10 năm qua, Alex Boughen, nhân viên truyền thông ở bang California (Mỹ), luôn lên danh sách những việc cần làm để cải thiện trong năm sau.
Tuy nhiên, chàng trai 28 tuổi không bao giờ duy trì được lời hứa ấy.
"Tôi luôn tự hứa sẽ bắt đầu thay đổi bản thân từ ngày 1/1. Ngay hôm sau, tôi tới phòng gym tập luyện song dần chán nản và từ bỏ sau vài tuần", anh kể với New York Times.
Đặt mục tiêu cho năm mới là thói quen của nhiều người trẻ thế hệ MZ (người thuộc thế hệ Millennials và thế hệ Z ở độ tuổi 20-30). Sau thời khắc giao thừa, họ cần nỗ lực để duy trì những lời hứa thay đổi bản thân suốt cả năm, song không mấy người thành công.
Giờ, không ít người quyết định từ bỏ "nghi thức" này để giải tỏa áp lực, tạo động lực cho bản thân theo cách tích cực hơn.
Thế hệ MZ ở Mỹ có thói quen đặt "giải pháp năm mới" - những thói quen họ cần duy trì suốt cả năm để cải thiện bản thân, song khó thực hiện một cách đều đặn. Ảnh: The List. |
Thay vì chờ đến ngày đầu tiên của năm mới, Alex đã cố gắng thay đổi từng chút một suốt mùa hè vừa qua.
Nếu quên chạy bộ buổi sáng, anh sẽ đi bộ sau bữa tối. Alex cũng ăn uống ở nhà nhiều hơn để đảm bảo dinh dưỡng.
"Nếu lỡ 'phá luật' một hôm, tôi sẽ thử lại vào ngày hôm sau. Tôi không lo phải bỏ hết nỗ lực ban đầu, đợi thử lại vào năm mới chỉ vì quên chạy bộ một buổi hay ăn ngoài 2 bữa", anh nói.
Từ trải nghiệm cá nhân, Alex nghĩ lý do khiến người trẻ khó hoàn thành mục tiêu đặt ra vào dịp năm mới vì tâm lý trì hoãn.
"Khi nói rằng 'Tôi sẽ bắt tay thực hiện kể từ năm sau', họ tự trấn an bản thân vẫn có nhiều thời gian để thay đổi và không năng nổ nữa", anh nói.
Noah Schnable (20 tuổi), sinh viên đại học người Mỹ, đặt mục tiêu trở thành một streamer nổi tiếng.
Để làm được điều đó, anh cần phát sóng trực tuyến ít nhất 3-4 tiếng/ngày. Song, chàng trai này liên tục dời lịch sang hôm sau, rồi lại hôm sau nữa.
Schnable định dừng cố gắng, lập kế hoạch để phấn đấu vào năm sau nhưng đã lập tức thay đổi suy nghĩ.
"Giờ, mỗi lúc thấy lười biếng, tôi sẽ tự nhủ mình có đủ thời gian để làm việc. Khi bước sang năm 2022, tôi sẽ có động lực hơn vì thấy bản thân có sự tiến bộ".
Nhiều người thấy áp lực khi phải thực hiện những "giải pháp năm mới" theo mạng xã hội, hoặc các mục tiêu không phù hợp với mình. Ảnh: iStock. |
Một số người còn thấy căng thẳng khi phải đưa ra những mục tiêu, lời hứa trong năm tiếp theo.
Abbey Phaneuf (22 tuổi, người New York), nhân viên marketing tại công ty Loftie, có trải nghiệm tương tự.
"Mỗi lần lướt TikTok, tôi đều thấy các video kêu gọi ăn uống lành mạnh, cải thiện dáng vóc và nghĩ mình cần làm vậy. Nhưng tôi không thể thay đổi cuộc sống của mình về lâu dài nếu chỉ 'đột nhiên' muốn thay đổi chính mình", cô nói.
Không làm theo những đoạn clip "kế hoạch năm mới" trên mạng xã hội, Phaneuf tập trung vào điều mình thực sự muốn - tham gia vào nhiều hoạt động xã hội hơn.
"Tôi muốn tham gia một câu lạc bộ nào đó và tham gia hoạt động tình nguyện. Đó là những mục tiêu phù hợp với tôi. Tôi sẽ thực hiện nó khi bản thân sẵn sàng, chứ không nhất thiết phải đợi tới năm mới".
Emily Mooshian (27 tuổi), nhân viên hiệu đính tại bang Massachusetts (Mỹ), từng tự đặt "giải pháp năm mới" cho mình vì "ai cũng làm như vậy".
Thế nhưng, cô nhận ra điều này không phù hợp với mình và quyết định đi theo sự lựa chọn của bản thân.
Hồi tháng 10, Mooshian thấy kiệt sức khi phải làm việc quá nhiều, lo lắng cho quá nhiều người. Vì thế, cô quyết sẽ "nói không" thường xuyên hơn để dành thời gian chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.
"Tôi đang học cách từ chối đề nghị từ người khác. Nếu phải đợi tới tháng 1 để làm điều đó, có lẽ tôi sẽ kiệt sức mất. Giờ, tôi thấy thoải mái hơn nhiều".