Trên đường đi làm về, Tú Duyên (26 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) ghé vào quán bán đồ Hàn quen thuộc. Cô gọi một phần kimbap nhỏ và món canh kim chi thịt heo.
Duyên chọn bàn ăn cạnh cửa kính, nhìn ra đường phố. Bàn thiết kế cho hai người ngồi nhưng trước mặt cô là chiếc ghế trống.
Xung quanh, cũng có vài khách đến quán ăn một mình. Tất cả dường như đều vừa tan làm. Người chăm chú ăn uống, người bận rộn lướt điện thoại.
"Dù đi một mình, không ai có vẻ cô đơn cả. Tất cả đều tất bật và chìm đắm trong thế giới của riêng mình. Không chuyện trò, chỉ có âm thanh của ăn uống và bát đũa va vào nhau", cô nói với Zing.
Duyên nói rằng cô không phải là người đam mê các hoạt động solo (dành cho một người) nhưng cảm thấy việc dùng bữa một mình trong hàng quán không có gì bất thường. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của cô cũng dùng bữa một mình ít nhất 2-3 lần/tuần.
"Với công việc đòi hỏi phải luôn có những ý tưởng mới, tôi thấy việc đi ăn một mình giúp có thêm cảm hứng hay đôi khi là thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. Đồ ăn ngon cũng có thể chữa lành, vực dậy mình trong những ngày căng thẳng", Duyên giải thích.
Xu hướng
Trong văn hóa truyền thống, ăn uống được coi là hoạt động chung. Các bữa ăn, nhất là bữa tối, đôi khi không chỉ là hành vi nạp năng lượng nhằm duy trì sự sống, còn là một hình thức tương tác xã hội giữa gia đình và bạn bè.
Nhà sử học Bee Wilson, trong bài viết cho The Guardian, cho biết trải qua hàng chục triệu năm phát triển, loài người vẫn tồn tại sự kỳ thị đối với các "bữa ăn cô đơn".
Tú Duyên muốn đi ăn tối một mình vào những ngày quá bận rộn, căng thẳng với công việc. Ảnh: NVCC. |
“Hầu hết hình ảnh mô phỏng các bữa ăn chúng ta thường thấy là những buổi tụ tập, quây quần. Điều này khoét sâu vào ấn tượng rằng ngồi ăn mà không có ai bên cạnh sẽ rất đơn độc”, Wilson đánh giá.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, cách ăn uống ở các đô thị lớn trên thế giới đã và đang thay đổi.
Tại Nhật Bản, một đất nước đã phải vật lộn với khái niệm cô đơn trong nhiều năm, ăn một mình không phải là điều gì xa lạ.
Từ những năm 1990, nước này đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ, cấu trúc gia đình thay đổi, tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số và số lượng hộ gia đình độc thân ngày càng tăng. Từ một lựa chọn không thể làm khác, việc ăn uống một mình đã thành xu hướng.
Câu chuyện tương tự cũng có thể bắt gặp ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore.
Ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, cảnh các cá nhân ngồi riêng lẻ tại một quán ăn, lặng lẽ lướt màn hình điện thoại đang trở nên phổ biến hơn.
Nhiều người trẻ chia sẻ sở thích ăn một mình vì "thuận tiện", "đỡ phiền phức", và đôi khi là "để đầu óc được khuây khỏa vì được ở một mình".
Lan Hương, một nhân viên văn phòng 24 tuổi ở TP.HCM, dành thời gian ăn một mình đôi lúc là biểu thị cho sự tự do vì không cần phải giao tiếp và cố gắng tỏ ra hòa nhập với những người khác.
"Tôi không cảm thấy cô đơn vì có thể vừa ăn, vừa giải trí bằng những việc mình thích như đọc sách, lướt mạng xã hội, chơi game. Tôi không muốn gượng ép bạn bè đi ăn cùng mình vì ai cũng bận rộn với cuộc sống, công việc riêng", Hương nói thêm.
Kim Loan hoàn toàn thoải mái với trải nghiệm đi ăn một mình. |
Tương tự, Kim Loan (31 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) thường đi ăn một mình khi không thể sắp xếp thời gian ăn chung với bạn bè, gia đình.
"Tôi thấy đi ăn một mình là điều rất bình thường. Bản thân là người sống hướng nội nên những khi tâm trạng không tốt, cần suy nghĩ gì đó, tôi cũng muốn ở riêng. Thỉnh thoảng tôi đi ăn, đi dạo hoặc mua vé vào rạp ngồi xem phim một mình".
Loan chia sẻ điều khiến cô thoải mái khi đi ăn một mình là được tự do chọn món yêu thích, ăn ở đâu mình muốn. Nếu đi với bạn bè, cả nhóm thường phải hẹn trước và sắp xếp để phù hợp lịch trình của mọi người. Đi một mình, cô có thể chủ động về thời gian.
Thoát khỏi sự kỳ thị
Bùi Hằng (23 tuổi, ở Hà Nội) đang làm cùng lúc hai công việc. Phải đến tận 23h, sau khi kết thúc ngày làm việc, cô mới có thể đi ăn tối.
"Tính chất công việc như vậy nên hầu hết bữa tối tôi đều đi ăn một mình, một tuần thì mất 6 ngày ăn khuya", Hằng chia sẻ.
Là người sống hướng ngoại và vui vẻ khi giao lưu bạn bè, tụ tập cùng đồng nghiệp song Bùi Hằng lại rất thích cảm giác ăn tối một mình. Sau một ngày dài mệt mỏi, được dành chút thời gian cho bản thân khiến cô thực sự thoải mái.
Bùi Hằng thường xuyên một mình đi ăn tối sau giờ làm. Ảnh: NVCC. |
"Nếu so sánh với việc đi chung cùng mọi người, tôi thích đi ăn một mình hơn. Đơn giản là vì khi ấy mình được thoải mái chọn món gì cũng được, không cần đắn đo hay phụ thuộc vào ý kiến của người khác", cô giải thích.
Không chỉ đi ăn, ngay cả khi xem phim hay mua sắm, dạo phố, Hằng cũng thích đi một mình.
Những khoảng thời gian riêng tư như vậy khiến cô được sống chậm lại, để ý sâu hơn đến bản thân và có thể ngắm nhìn mọi người xung quanh.
Với Hằng, việc đi ăn một mình thường xuyên không có nghĩa cô là người sống khép kín, không có kỹ năng giao tiếp hay lập dị. Cô nàng 23 tuổi cũng không e ngại khi chỉ có một mình ngồi trong quán ăn.
"Xung quanh tôi cũng có nhiều người trẻ có xu hướng thích làm mọi thứ một mình. Đó đơn giản là một kiểu thói quen. Tôi nhận thấy những người như vậy thường chủ động, tự lập hơn trong cuộc sống lẫn công việc", Hằng chia sẻ.
Ở một mặt khác, Nguyễn Quỳnh Hoa (28 tuổi, designer, ở TP.HCM) cũng nhận ra hạn chế của bữa ăn một mình. Cô không thể gọi một số món ưa thích vì chỉ có suất lớn, combo. Ngoài ra, số tiền khi ăn một mình tốn hơn nhóm đông.
"Khuyết điểm duy nhất của ăn một mình là phải trả thêm tiền, ví dụ như trà, nước, một số món đặc biệt như lẩu, nướng. Đôi khi, bạn không thể ăn hết nếu là nữ. Tuy vậy, tôi thấy vẫn đáng giá", Hoa nói.
Quỳnh Hoa thừa nhận những bữa ăn một mình tốn kém hơn. |
Từng sống với bố mẹ tới năm 26 tuổi, Quỳnh Hoa mới chuyển ra ngoài từ năm 2020. Cô thích ngủ nướng, giờ làm việc không cố định, nhưng cha mẹ lại muốn con gái ổn định và nhanh kiếm chồng.
"Khi tôi ra ngoài sống, bố lo tôi sẽ 'ăn uống linh tinh và về muộn'. Nhưng biết sao được, không phải ngày nào tôi cũng có thể có mặt ở nhà đúng 19h để dành khoảng một tiếng rưỡi ăn uống. Thậm chí, khi chỉ có một mình, tôi có thể uống một chút rượu hoặc bia nếu muốn, trong khi đó là điều cấm kỵ ở nhà", cô giải thích.
Nói về sự kỳ thị đối với việc đi ăn một mình, Tiến sĩ Mukta Das, nhà nhân chủng học tại Đại học SOAS London, người chuyên nghiên cứu về văn hóa ẩm thực Trung Quốc và Nam Á, nói: "Mọi quốc gia trên khắp thế giới đều quan niệm rằng ăn cùng nhau sẽ tốt hơn và ăn một mình là trái với chuẩn mực. Ở Anh, mọi người gọi việc ăn một mình là khủng hoảng của sự cô đơn. Ở Pháp, đó là một cuộc khủng hoảng về cách cư xử. Còn tại Trung Quốc, đó là khủng hoảng gia đình".
Tuy nhiên, bà Mukta nhận định mọi thứ đang dần thay đổi. Ăn uống từ một hoạt động mang tính tập thể đang dần trở thành trải nghiệm cá nhân hơn. Nhiều người thoát khỏi sự kỳ thị của việc ăn uống một mình và ngày càng có nhiều nhà hàng phục vụ những thực khách đơn lẻ.
"Thế hệ 8X, 9X hay thậm chí Gen Z tại nhiều nước ngày nay coi việc sống thoải mái một mình là mục tiêu hướng tới. Bằng chứng của việc này là những video quay cuộc sống một mình luôn được theo dõi rất nhiều trên mạng xã hội. Từng bị coi là điều đáng xấu hổ, thua kém, sự độc lập bây giờ lại trở thành biểu tượng của sự tự do, phóng khoáng trong thời đại mới", bà kết luận.