Trong năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được triển khai dạy đại trà đối với lớp 6.
Thách thức về đội ngũ giáo viên
Theo chương trình mới, học sinh lớp 6 sẽ học 12 môn học và hoạt động giáo dục gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.
Đây là năm đầu tiên 2 môn học tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) được đưa vào giảng dạy. Môn khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử và Địa lý sẽ có 2 phân môn là Lịch sử và Địa lý. Nội dung của mỗi phân môn vừa có tính độc lập vừa soi sáng, hỗ trợ và tích hợp cao.
Do là năm đầu tiên nên không ít nỗi lo lắng về sách giáo khoa (SGK) cũng như đội ngũ giáo viên (GV) được đặt ra.
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn - Trưởng nhóm xây dựng chương trình môn khoa học tự nhiên - từng thừa nhận Việt Nam chưa có kinh nghiệm biên soạn SGK và hướng dẫn dạy học môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Marie Curie (TP Hà Nội), cho hay khó hình dung về SGK lớp 6 các môn tích hợp vì kiến thức các môn học của bậc THCS bắt đầu có phần chuyên sâu nhưng khi đổi mới, các bài học được thiết kế tích hợp liên môn.
Ông Khang cho biết bản thân cũng tò mò về cách các tác giả thể hiện trên SGK. Trên thực tế, nếu sách viết không tốt, không có thực nghiệm kỹ sẽ khó tránh khỏi ý kiến phản biện của xã hội. Đến thời điểm này, SGK chưa được phê duyệt, các bản mẫu chưa được đưa lên mạng để GV tiếp cận.
Một khó khăn nữa từng được PGS Mai Sỹ Tuấn đề cập là đội ngũ GV hiện nay được đào tạo và đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông còn hạn chế dẫn đến hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy học. Hình thức quản lý nhà trường, hoạt động chuyên môn của GV cũng đã quen với quản lý tách biệt 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Từ năm học tới, kiến thức lịch sử và địa lý sẽ được tích hợp trong SGK Lịch sử và Địa lý. |
Kết quả nghiên cứu "Giải pháp giảng dạy tích hợp môn khoa học xã hội cho học sinh các trường THCS vùng Đông Nam Bộ" cho thấy có 53,9% GV được đào tạo sư phạm đơn môn và 46,1% đào tạo đa môn. Tuy nhiên, đa số GV dạy Lịch sử hoặc Địa lý riêng rẽ, chỉ có 15,8% GV giảng dạy đồng thời cả 2 môn.
Các nghiên cứu cho thấy GV các môn khoa học tự nhiên có khả năng dạy 2 môn Vật lý - Hóa học hoặc Hóa học - Sinh học dưới 30%, số GV có thể dạy đồng thời 3 môn hoặc 2 môn Vật lý - Sinh học rất ít. Trong khi đó, số GV lịch sử, địa lý có khả năng dạy cả 2 môn khoảng 16%.
Để giải quyết bài toán khó này, theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, phải tập trung thay đổi nhận thức của GV, cán bộ quản lý về ý nghĩa của dạy học môn khoa học tự nhiên, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học môn này.
Ông cũng cho biết nội dung các môn học khoa học tự nhiên được thiết kế theo từng mạch nội dung Vật lý, Hóa học, Sinh học, giúp cho GV đang dạy từng môn có thể dạy các bài học với kiến thức được đào tạo của mình một cách thuận lợi.
Với các chủ đề tích hợp (biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...), nhà trường có thể lựa chọn GV có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy.
Trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, các trường cần bố trí GV trên nguyên tắc ai thuận lợi trong việc dạy nội dung nào thì bố trí dạy nội dung đó, bảo đảm tính thống nhất của môn học theo sự sắp xếp của các mạch nội dung, không tách riêng từng phần cho từng GV dạy riêng rẽ.
Giáo viên lo cấp tập và quá tải
Hiệu trưởng một trường THCS đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, cho hay bà khá lo lắng khi thực hiện tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Thời điểm này vẫn chưa có SGK trong khi chương trình mới chỉ hơn 8 tháng nữa là triển khai nên rất gấp gáp. Khi SGK mới được phê duyệt, GV sẽ phải vừa nghiên cứu sách vừa tập huấn vừa dạy học trên lớp, như vậy quá cấp tập và quá tải.
Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Liệt (TP. Hà Nội), cho biết hiệu trưởng và GV cốt cán của trường đều đã đi tập huấn theo chương trình mới. Tuy nhiên, các trường cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. GV bộ môn trước đây dạy học riêng rẽ, nay phải ngồi lại với nhau để thảo luận từng bài để soạn bài và hỗ trợ nhau.
Xây dựng kế hoạch dạy học dài hơi
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng khi tích hợp kiến thức liên môn, GV các môn độc lập hiện nay sẽ vẫn dạy các phần độc lập, còn chủ đề chung sẽ do nhóm, tổ GV cùng thiết kế. Chủ đề nghiêng về môn nào thì do GV môn đó dạy, các GV khác hỗ trợ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường xây dựng kế hoạch dạy học không theo tiết của tất cả các môn từng tuần mà có thể xây dựng kế hoạch dạy học nhiều tuần. GV có thể dạy nhiều tiết theo mạch kiến thức của môn học hoặc phân môn, thuận lợi cho hoạt động trải nghiệm.