Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều quán ăn vắng khách, thiếu nhân viên mùa tiệc Tất niên

Dù được bán tại chỗ trở lại, lượng khách tại nhiều quán ăn ở Hà Nội vẫn giảm mạnh so với những năm trước. Chủ quán vừa gặp khó về kinh doanh, vừa đau đầu vì thiếu nhân sự dịp Tết.

Bắt đầu dọn hàng từ 17h nhưng phải hơn một tiếng sau, quán lẩu của ông Hải (62 tuổi, quận Hai Bà Trưng) mới có lác đác 2-3 bàn khách.

"Bằng tầm này năm ngoái, nếu không đặt bàn thì khách sẽ chẳng còn chỗ ngồi và phải chờ một lúc. Năm nay, khách khứa đi ăn tất niên giảm tới 80-90%, mức độ chi tiêu cũng ít hơn vì họ chỉ đi theo nhóm tối đa 4-5 người", chủ quán nói.

hang quan o ha noi am dam dip cuoi nam anh 1

Ông Hải, chủ quán lẩu trên phố Thái Phiên, cho biết lượng khách hàng giảm 80-90% so với các năm trước, mức chi tiêu cũng ít hơn.

Vì thế, ông Hải chỉ nhập số lượng thực phẩm vừa đủ để bán hàng đến ngày 28 âm lịch, bằng 30% so với 2 năm trước.

"Nhìn không khí ăn uống cuối năm vắng vẻ như vậy, tôi cũng thấy buồn. Dịch bệnh còn phức tạp, quán xá bị giới hạn thời gian kinh doanh nên khó khăn cho cả chủ và khách", ông Hải kể với Zing.

Cảnh buôn bán vắng vẻ hơn mọi năm như trên diễn ra tại nhiều quán ăn ở Hà Nội. Dù kéo dài thời gian kinh doanh tới sát hoặc xuyên Tết Nguyên đán, các chủ quán vẫn lo lắng vì thiếu nhân viên, lượng khách không đông đúc.

Thiếu nhân viên, không trữ thực phẩm

Khi hàng quán ở quận Ba Đình được phép mở bán tại chỗ lại, chị Hương (30 tuổi), chủ quán lẩu trên phố Trần Phú, vội nhập thêm nguyên liệu để đón các nhóm đi ăn cuối năm.

Tuy nhiên, lượng khách trong 3-4 ngày qua không còn tấp nập như mọi năm vì đã qua "thời điểm vàng" của các bữa tất niên. Chủ quán cho biết khách thường đi ăn từ rằm tháng Chạp đến ngày 27 âm lịch.

"Bằng tầm này mọi năm, gia đình tôi và nhân viên phải làm việc hết công suất chứ không có chuyện ngồi chơi như thế này. Giờ, nhiều người đã ăn tất niên xong, lên đường về quê ăn Tết rồi nên khách khứa vơi hẳn", chủ quán nói.

hang quan o ha noi am dam dip cuoi nam anh 2

Trong gần chục năm kinh doanh, đây là dịp cuối năm hiếm hoi mà chị Hương được "rảnh tay" như vậy.

Chị Hương cho biết năm nay, quán nhà mình sẽ mở bán xuyên Tết để có thêm thu nhập sau một năm "đóng - mở" liên tục. Dù vậy, chị vẫn không dám nhập nhiều đồ khô, đông lạnh để bán hàng.

"Một số nguồn nhập thực phẩm của tôi đã đóng cửa nghỉ Tết sớm để kịp về quê tự theo dõi sức khỏe. Tôi phải liên hệ lấy hàng sớm, nhưng số lượng này chẳng đáng là bao so với mọi năm".

Anh Tùng (34 tuổi), chủ quán đồ nướng trên phố Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm), đã quyết định sẽ bán hàng xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1 âm lịch sau khi được bán hàng tại chỗ trở lại.

Chủ quán cho biết sau một tháng chỉ bán mang về, cuối cùng thực khách cũng đến ăn uống nhộn nhịp hơn.

"Được bán hàng tại chỗ, bắt kịp với không khí những ngày cuối năm như vậy khiến tôi phấn khởi hơn nhiều. Song, lượng khách không đông bằng mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ 2-3 người thôi", anh Tùng nói.

Trong khi tình hình kinh doanh khởi sắc, anh Tùng lại đối diện với bài toán nhân sự hóc búa. Năm nay, một số nhân viên của quán đã xin về quê sớm để kịp khai báo y tế, thực hiện quy định phòng dịch của địa phương.

"Tôi không thể cấm cản nhân viên vì cả năm mới có một dịp Tết về thăm nhà, phải thông cảm cho họ. Việc thuê thêm người cũng không dễ vì đã sát Tết, đa số không còn ở Hà Nội nữa. Vì thế, tôi phải nhờ người nhà ra hỗ trợ", chủ quán nói.

Khách hàng chi tiêu ít, ngại đi ăn hơn

18h ngày 27/1, Minh (22 tuổi, quận Đống Đa) và 3 người bạn hẹn nhau tại quán lẩu quen thuộc trên phố Trần Phú (quận Ba Đình) cho bữa tất niên đầu tiên và cũng là cuối cùng của năm trước khi lên đường về quê ăn Tết.

Hơn một tháng qua, anh chỉ làm việc tại nhà, không ăn ngoài do bận rộn và ngại đi đến nơi đông người. Sau khi được nghỉ lễ, cả nhóm mới gặp mặt nhau một lần để trò chuyện, tâm sự.

"Trước đó, nhiều quận vẫn là vùng cam, thời gian ăn uống hạn chế khiến tôi không quá hào hứng đi ăn tất niên. Chỉ khi nào được nghỉ làm như hôm nay thì tôi mới có thể hẹn bạn bè đi ăn sớm, tan tiệc lúc 20h30 là đẹp", Minh cười, nói.

Chia sẻ với Zing, vị khách này cho biết nhóm bạn dự định chi tiêu khoảng 300.000 đồng cho bữa tất niên. Anh không muốn tiêu pha quá nhiều vì thu nhập trong năm qua không dư dả, cần tiết kiệm để góp Tết cùng gia đình.

Năm nay, Bùi Trâm (25 tuổi, quận Ba Đình) cũng không chi tiêu "mạnh tay" cho các buổi ăn uống cùng bạn bè như trước vì tài chính eo hẹp. Thay vì đi ăn ở nhà hàng, cô hẹn bạn bè tại quán lẩu trên đường Thái Phiên để tiết kiệm chi phí hơn.

"Gần Tết, tôi có nhiều khoản phải chi tiêu hơn như quà cho gia đình, bánh kẹo, quần áo nên hạn chế ăn ngoài, siết chặt hầu bao. Từ rằm tháng Chạp đến giờ, tôi mới đi ăn 2 lần, chứ như mọi năm thì đã góp mặt trong 5 bữa tất niên rồi", cô kể.

Trâm nói thêm rằng do hàng quán phải đóng cửa lúc 21h, cô thường hẹn bạn bè ở quán sớm hơn một tiếng so với lúc trước. Tuy nhiên, vì nhiều người vẫn chưa nghỉ Tết, cả nhóm cũng ngại đi ăn hơn.

"Không phải ai cũng có thể xong xuôi công việc lúc 18h để đi ăn. Có những hôm cả nhóm đến quán lúc 20h15 nhưng chủ quán cũng không nhận bàn nữa. Tôi thấy ăn ở nhà sẽ thoải mái hơn, vừa thong thả, vừa không ngại đông người".

hang quan o ha noi am dam dip cuoi nam anh 7

Trang cho biết cô muốn tranh thủ khoảng thời gian cuối năm, hàng quán được bán tại chỗ để hẹn gặp bạn bè.

Trái lại, Trang (22 tuổi) vẫn giữ được tinh thần hào hứng với việc đi ăn ngoài. Ngay khi các quận ở Hà Nội được bán tại chỗ trở lại, cô lập tức lên nhiều lịch hẹn đi gặp gỡ bạn bè, người thân tại các quán ăn quen thuộc.

Tuy nhiên, cô sẽ lựa chọn các địa điểm tụ họp phù hợp với số người tham dự.

"Nếu đi 2-3 người, tôi sẽ ưu tiên cho những quán lẩu, nướng vỉa hè như chỗ này vì giá thành hợp lý, có không khí hơn. Nếu đông người, tôi sẽ ăn tại các nhà hàng, dù phải đặt bàn và chi nhiều tiền hơn", cô nói.

Trang nói thêm: "Cả năm qua, hàng quán cứ đóng - mở liên tục nên tôi cũng ngại đi ăn lắm. Giờ các quán được mở bán tại chỗ nên tôi muốn tranh thủ ăn ngoài, bù lại khoảng thời gian phải ở nhà".

Hàng quán rối loạn với quy định 'phường cam trong quận vàng'

Sự thay đổi cấp độ dịch liên tục theo từng phường, quận ở Hà Nội khiến nhiều chủ quán ăn, uống bối rối. Một số người thậm chí không biết địa phương đã cho phép mở bán tại chỗ.

Trang Minh - Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm