Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người trẻ Trung Quốc nhụt chí, không còn muốn phấn đấu

Liên tiếp những đợt phong tỏa và lệnh hạn chế Covid-19 dai dẳng đã phá hỏng kế hoạch nghề nghiệp tương lai của nhiều người trẻ, khiến họ sợ mạo hiểm và chỉ muốn "nằm yên".

Không chỉ làm gián đoạn cuộc sống người trẻ, chính sách Zero Covid-19 dai dẳng còn để lại hệ lụy lâu dài mang tính thế hệ. Ảnh: Alex Plavevski/EPA.

Năm cuối đại học của Wu Zhiming không chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực từ những đợt phong tỏa Covid-19, mà còn mất đi nhiều yếu tố xã hội giúp anh định hình những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành.

Tuy sống ở ký túc xá từ tháng 10 tới hết tháng 12 năm ngoái, Wu (23 tuổi), sinh viên Đại học Thẩm Dương, gần như không có cơ hội kết thân và làm quen các bạn cùng lớp. Sau 3 tháng ngắn ngủi đó, anh buộc phải trở về quê nhà ở tỉnh Cam Túc và tiếp tục học online do những đợt bùng phát Covid-19 xuất hiện, SCMP đưa tin.

Trong những ngày đầu đại dịch, học trực tuyến đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu. Nhưng dần dần, khi hầu hết quốc gia triển khai tiêm vaccine Covid-19, các hoạt động thường nhật đã dần trở lại và trường học mở cửa cho học sinh, sinh viên đến học tập trực tiếp.

tang ping anh 1

“Nằm yên” là cách nhiều người trẻ Trung Quốc trốn tránh thực tại cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: CGTN.

Nhưng với Wu và hàng triệu sinh viên khác khắp Trung Quốc, phần lớn cuộc sống đại học của họ diễn ra ngoài khuôn viên nhà trường.

Chính sách Zero Covid-19 dai dẳng của chính phủ Trung Quốc đã gây gián đoạn cuộc sống nhiều người, bao gồm các đợt phong tỏa thường xuyên và kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển giữa các tỉnh.

Theo các nhà nghiên cứu và cả chính những sinh viên, điều này sẽ gây ra những tác động lâu dài, gây đình trệ quá trình thay đổi từ tuổi vị thành niên sang tuổi trường thành.

Đồng thời, những “cú sốc kinh tế” của Trung Quốc được cho là sẽ có tác động sâu sắc tới các lựa chọn trong đời sống và sự nghiệp của thanh niên.

Sợ mạo hiểm

Wu, sinh viên ngành kỹ thuật ôtô, cho biết sự hỗn loạn vài năm qua do chính sách Zero Covid-19 đã tước đi vô số cơ hội học tập và du lịch của người trẻ, cùng với sự tự do vào thời điểm mà họ muốn nắm bắt lấy.

Cá nhân anh cũng sa sút về mặt tinh thần và cảm xúc, cảm thấy không còn động lực phấn đấu. Kế hoạch sự nghiệp của anh coi như đã hỏng hoàn toàn do các cuộc phong tỏa.

“Tôi không biết mình nên chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trình độ sau đại học, hay nên tìm kiếm công việc luôn. Tôi rất bối rối, không còn muốn phấn đấu cho tương lai. Giờ đây, tôi chỉ mong một cuộc sống yên bình, không tham vọng”, sinh viên chia sẻ.

Kiểu tâm lý “tang ping” (nằm yên) này trở thành xu hướng tại Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch.

Bên cạnh sự suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra và cuộc sống đại học bị trì hoãn, những người trẻ còn phải cạnh tranh kiếm việc làm trong bối cảnh số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức rất cao.

Theo Yu Ling-yan, một giảng viên và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Tâm lý học Đại học Thanh Hoa, những người trẻ trải qua bất ổn trong đại dịch đang trở nên thận trọng với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Nhiều trong số đó chấp nhận “nằm yên” như một cách né tránh căng thẳng.

“Phạm vi lựa chọn của họ bị thu hẹp và họ sợ phải mạo hiểm. Những vấn đề sức khỏe tinh thần của giới trẻ có thể tạo gánh nặng cho xã hội. Nhưng xã hội phải tiếp nhận và xử lý gánh nặng đó bởi chính xã hội gây ra vấn đề này”, Yu nói.

Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng nặng nề

Chứng trầm cảm ở người trẻ cũng ngày càng phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Sách Xanh về Trầm cảm Quốc gia 2022, do Viện Nghiên cứu Trầm cảm Trung Quốc biên soạn, cho biết sinh viên hiện chiếm hơn 50% trường hợp mặc chứng bệnh này trên toàn quốc. Năm 2019, con số này là 23,8%.

Kong Mingxu, sinh viên đại học 20 tuổi ở Nam Kinh, cho biết dịch vụ tư vấn tâm lý của trường anh thường kín lịch.

tang ping anh 2

Lệnh hạn chế Covid-19 kéo dài khiến người trẻ cảm thấy lo lắng, không dám mạo hiểm. Ảnh: CNA.

“Nhà trường thậm chí còn mời một giám đốc bệnh viện tâm thần địa phương tới nói chuyện với chúng tôi”, anh cho biết.

Vấn đề sức khỏe tâm thần của sinh viên liên quan tới chính sách phòng chống dịch bệnh của nhà trường, bao gồm thủ cách ly rườm rà.

Kong, người sống trong khuôn viên nhà trường kể từ năm nhất, từng phải cách ly ở khách sạn sau khi trở về từ vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Một sinh viên khác cũng được yêu cầu cách ly 3 ngày sau khi đi khám nha khoa bên ngoài ký túc xá. Điều này đã trì hoãn tiến độ học tập của họ.

“Tôi chưa từng được trải nghiệm cuộc sống đại học thực sự như thế nào. Ngoài ra, đại dịch dạy tôi không nên đặt mục tiêu và kế hoạch sớm, bởi có nhiều điều chẳng thể chắc chắn được”, Kong chia sẻ.

Khát vọng nghề nghiệp của nam sinh viên này cũng thay đổi. Thay vì theo đuổi nghề biên đạo nhảy, anh dự định trở thành một giảng viên đại học để có thể ở lại trong khuôn viên trường - nơi anh tìm thấy sự an ủi trong lúc mệt mỏi, chán chường.

“Tôi thực sự chỉ muốn sống yên thân và không muốn bước vào xã hội hỗn loạn ngoài kia”, anh chia sẻ thêm.

He Guojun, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Hong Kong, người chuyên về các vấn đề môi trường, phát triển và quản trị, nói rằng nhiều tài liệu kinh tế cho thấy việc tiếp xúc với những cú sốc kinh tế tiêu cực có ảnh hưởng đến lựa chọn cuộc sống mỗi cá nhân.

Điều này giúp giải thích vì sao thế hệ trẻ ngày càng quan tâm hơn đến công việc biên chế, đặc biệt trong bối cảnh các quy định hạn chế Covid-19 của Trung Quốc đang gây thiệt hại lớn tới doanh nghiệp tư nhân.

“Người trẻ sẽ trở nên sợ rủi ro hơn, dẫn đến ít khả năng khởi nghiệp, vay tiền hay đầu tư vào thị trường biến động lớn. Vấn đề này sẽ để lại tác động kéo dài nhiều năm, và cuối cùng dẫn đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn ở Trung Quốc”, ông He nói.

Giáo sư hàng đầu Trung Quốc bị điều tra vì nụ hôn trên sóng trực tiếp

Nhà khoa học nổi tiếng Fang Daining bị phát tán video ghi lại cảnh ông bị một phụ nữ hôn trong hội nghị học thuật. Người này được cho là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ.

Ánh Dương

Bạn có thể quan tâm