Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người tâm lý bất ổn khi ở nhà giãn cách xã hội

TS Đặng Hoàng Giang cho hay trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe tâm thần.

“Alo, Đường dây nóng Ngày mai xin nghe!”.

Đó là câu mở đầu quen thuộc của Trương Mai Trang (sinh năm 1996), cựu sinh viên khoa Tâm lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, mỗi khi tiếp nhận cuộc gọi đến trong ca làm việc của mình.

Cô là một trong hơn 20 tình nguyện viên của Đường dây nóng Ngày mai - tổng đài tham vấn miễn phí cho người gặp khủng hoảng tâm lý ở Việt Nam.

Với phương châm “Lắng nghe không phán xét”, các tình nguyện viên như Trang sẵn sàng chia sẻ, cung cấp cho người gọi các hỗ trợ cần thiết, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.

Suc khoe tam than bi lang quen vi noi lo com ao trong dich anh 1

Đường dây nóng Ngày mai được đồng sáng lập bởi TS Đặng Hoàng Giang và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành (áo đen, ngoài cùng phía trên). Ảnh: Ngày Mai.

Nhiều người gọi tới chỉ khóc

Khoảng 16h30 chiều thứ 7, Trang có mặt ở văn phòng Đường dây nóng Ngày mai. Với chiếc điện thoại, máy tính và cuốn sổ ghi chép, cô cùng một tình nguyện viên khác tiếp nhận nhiều cuộc gọi đến dưới sự hỗ trợ từ người giám sát chuyên môn.

Trước đó, các tình nguyện viên được tham gia đào tạo với chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, người đồng sáng lập Đường dây nóng Ngày mai, và các chuyên gia khác về sức khỏe tâm thần, các vấn đề liên quan tới trầm cảm, tâm bệnh, dấu nhiễu tâm lý. Họ cũng được hướng dẫn kỹ năng lắng nghe, trò chuyện và xoa dịu cảm xúc của người gọi đến.

“1-2 tuần đầu trực tổng đài, mình bị ảnh hưởng khá nhiều, về nhà vẫn nghĩ đến câu chuyện của mọi người. Dần dần, mình tự điều chỉnh để bản thân bình tĩnh, kiên nhẫn và thấu cảm hơn với họ”, cô gái 25 tuổi nói.

Với mỗi cuộc gọi đến, Trang có 30 phút để lắng nghe chia sẻ từ đầu dây bên kia. Không có quy trình cứng nhắc nào được áp dụng vì đối tượng ở đa dạng lứa tuổi và hoàn cảnh, có người gọi đến chỉ khóc, liên tục nói hay im lặng.

“Mình nói với mọi người rằng Ngày mai sẵn sàng lắng nghe, bảo mật thông tin để họ có thể thoải mái tâm sự. Từ đó, mình định hình, xác định vấn đề nằm ở đâu, chia sẻ thêm để phân tích, đồng hành và để họ tự lựa chọn cách xử lý vấn đề”, nữ tình nguyện viên nói.

Suc khoe tam than bi lang quen vi noi lo com ao trong dich anh 2

Các tình nguyện viên của Đường dây nóng Ngày mai được đào tạo trước khi tiếp nhận công việc. Ảnh: Ngày Mai.

Với người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở mức độ nhẹ, Trang gợi ý cho họ hoạt động đơn giản để tĩnh tâm như bài tập thở, cải thiện cảm xúc. Nếu trường hợp nào vượt quá giới hạn có thể xử lý, cô chuyển cho các tổ chức chuyên nghiệp hoặc chuyên gia để được giúp đỡ chuyên sâu.

Tất cả cuộc gọi đến đều được tóm tắt nội dung trong sổ trực. Các tình nguyện viên có thể trao đổi trong nhóm chung của Đường dây nóng Ngày mai để được kịp thời tương tác, tháo gỡ khó khăn, khúc mắc. Ngoài ra, tổng đài có danh sách chuyên gia để giới thiệu cho người gọi điện nếu họ thấy cần và muốn đi tiếp.

Suc khoe tam than bi lang quen vi noi lo com ao trong dich anh 3

“Lắng nghe không phán xét” là phương châm của Đường dây nóng Ngày mai. Ảnh: Ngày Mai.

Trang cho hay hơn 2 tháng qua, cô chủ yếu nhận cuộc gọi từ những người gặp vấn đề cảm xúc, chuyện tình cảm. Một số gọi đến trong tình trạng không thể kiểm soát cảm xúc, thậm chí nói muốn tự sát.

“Gần đây, một bạn nữ gọi tới và liên tục khóc, nấc. Bạn ấy thi vào lớp 10 ở Hà Nội và bị trượt trường mong ước. Bạn không dám nói với người xung quanh vì sợ họ không hiểu, cảm thấy mình tiêu cực. Mình hướng dẫn bạn ấy vài bài tập thư giãn nhưng thời gian để bạn bình tâm lại khá lâu. Đó là một trong số trường hợp mình nhớ”, cựu sinh viên ngành Tâm lý nói.

Hôm khác, Trang trò chuyện với một bạn trẻ mất việc do dịch Covid-19. Khoảng 2-3 năm trước, người này từng trầm cảm, phải điều trị bằng thuốc và nhờ đến chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Khi lâm vào cảnh thất nghiệp, người đó cảm thấy mình vô dụng, cộng thêm khúc mắc nảy sinh khi tiếp xúc nhiều với bố mẹ, người nhà nên dần rơi vào vòng xoáy trầm cảm. Trang đã giúp người gọi đến kết nối với chuyên gia để được tư vấn chuyên sâu.

Sức khỏe tâm thần bị lãng quên trong dịch

Chia sẻ với Zing, chị Nguyễn Minh Quyên, phụ trách tài chính và vận hành của dự án Đường dây nóng Ngày mai, thông tin sau 2 tháng đi vào hoạt động, hotline nhận được 349 cuộc gọi với gần 6.500 phút trao đổi.

Với nguồn lực hiện tại, Đường dây nóng Ngày mai tiếp nhận cuộc gọi vào khung giờ 13h-20h30 thứ 4, 6, 7 và chủ nhật.

Theo chị Quyên, vì Ngày mai mới hoạt động được 2 tháng nên chưa có cơ sở khẳng định số cuộc gọi đến tổng đài nhờ tư vấn về vấn đề tâm lý gia tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, số lượng bình luận, tin nhắn qua fanpage và email có sự gia tăng.

“Đây là khoảng thời gian khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cơm áo gạo tiền, sau đó mới tới làm việc căng thẳng, bất đồng với gia đình. Việc ở nhà quá lâu cũng dẫn đến sự u uất nhất định”, chị nhận định.

Suc khoe tam than bi lang quen vi noi lo com ao trong dich anh 4

Nhiều người gặp vấn đề tâm lý khi ở nhà tránh dịch. Ảnh: Hiroko Masuike.

Trao đổi với Zing, TS Đặng Hoàng Giang, nhà hoạt động xã hội, đồng sáng lập Đường dây nóng Ngày mai, nói ông thấy khá thú vị khi nhiều người gọi tới từ miền Trung, miền Nam.

Vấn đề họ cần tư vấn khá đa dạng, từ xung đột giữa bố mẹ và con cái, khó khăn trong cuộc sống, chuyện hôn nhân đến tâm bệnh.

Theo ông Giang, trong bối cảnh giãn cách xã hội khiến nhiều người phải ở nhà, sức khỏe tâm thần là vấn đề quan trọng bậc nhất.

“Mọi người thường tập trung vào việc thiếu rau, thiếu trứng trong dịch. Thế nhưng, việc trẻ em không được gặp bạn bè, thanh niên không được dịch chuyển, người già không được gặp con cháu, cộng với cảm giác bất an và bất lực trước mối nguy dịch bệnh vô hình treo lơ lửng trong toàn xã hội, có sự phá hủy cuộc sống lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe tâm thần”, ông nói.

Đó cũng là điều Đường dây nóng Ngày mai đang cố gắng cải thiện nhằm giúp mọi người từ khắp mọi miền Tổ quốc cảm thấy được an ủi, xoa dịu sự căng thẳng, được chia sẻ và lắng nghe không phán xét.

Cả xóm ở TP.HCM quen nhau nhờ san sẻ đồ ăn trong dịch

Những ngày TP.HCM giãn cách xã hội, người dân sẵn sàng chia nhau từng mớ rau, trái bí, vỉ trứng, thịt cá… để động viên tất cả cùng vượt qua dịch.

Thiên Nhi

Ảnh: Đường dây nóng Ngày mai

Bạn có thể quan tâm