca bị cháy nắng, nhiễm trùng da, mụn nhọt, viêm kẽ, dị ứng... Trong đó, các vấn đề như cháy nắng, nhiễm nấm hay viêm da ánh sáng rất phổ biến.
Nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến làn da?
Theo bác sĩ Hà, mặc dù giai đoạn này không phải là mùa cao điểm, mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TP.HCM ghi nhận 2.500-2.700 người đến khám da. Trong đó, các bệnh về da liên quan đến thời tiết nắng nóng ngày càng tăng.
"Đây là tình trạng phổ biến vì trời nắng gắt, nhiệt độ và chỉ số tia UV cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra các bệnh về da", bác sĩ Hà cho hay.
Vị chuyên gia cho biết tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài gây ra nhiều tác hại cho làn da. Đối với ảnh hưởng trực tiếp, nó khiến da bị bỏng nắng (hay còn gọi là cháy nắng) với nhiều mức độ. Ban đầu, da có thể ửng đỏ, rát nhẹ. Trong trường hợp nặng, nó khiến da bị phồng, rộp và tạo thành những bọng nước.
Mức độ cháy nắng còn phụ thuộc vào màu da, tính nhạy cảm ánh sáng của da nhiều hay ít, thời gian tiếp xúc và nồng độ tia cực tím. Ví dụ, da sậm màu thường ít nhạy cảm với ánh nắng do chứa nhiều melanin (sắc tố da), trong khi làn da sáng trắng dễ bị ảnh hưởng hơn.
Ngoài ra, bạn có thể bị viêm da ánh sáng, tình trạng viêm da do tác động của ánh sáng mặt trời. Bác sĩ Hà cho biết nếu mắc phải bệnh lý này, một số người không chỉ bị sưng phù, ửng đỏ mà còn nổi bọng nước.
Việc dùng thuốc và thực phẩm cũng làm tăng nhạy cảm ánh sáng. Nếu không may tiếp xúc với thực vật, nhựa cây, một số người cũng có nguy cơ dị ứng hay tăng sắc tố trên da.
Bác sĩ Hà cho hay khi thấy dấu hiệu bất thường của da, người dân nên kịp thời đi khám và điều trị sớm. Ảnh: Nam Giao. |
Về tác động gián tiếp, sống trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, môi trường đầy khói bụi khiến chúng ta dễ tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn, độ pH ở vùng dưới cánh tay, vùng bẹn bị thay đổi.
Đây là điều kiện cho các vi khuẩn, vi trùng và nấm sinh sôi nảy nở. Từ đó, chúng ta dễ mắc nhiều bệnh như viêm da, nhiễm nấm, dị ứng, mụn nhọt, nhiễm trùng da, viêm kẽ, hăm kẽ…
"Nhiễm nấm trong mùa này cũng rất nhiều, chủ yếu do nắng nóng nên cơ thể đổ mồ hôi nhiều, ẩm ướt, quần áo không khô thoáng. Ngày nào tôi cũng tiếp nhận bệnh nhân bị nhiễm nấm, chủ yếu ở vùng bẹn hoặc mông", bác sĩ Hà thông tin.
Hơn hết, ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím. Nồng độ tia cực tím cao có thể làm chết tế bào da, thay đổi các hoạt chất di truyền của da, từ đó gây ra biến dị, đột biến hay hư hỏng về gene. Sự hư hỏng về gene và ADN có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư da.
Các bệnh về da do nắng nóng dễ bị nhầm lẫn
Bác sĩ Hà cho biết một số bệnh về da do nắng nóng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Ví dụ, nhiễm nấm có các triệu chứng tương tự như chàm hay viêm da cơ địa.
Do đó, cách tốt nhất là bệnh nhân nên kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị nếu phát hiện da có các tình trạng như sau:
- Nổi nhiều vòng tròn đỏ, hơi bong vảy, sần, ngứa do vi nấm đang lan rộng. Những vòng tròn này thường xuất hiện ở mông, bẹn, tay hay chân.
- Nổi mụn nhọt sưng đỏ.
- Da đỏ, rát, phồng rộp, mủ nước sau khi đi ngoài nắng về.
Đồng thời, để phòng tránh các bệnh về da trong mùa nắng nóng này, bác sĩ Hà khuyến cáo người dân nên uống nhiều nước hơn so với ngày thường; bổ sung đầy đủ vitamin cho cơ thể qua việc ăn trái cây, rau củ và dùng kem chống nắng, che chắn kĩ khi đi ra ngoài đường.
Pha cà phê sai cách dẫn đến thảm họa dinh dưỡng
Nếu bạn là người cuồng cà phê thì không thể bỏ cuốn sách Thánh kinh của những tín đồ cà phê. Trong sách này, tác giả Bob Arnot đã chỉ ra nhiều lợi ích của việc uống cà phê như giảm nguy cơ ung thư, ngừa bệnh tiểu đường, giảm cân... Ngoài ra, để có cốc cà phê thơm ngon và bổ dưỡng, ông còn hướng dẫn cách chọn công cụ pha chế, cách ướp lạnh hạt cà phê, tỷ lệ pha với nước và nhiệt độ thích hợp.