"Đó là khoảng thời gian rất căng thẳng đối với sinh viên. Bởi mọi người đều tin rằng đây là cơ hội duy nhất", Yumi Mizuno (29 tuổi, dịch giả tự do ở Tokyo, Nhật Bản) nhớ lại trải nghiệm tham dự shukatsu của cô.
Shukatsu là hoạt động tuyển dụng của các tập đoàn, công ty được tổ chức hàng năm dưới sự đồng thuận của chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học ở Nhật Bản dành cho sinh viên.
Mùa tuyển dụng thường diễn ra vào tháng 3, 4, kéo dài gần nửa năm với đủ các loại hội thảo, hội nghị việc làm, phỏng vấn xin việc.
Shukatsu là mùa tuyển dụng lớn nhất tại Nhật Bản diễn ra vào tháng 3, 4 hàng năm. Ảnh: Reuters. |
Theo South China Morning Post, đối với nhiều người trẻ tại xứ sở hoa anh đào, shukatsu là cánh cửa mở ra cơ hội nhưng cũng là quá trình đầy mệt mỏi, áp lực.
80% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm vào năm ngoái thông qua shukatsu, theo Bộ Giáo dục Nhật Bản. Nhưng đồng thời, 20% sinh viên nói rằng shukatsu từng khiến họ nghĩ đến việc tự tử, theo một nghiên cứu của nhóm phòng chống tự tử Lifelink.
Tự tử vì không 'săn' được việc làm
Trong những ngày còn tham gia shukatsu, Mizuno và bạn bè cô mặc những bộ đồ công sở, luôn phải cố gắng biểu hiện tích cực để có thể "lọt vào mắt xanh" của nhà tuyển dụng là những tập đoàn, công ty hàng đầu tại Nhật.
"Nhiều sinh viên nộp hồ sơ tại 20-30 công ty nhưng tôi chỉ nộp ở 5 công ty. Lúc đó, tôi chưa sẵn sàng tìm kiếm việc làm. Bây giờ khi đã có 5-6 năm kinh nghiệm, tôi biết công việc nào mình thực sự hứng thú và phù hợp, cách lựa chọn môi trường làm việc.
Nhưng khi tham dự shukatsu, tôi không hề biết gì. Hệ thống shukatsu không cho tôi cơ hội nghĩ về những thứ như vậy và tôi cảm thấy thực sự lạc lối", Mizuno nhớ lại.
Bắt đầu từ học kỳ 2, năm 3 đại học, nhiều sinh viên Nhật Bản bắt đầu công cuộc "săn tìm" việc làm. Họ dành 18 tháng để liên tục nộp hồ sơ, phỏng vấn với mong muốn có việc làm tốt ngay sau khi ra trường.
Tìm việc áp lực, mệt mỏi, nhiều thanh niên Nhật Bản muốn tự tử. Ảnh: Kyodo. |
Đối với nhiều người "săn" việc tại Nhật Bản, nộp 100 hồ sơ xin việc và bị từ chối 100 lần là chuyện bình thường.
Theo Yomiuri Shimbun, trong một xã hội coi trọng sự nghiệp, luôn đánh giá con người thông qua vị trí công việc như ở Nhật Bản, không tìm được việc làm là một điều rất kinh khủng.
Sinh viên tốt nghiệp đã tham gia shukatsu trong nhiều năm nhưng vẫn không có công việc ổn định, toàn thời gian bị xem là kẻ thất bại.
Tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử tại Nhật Bản đã tăng 250% từ năm 2007. Thất nghiệp được xác định là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó. Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia, năm 2011, 150 người đã tự sát do không tìm được việc làm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng, thiếu hụt lao động ngày một nghiêm trọng, các chuyên gia đánh giá hệ thống tuyển dụng shukatsu không còn phù hợp và đang mất dần sức hút với giới trẻ.
Lương cao có phải là tất cả?
Công việc lương cao trong công ty lớn từng là mục tiêu duy nhất của Mizuno và những người cùng thế hệ với cô khi tìm đến shukatsu. Còn với nhiều người trẻ Nhật Bản ngày nay, mức lương không phải thứ duy nhất họ quan tâm khi tìm kiếm việc làm.
Sự thay đổi này mang lại cơ hội cho những doanh nhân như Akiko Naka - người sáng lập nền tảng tìm kiếm việc làm Wantedly, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản.
So sánh cách tìm việc truyền thống như chuyện kết hôn với một người chưa từng gặp, Akiko thành lập Wantedly vào năm 2012 với mong muốn thay đổi văn hóa tìm kiếm việc làm của người Nhật.
Thay vì mô tả cụ thể công việc và mức lương, Wantedly tập trung vào việc kết nối các ứng viên và công ty thông qua những giá trị và sở thích chung. Nhà tuyển dụng có thể tạo hồ sơ để giới thiệu văn hóa công ty của họ, giúp ứng viên hiểu được công việc họ sẽ làm.
"Ứng viên có thể đến thăm văn phòng, công ty mà họ quan tâm. Wantedly muốn cho phép người dùng 'hẹn hò' với các công ty trước khi họ chính thức gia nhập", Naka nói.
Nhiều người trẻ Nhật Bản ngày nay muốn tìm công việc phù hợp hơn lương cao. Ảnh: AFP, Reuters. |
Naka từng tham gia shukatsu. Tốt nghiệp đứng đầu lớp, cô giành được một vị trí tại tập đoàn Goldman Sachs ở Nhật Bản. Đó là công việc với mức lương khiến nhiều người mong muốn, nhưng cuối cùng Naka nhận ra nó không phù hợp với cô.
"Đây không phải là điều tôi mong đợi. Kinh nghiệm của tôi quá khác. Nó giống việc đi học lại, bạn có điểm tốt nhưng bạn có nhiều áp lực. Goldman Sachs là nơi tuyệt vời, nhưng cuộc sống này ngắn lắm", Naka chia sẻ.
Theo nhà sáng lập Wantedly, người Nhật Bản nói riêng và người châu Á nói chung đa phần đều bị ám ảnh bởi sự ổn định tài chính. Vì vậy, khi tìm kiếm việc làm, người ta quan tâm quá nhiều đến mức lương mà gần như không để ý đến mức độ bản thân hài lòng và phù hợp với công việc.
"Tôi đã nghe nhiều người xung quanh phàn nàn, không hài lòng với công việc hiện tại, nhưng họ không có ý định bỏ việc. 'Thật tốt khi có một công việc ổn định và có mức lương tốt', đó là lý do hàng chục người đưa ra", Naka kể.
Thành công của Wantedly cho thấy thái độ này đang thay đổi. Wantedly hiện có hơn 2,6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và hơn 30.000 công ty bao gồm Sony, Nissan Motors, Apple, Uber, Dropbox... tham gia tạo hồ sơ tuyển dụng.
Công ty của Naka được định giá 310 triệu USD vào năm 2017, đang có kế hoạch mở rộng trên khắp châu Á.
Công cuộc 'đại tu' shukatsu
Dù có nhiều tranh cãi xung quanh shukatsu và các công ty tuyển dụng như Wantedly ngày càng phát triển, Kumiko Kawashima - giảng viên ngành Xã hội học, ĐH Macquarie, Australia - cho rằng quy trình tuyển dụng truyền thống không biến mất ngay lập tức. Các hệ thống tuyển dụng cũ và mới sẽ cùng tồn tại trong thời gian tới.
Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản mới đây thông báo sẽ "đại tu", mở rộng quy mô và thời gian của shukatsu vào năm 2021 để mang lại hy vọng cho những người như Mizuno.
Nhưng khi các hướng dẫn mới của liên đoàn vẫn chưa được hoàn tất, nhiều người nói rằng việc cải tổ quá chậm chạp trong khi dân số đang già đi nhanh chóng.
Theo bà Kawashima, sẽ mất rất nhiều năm để hệ thống shukatsu trở nên rõ ràng. Nhưng việc thay đổi shukatsu cũng chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp lớn trong nước. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị thu hẹp cơ hội.
"Doanh nghiệp lớn sẽ tiếp cận được những sinh viên ưu tú, cạnh tranh với các công ty nước ngoài vốn không phải tuân theo shukatsu của liên đoàn doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để tham gia một chiến dịch tuyển dụng quanh năm", bà Kawashima giải thích.
Dân số Nhật Bản đang già hóa nhanh chóng. Ảnh: Reuters. |
Yumiko Mura - chuyên gia về thị trường lao động, là người đứng đầu Trung tâm OECD Tokyo - đồng ý rằng khi shukatsu đã nhúng quá sâu vào hệ thống tuyển dụng truyền thống, không nên mong đợi một sự thay đổi lớn và nhanh chóng.
Quá mệt mỏi với bộ đồ công sở gò bó, những buổi hội thảo, các cuộc phỏng vấn liên tiếp, Mizuno quyết định từ bỏ shukatsu.
Sau đó, cô trở thành dịch giả, công việc không mang lại mức lương cao nhưng thoải mái và phù hợp với năng lực.
"Nhiều người vẫn nghĩ tham gia vào các công ty lớn thông qua shukatsu mới là lựa chọn khôn ngoan, song ngày càng nhiều người trẻ tự do không nghĩ như vậy nữa", Mizuno chia sẻ.