Nửa tháng qua, các tỉnh miền Tây áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ để mở cửa. Tuy nhiên, dịch Covid-19 sau đó bùng phát tại một số nơi của Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ… khiến chính quyền địa phương phải thay đổi cấp độ dịch cho phù hợp.
Chủ quán không dám mạo hiểm
Hai ngày qua, tỉnh Sóc Trăng áp dụng cấp độ 2 của dịch Covid-19 sau gần 2 tuần cấp độ 1 (vùng xanh). Theo lãnh đạo Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh này, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine đã đạt hơn 70% (86,19%). Tuy nhiên, tuần qua số F0 mới đã vượt 50 ca/10.000 dân nên phải chuyển sang vùng vàng toàn tỉnh.
Trao đổi với Zing, chủ một khu du lịch nghỉ dưỡng ở phường 3, TP Sóc Trăng cho biết hệ thống nhà hàng của đơn vị đã tạm dừng kinh doanh gần nửa năm. Khu nghỉ dưỡng này giữ lại khoảng 15 nhân viên để chăm sóc cây xanh, phục vụ phòng và nấu ăn khi có khách lưu trú để cách ly y tế hoặc theo dõi sức khỏe.
Một nhà hàng lớn chuyên phục vụ khách du lịch của đơn vị này đặt tại đường Nguyễn Trung Trực, TP Sóc Trăng cũng dừng kinh doanh. Hàng tháng, doanh nghiệp phải chịu khoản lỗ lớn vì tiền thuê khu nhà hàng, khách sạn đã thanh toán trước cho chủ sở hữu.
Một điểm kinh doanh ăn uống tại TP Sóc Trăng đã dán thông báo tạm nghỉ vào ngày 3/11. Ảnh: Việt Tường. |
Từ khi Sóc Trăng áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, quán cà phê Gạo trên đường Lê Hồng Phong, TP Sóc Trăng mở cửa đón vài khách quen. Tối 2/11, địa phương này ghi nhận 78 F0 mới nên chủ quán Gạo đã thông báo dừng kinh doanh từ 3/11.
“Người dân các huyện, thị đi lại bình thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Chúng tôi lỗ tiền thuê nhà vì không kinh doanh chứ không dám mạo hiểm vì gia đình có trẻ nhỏ và vì lợi ích cộng đồng”, chị Trịnh Thị Linca, chủ quán Gạo chia sẻ.
Ở phường 10, TP Sóc Trăng, khu vui chơi giải trí trên đường Văn Ngọc Chính cũng đìu hiu. Vài tuần trước, chủ cơ sở này đã cho chính quyền địa phương trưng dụng cơ sở vật chất để làm khu cách ly khi tỉnh đón dòng người hồi hương từ TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Kinh doanh khó khăn vì không còn vùng xanh
Sau 2 tuần áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, Bạc Liêu là địa phương đầu tiên ở miền Tây đã nâng cấp độ dịch từ vùng vàng sang đỏ (cấp 4), áp dụng toàn tỉnh từ trưa 2/11. Đối với cấp xã, Bạc Liêu có 20 vùng đỏ, 8 vùng cam, 36 vùng vàng và không có vùng xanh.
Bạc Liêu cũng nâng cấp độ dịch của thị xã Giá Rai và TP Bạc Liêu lên vùng đỏ. Huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân từ vùng vàng lên cam (cấp 3); Vĩnh Lợi và Hòa Bình vẫn còn vùng vàng (cấp 2).
Trao đổi với Zing, ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch HĐQT Khu du lịch Nhà Mát, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), cho biết đơn vị đang đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao 32 tầng với hình dáng cây đàn kìm tại vùng đất ven biển Bạc Liêu, tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dự án đã giậm chân tại chỗ.
Dự án khách sạn hình dáng cây đàn kìm khởi công từ cuối tháng 11/2020 nhưng tiến độ thi công đang gián đoạn vì dịch. Ảnh: Việt Tường. |
Đối với khu du lịch đã xây dựng xong, ông Pha cho dừng kinh doanh nửa năm. Ngoài việc giữ lại hàng chục nhân viên đã gắn bó nhiều năm với đơn vị, ông Pha còn tạo điều kiện ăn, ở cho những công nhân xây dựng không về quê được vì ảnh hưởng dịch bệnh.
"Bạc Liêu áp dụng Nghị quyết 128 được 2 tuần thì một số nơi xuất hiện nhiều F0 nên tỉnh phải áp dụng cấp độ 4. Vài hôm trước chúng tôi chuẩn bị mở cửa kinh doanh lại nhưng dịch bệnh nên dừng", ông Pha nói.
Tại Cà Mau, từ 3/11, tỉnh này không còn xã, phường, thị trấn vùng xanh. Tỉnh này có 5 vùng đỏ cấp xã ở huyện Phú Tân, U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước; 22 vùng cam và trên 70 vùng vàng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng, khu du lịch Đất Mũi và các điểm du lịch khác tại địa phương này đã mở cửa hoạt động lại được khoảng 2 tuần. Khách đến tham quan, ăn uống hiện nay là người trong tỉnh.
“Khu du lịch Đất Mũi trước đây cuối tuần đón khoảng 1.000 khách mỗi ngày. Những dịp lễ, Tết, nơi đây có khoảng 3.000-4.000 khách ngoài tỉnh. Hiện, khách chỉ đến lai rai, ngày nào nhiều được 30-40 người, có hôm chỉ hơn 10 người”, ông Hùng chia sẻ.