Trước đây, khi nghĩ đến thẩm mỹ, người ta chỉ biết đến silicone lỏng, bơm vào đâu thì chỗ đó cao và to lên. Người đi thẩm mỹ thấy cơ thể còn khuyết điểm nào cũng tiêm chất này tùy tiện.
Silicone lỏng bị cấm sử dụng từ năm 1990 nhưng vì giá rẻ nên nhiều cơ sở vẫn lén lút sử dụng cho đến tận ngày nay. Không chỉ ở Việt Nam, các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng cũng vậy, gây ra nhiều biến chứng và quan điểm không tốt về ngành thẩm mỹ.
Ảo tưởng về phẫu thuật thẩm mỹ
Trong 10 năm gần đây, với tiến bộ khoa học, y học, ngành thẩm mỹ có nhiều bước tiến trong các kỹ thuật như nâng mũi cấu trúc thay thế cho phương pháp thông thường, trẻ hóa, căng da, giảm béo, dùng filler thay thế cho silicone lỏng,... Chúng nâng cao tỷ lệ an toàn một cách rõ rệt, gần như không còn biến chứng do các chất liệu độn gây ra. Bên cạnh đó, các bác sĩ thẩm mỹ cũng có thêm nhiều cơ hội học tập, giao lưu với quốc tế, nâng cao trình độ hơn trước.
Song song với sự phát triển tích cực đó, hiện nay lại xảy ra một số vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường, cạnh nhau lẫn nhau giữa các cơ sở thẩm mỹ. Các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được quảng cáo tràn lan, sai sự thật, hình ảnh được photoshop lộng lẫy kèm theo lời hứa hẹn bảo hành lâu dài, kết quả vĩnh viễn, không sưng, không đau hay kết quả đẹp ngay sau khi thực hiện, làm cho khách hàng "ảo tưởng" dẫn đến những đòi hỏi vô lý.
Các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được quảng cáo tràn lan, sai sự thật khiến khách hàng "ảo tưởng" về kết quả thẩm mỹ. Ảnh: Dralaisrios. |
Có những bệnh nhân yêu cầu bác sĩ phải làm giống người mẫu A, B, C,.. bảo hành trọn đời. Nhiều chị em phẫu thuật sau vài ngày còn sưng nề, bạn bè chê bai liền quay lại bắt đền bác sĩ. Đó là hậu quả của những chiến dịch truyền thông bóp méo sự thật, làm bệnh nhân kỳ vọng, ảo tưởng quá cao.
Người Việt "điếc không sợ súng"
Bên cạnh đó, hiện còn nhiều phòng khám không giấy phép, thiếu bác sĩ đã tự ý thực hiện các thủ thuật xâm lấn như nâng mũi, cắt mí, má lúm, tiêm filler, dùng chất liệu không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Họ tạo ra một xu hướng làm đẹp "siêu rẻ", mọi đối tượng đều có thể nâng mũi, cắt mí với giá chỉ dưới 5 triệu đồng. Thực tế, đã có nhiều ca biến chứng, cầu cứu bác sĩ sửa lại.
Người Việt chúng ta "điếc không sợ súng", không chịu tìm hiểu kiến thức thẩm mỹ hoặc ham rẻ nên chấp nhận rủi to khi thực hiện tại các cơ sở không đảm bảo. Khi xảy ra biến chứng cũng không có lý do nào để "bắt đền" họ.
Cũng từ thực tế này, một số bộ phận khác hoang mang không biết nên lựa chọn thẩm mỹ tại cơ sở nào, tìm cách ra nước ngoài làm đẹp. Theo tôi, thẩm mỹ ở quốc gia nào cũng vậy, khách hàng phải lựa chọn được bác sĩ có chuyên môn cao, có thời gian ở lại chăm sóc hậu phẫu. Nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì kết quả không khả quan hơn ở Việt Nam.
Hiện nay, nhiều cơ sở thẩm mỹ chào mời các dịch vụ làm đẹp giá rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Ảnh. Dralaisrios |
Tại Việt Nam, tay nghề bác sĩ không hề thua kém. Hơn thế, quan điểm thẩm mỹ của mỗi quốc gia, nền văn hóa khác nhau nên chưa chắc kết quả sẽ được như ý muốn.
Phẫu thuật càng nhiều, rủi ro càng lớn
Xu hướng "đập đi xây lại" gần đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Ngay tại Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều chương trình truyền hình về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Phẫu thuật càng nhiều, rủi ro càng lớn. Đặc biệt, phẫu thuật cưa hàm chữa hô móm thường để lại những di chứng về sau như thay đổi chức năng hàm, thay đổi giọng nói. Ta chỉ nên chữa hô móm khi bị ảnh hưởng tới chức năng, chấp nhận hình thức kém xinh để đảm bảo an toàn.
Nhiều người mắc chứng ảm ảnh bản thân và không hoàn toàn có nhu cầu làm đẹp. Đối tượng này sau khi thẩm mỹ nếu không như ý muốn có thể dẫn đến tự sát. Tóm lại, trước khi quyết định phẫu thuật thẩm mỹ bạn hãy đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, làm đẹp vừa đủ và phù hợp với bản thân.
Bài chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc (tu nghiệp tại Thái Lan, nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,TP.HCM.