Rối loạn lo âu khiến nhiên viên y tế kiệt sức. Ảnh minh họa: Pexels. |
Mới đây, một nhân viên y tế làm việc tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) bị căng thẳng, stress khiến cúm nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Tại đây, người này có biểu hiện tay co giật, thiếu canxi, phải nằm viện điều trị một tuần. Người này đã xuất viện được một tháng, nhưng vẫn chưa hồi phục.
Câu chuyện buồn trên không phải cá biệt. Tình huống nhân viên y tế gặp áp lực, căng thẳng, từ đó dẫn đến bỏ việc, bệnh tật, thậm chí tự tử... là chuyện không hiếm.
Đau lòng
Câu chuyện trên được bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ tại hội thảo Chăm sóc sức khỏe tâm thần là quyền của tất cả mọi người do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 8/12.
Tại đây, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết có nhân viên y tế đã tự tử vì sang chấn tâm lý, trầm cảm.
"Qua những trường hợp đau lòng đó, có thể thấy họ đã trải qua một giai đoạn trầm cảm, lo âu, đau buồn kéo dài nhưng không được giải quyết kịp thời", TS Châu nói.
Điều dưỡng nữ là đối tượng dễ bị stress, rối loạn lo âu. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Từ cuối 2022 đến đầu năm nay, TP.HCM đã xây dựng hệ thống cấp cứu trầm cảm phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115, cấp cứu kịp thời những người đang có dấu hiệu trầm cảm, làm hại đến bản thân.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh lãnh đạo các cơ sở y tế cần nhìn nhận vấn đề nhân viên y tế bị trầm cảm, stress kéo dài, sức khỏe tinh thần không tốt... là có thật.
Từ đó, các bệnh viện, trung tâm y tế phải đưa ra giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế về sức khỏe tinh thần trong quá trình làm việc, đồng thời cần truyền thông để họ tự nhận biết vấn đề của mình.
“Chương trình chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế là một trong những kế hoạch quan trọng của ngành y tế thành phố, giúp mỗi nhân viên có sức khoẻ tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người dân”, TS Châu nhấn mạnh.
Bỏ việc vì quá stress
Lý giải vì sao nhân viên y tế liên tục nghỉ việc, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho rằng bên cạnh lương thấp, vấn đề stress, áp lực công việc kéo dài cũng là lý do lớn.
Thậm chí, cả hệ thống bệnh viện tư lẫn công, vấn đề trầm cảm, rối loạn lo âu ở nhân viên y tế luôn thường trực.
Bác sĩ Thanh nhấn mạnh cần quan tâm đến nhóm điều dưỡng nữ. Họ có vấn đề sức khỏe tinh thần nhiều hơn các vị trí khác nhưng thường không dám nói ra, chỉ âm thầm chịu đựng và tiếp tục làm việc.
Hơn nữa, lãnh đạo bệnh viện chưa thực sự thấu hiểu, dồn nhiều công việc cho họ, cộng với đặc thù làm việc nhiều về đêm, thiếu ngủ, dẫn đến rối loạn tâm thần.
Qua thống kê cho thấy số lượng nhân viên y tế bị căng thẳng, stress sau dịch Covid-19 tăng cao. Năm 2016, số lượng nhân viên y tế bị trầm cảm là 28%; lo âu nặng và rất nặng chiếm 38%; stress 18%.
Tuy nhiên, đến năm 2021, tỷ lệ trầm cảm đã tăng lên 31%; lo âu 32%; rối loạn lo âu chiếm 38%.
“Kiệt sức nghề nghiệp cũng là một gánh nặng đối với nhân viên y tế. Đôi khi, nhân viên y tế không phải làm việc 8 giờ, mà có ngày 10-12 giờ. Do thiếu người, họ phải nhận thêm việc. Căng thẳng này lâu ngày sẽ dẫn đến hậu quả nhẹ nhất là cảm cúm, nặng hơn là trầm cảm, thậm chí tự tử”, bác sĩ Thanh cho hay.
Nhân viên y tế có sức khỏe tinh thần không tốt, ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài đến chất lượng cuộc sống, năng suất làm việc. Do đó, bác sĩ Thanh khuyên nhân viên y tế nên tự tìm cách cân bằng giữa đời sống, gia đình và công việc.
Trong lúc làm việc, họ cần tập các bài hít thở, chú ý tập thể dục cho 5 giác quan, mỗi 30 phút phải cho mắt nghỉ ngơi.
Sự thay đổi và trợ giúp của lãnh đạo về thời gian làm việc, thu nhập hợp lý, phân công nhân sự, động viên khen thưởng nhân viên y tế cũng góp phần làm giảm tình trạng trầm cảm.
Ngoài ra, bệnh viện nên bố trí một phòng thư giãn để nhân viên y tế có thể uống trà, nghỉ ngơi lấy lại sức tiếp tục làm việc.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe Znews giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.