Các mụn nước thủy đậu nổi chi chít trên da, sau đó khô và bong vảy. Ảnh: Economictimes. |
Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tục ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu đến khám điều trị. Thậm chí, một số trường hợp nhập viện vì biến chứng thủy đậu, nguy kịch, phải thở máy.
Thở máy vì thủy đậu
Trong tháng 1, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng tiếp nhận một bé gái 4 tuổi nguy kịch do mắc bệnh thuỷ đậu. Trước đó 3 ngày, bé có biểu hiện nổi phỏng nước toàn thân. Hai ngày sau, trẻ xuất hiện sốt cao, mệt nhiều kèm ho, khó thở nên được đưa đi khám.
Trẻ vào viện trong tình trạng kích thích, thở oxy qua mask không đáp ứng, nốt phỏng nổi gồ trên da toàn thân.
Bé được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng do thủy đậu bội nhiễm, phải thở máy và dùng kháng sinh. May mắn, sau 8 ngày điều trị tích cực, trẻ được rút ống nội khí quản. Trẻ được cho ra viện sau 23 ngày nằm viện.
Gần đây, ngày 26/1, Đắk Lắk phát hiện ổ dịch thủy đậu tại trường Mầm non Măng Non (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) với 28 trẻ mắc bệnh.
Ca đầu tiên tại ổ dịch này là bé N.P.P.T. (5 tuổi), có hiện tượng sốt, nốt bọng nước đầu tiên ở bụng sau đó lan sang tay và trán. Bé được điều trị tại nhà 3-4 ngày và đi học trở lại sau đó.
Sau đó, trường mầm non này tiếp tục phát hiện có 27 trường hợp khác mắc bệnh thủy đậu như bé T. Các trường hợp mắc bệnh đều thuộc lớp Lá 2.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ổ dịch, Trung tâm Y tế huyện Ea Kar đã nhanh chóng tiến hành xác minh các trường hợp mắc bệnh tại trường học, lập danh sách các bé theo ngày mắc bệnh, tiền sử tiêm chủng thủy đậu, cơ sở điều trị và tình trạng hiện tại.
Cũng theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Thuý Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết các ca bệnh thuỷ đậu sẽ tập trung vào những tháng đầu năm. Trước đó, một thống kê gần cuối năm 2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp nhận hơn 500 ca đến khám, trong đó lại có đến 10% cần nhập viện.
Căn bệnh lành tính những dễ gây biến chứng
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Các trường hợp khỏe mạnh mắc thủy đậu sau khoảng một tuần sẽ tự hết bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc ở người lớn.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết).
Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nhảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
PGS Cường thăm khám cho bệnh nhân bị thủy đậu. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai. |
Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, da xuất hiện nhiều nốt phỏng toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.
Dù là bệnh lành tính tự khỏi, thủy đậu vẫn có thể gây nguy hiểm cho nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch; mắc ung thư đang điều trị hóa chất; có bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch...).
Nếu để bệnh phát triển nặng, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân có dấu hiệu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bị thuỷ đậu không nên tắm nước rạ. Trong rạ có đất, sình lầy mang vi khuẩn, khi tắm, các loại vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào vết thương, gây nhiễm trùng máu.
Bệnh nhân thuỷ đậu phải tắm bằng nước sạch và hạn chế kỳ cọ để tránh vỡ các nốt đậu, giảm biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu.
"Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine. Nhưng mọi người thường chủ quan và bỏ qua việc tiêm phòng", PGS Cường nhận định.
Do đó, PGS Cường khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
"Trẻ 1-12 tuổi nên được tiêm 2 liều. Liều thứ 2 được tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ tái mắc bệnh", PGS Cường hướng dẫn.
Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thủy đậu. Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời để tăng khả năng điều trị.
Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, đồng thời cung cấp các kiến thức, phương pháp, chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết...