Kể từ khi chính phủ Nhật Bản triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vào mùa xuân năm ngoái, Nazuna Hashimoto bắt đầu trở nên hoảng loạn. Phòng tập gym nơi cô làm việc phải đóng cửa, bạn bè cô cũng ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội.
Sợ ở một mình, Hashimoto gọi bạn trai đến sống cùng. Dù vậy, đôi khi cô vẫn không tự chủ được mà bật khóc. Căn bệnh trầm cảm của cô cũng trở nên trầm trọng hơn, theo New York Times.
Đầu tháng 7/2020, cô cố gắng tự sát song được bạn trai phát hiện và đưa đến bệnh viện. Sau lần đó, Hashimoto quyết định công khai tình trạng của bản thân và lên tiếng để xóa bỏ sự kỳ thị khi nói về sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản.
Hashimoto và nhiều phụ nữ Nhật Bản gặp khó khăn khi dịch bệnh bùng phát. |
Áp lực
Trong đại dịch, phụ nữ là đối tượng chịu áp lực ngày càng lớn, nhiều người mất việc làm. Ở Tokyo, 1/5 phụ nữ sống một mình trong mùa dịch đối diện cảm giác cô lập ngày càng tăng; số khác vật lộn với sự bất bình đẳng khi phân chia làm việc nhà, chăm sóc con cái hay có nguy cơ là nạn nhân của bạo lực gia đình, tấn công tình dục.
Kéo theo những vấn đề đáng lo ngại là tỷ lệ phụ nữ tự tử ngày càng tăng cao ở xứ anh đào. Năm 2020, 6.976 phụ nữ đã tự sát, nhiều hơn 15% so với năm 2019.
“Phụ nữ còn phải chịu nhiều gánh nặng trong việc phòng chống virus. Họ vừa chăm sóc sức khỏe gia đình, vừa phải tự bảo vệ sức khỏe bản thân và có thể bị coi thường nếu làm không đúng, vô tình nhiễm bệnh hay lây cho người khác”, Yuki Nishimura, giám đốc Hiệp hội Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Nhật Bản, cho biết.
Tỷ lệ tự sát trong phụ nữ Nhật Bản ngày càng tăng. |
Năm ngoái, một phụ nữ khoảng 30 tuổi đang hồi phục sức khỏe tại nhà sau khi khỏi Covid-19 đã tự tử. Trong nhật ký, cô bày tỏ sự đau khổ về khả năng bản thân đã lây bệnh cho người khác và khiến họ gặp rắc rối.
"Thật không may, mọi người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân", Michiko Ueda, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda ở Tokyo, nhận định. Trong các cuộc khảo sát vào năm 2020, ông phát hiện 40% người được hỏi lo lắng về áp lực xã hội nếu họ nhiễm SARS-CoV-2.
Các chuyên gia cũng lo ngại việc liên tiếp các ngôi sao điện ảnh và truyền hình Nhật Bản tự sát vào năm 2020 có thể đã thúc đẩy một chuỗi vụ tự tử bắt chước.
Cụ thể, sau khi Yuko Takeuchi, nữ diễn viên nổi tiếng từng đoạt giải thưởng, tự tử vào cuối tháng 9/2020, số phụ nữ tự tử trong tháng tiếp theo đã tăng gần 90% so với năm trước.
Khủng hoảng
Tại Nhật Bản, nhiều người vẫn chưa cởi mở chia sẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần của mình.
Phụ nữ chiếm phần lớn nhân lực trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như nhà hàng, quán bar, khách sạn. Khoảng một nửa trong số họ làm việc bán thời gian hoặc theo hợp đồng, và khi các đơn vị kinh doanh phải cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với việc họ sẽ là những người nghỉ việc đầu tiên.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, 1,44 triệu người lao động đã mất việc làm, hơn một nửa trong số đó là phụ nữ.
Trước đây, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản cũng tăng đột biến trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 90 hay suy thoái toàn cầu năm 2008.
Nhiều phụ nữ Nhật Bản lâm vào bế tắc khi không thể chia sẻ về tình trạng của bản thân. |
Trong những giai đoạn đó, nam giới là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì bị mất việc làm. Họ cũng có tỷ lệ tự sát cao hơn.
“Họ trở nên tuyệt vọng sau khi mất việc làm”, Testuya Matsubayashi, giáo sư tại Đại học Osaka, cho biết.
Tuy nhiên, năm 2020, ông Matsubayashi nhận thấy số vụ tự tử ở phụ nữ dưới 40 tuổi tăng nhanh tại các tỉnh có tỷ lệ thất nghiệp cao. Hơn 2/3 số phụ nữ tự tử vào năm 2020 là người thất nghiệp.
Học cách vượt qua
Trong trường hợp của Hashimoto, nỗi sợ hãi khi phải phụ thuộc vào tài chính phần nào khiến cô cảm thấy tuyệt vọng.
Ngay cả khi phòng tập thể dục nơi cô làm huấn luyện viên cá nhân được phép mở cửa, cô vẫn không cảm thấy đủ ổn định về mặt cảm xúc để trở lại. Hashimoto cũng cảm thấy tội lỗi khi phải dựa dẫm vào bạn trai, cả về tình cảm và tài chính.
Bạn trai cô là Nozomu Takeda (23 tuổi) làm việc trong ngành xây dựng. Anh là khách hàng tập luyện của cô. Cả hai mới hẹn hò được 3 tháng thì bệnh trầm cảm của cô trở nặng.
Khi định tự tử, Hashimoto nghĩ đó sẽ là sự giải thoát cho Takeda khỏi trách nhiệm chăm sóc cô. “Tôi muốn trút bỏ gánh nặng cho anh ấy”, cô nói.
Ngay cả với những người may mắn không bị mất việc, sự căng thẳng cũng chẳng giảm bớt.
Trước đây, làm việc tại nhà là điều rất hiếm ở Nhật Bản. Tuy nhiên khi dịch bùng phát, phụ nữ không chỉ phải lo lắng về việc làm hài lòng cấp trên từ xa mà còn phải chu toàn việc chăm sóc con cái, cha mẹ già.
Hashimoto bắt đầu giúp đỡ những phụ nữ khác vượt qua khó khăn về sức khỏe tâm thần mùa dịch. |
Áp lực đè lên vai phụ nữ vẫn vậy, song sự kết nối của họ với bạn bè và mạng lưới hỗ trợ lại giảm dần do đại dịch.
“Khi không thể hòa nhập hoặc chia sẻ sự căng thẳng của mình với người khác, chẳng có gì lạ khi phụ nữ cảm thấy chán nản, áp lực”, Kumiko Nemoto, giáo sư xã hội học tại Đại học Ngoại ngữ Kyoto, nhận định.
Sau khi vượt qua bệnh trầm cảm, Hashimoto bắt đầu giúp những người khác học cách chia sẻ các vấn đề cảm xúc và kết nối họ với chuyên gia.
Cô cùng bạn trai phát triển một ứng dụng gọi là Bloste (viết tắt của “blow off steam”, tạm dịch: "xả hơi"), để kết nối các nhà trị liệu với những người đang tìm kiếm lời khuyên.
“Mọi người chỉ chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy phụ nữ thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển kinh tế. Nhưng tôi muốn chú trọng đến sức khỏe tinh thần của họ hơn”, cô chia sẻ.