Chiều 31/7, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Vượt qua trở ngại tâm lý trong đại dịch", để giúp sinh viên giải đáp những thắc mắc liên quan đến vấn đề tâm lý của bản thân.
Tham gia chương trình có TS Lê Minh Công - Phó trưởng khoa Công tác xã hội và TS Hoàng Minh Tố Nga - giảng viên khoa Tâm lý học của trường.
Chia sẻ trong buổi tư vấn, TS Lê Minh Công nhìn nhận, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là một yếu tố khủng hoảng có thể dẫn đến nhiều khó khăn khác nhau. Đó là việc kết nối xã hội của cá nhân gặp trở ngại, thói quen sinh sống thay đổi, hạn chế vận động thể chất, nhiều thông tin độc hại xuất hiện, khủng hoảng tài chính, thiếu thốn nguồn lương thực cơ bản…
Riêng với sinh viên, các vấn đề khó khăn xảy ra trong thời điểm dịch bệnh là việc thi cử và học tập trực tuyến, không thể về quê hoặc trở thành F0, F1 ở khu cách ly khi không có gia đình bên cạnh.
"Bất cứ ai cũng có thể gặp những khó khăn về sức khỏe tâm thần trong thời gian này" - TS Lê Minh Công nói.
Chuyên gia tâm lý TS Lê Minh Công (bên phải) và TS Hoàng Minh Tố Nga (bên trái, phía dưới) trong buổi tư vấn trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình. |
Tìm kiếm hỗ trợ khi mất việc làm thêm
Là sinh viên phải dừng việc làm thêm do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Yến Nhi đã chia sẻ về hoàn cảnh của mình để mong tìm được lời khuyên, giúp bản thân không còn cảm thấy xuống tinh thần.
Trao đổi trong buổi tư vấn, TS Hoàng Minh Tố Nga, cho biết sinh viên cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc làm thêm đối với cuộc sống của bản thân để giải quyết vấn đề này.
"Sau khi mất việc, nếu không bị ảnh hưởng nhiều, sinh viên hãy xem đây là khoảng thời gian để bản thân thực hiện những dự định mà trước đây chưa thể làm được. Nhưng đối với trường hợp sinh viên vì mất công việc làm thêm mà không thể đi chợ, cũng không thể mua thuốc, thì các bạn hãy lên tiếng để được hỗ trợ", bà Tố Nga nói.
Theo nữ tiến sĩ, hiện tại, có nhiều chương trình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc. Sinh viên có thể liên hệ để được hỗ trợ về thực phẩm, y tế hoặc tham vấn tâm lý, giúp giải quyết những vấn đề mà bản thân đang gặp phải.
Ngoài ra, TS Tố Nga cũng khuyên, sinh viên không nên dành thời gian quan tâm quá nhiều vào những điều tiêu cực như đọc tin tức số ca nhiễm Covid-19 tăng, số ca tử vong cao. Thay vào đó, sinh viên nên đọc nhiều thông tin tích cực như việc hỗ trợ, đùm bọc của người dân trên cả nước…
Thích ứng với việc thi cử và học tập trực tuyến
Chia sẻ trong buổi tư vấn, Quốc Dương cho biết bản thân vừa bắt đầu làm quen với cuộc sống ở trường đại học thì đã phải tiếp nhận cách thức học tập, thi cử online trong tình hình dịch, nên gặp khó khăn khi thích ứng.
Đối với trường hợp này, TS Lê Minh Công nhận định, nếu thích ứng với phương pháp học tập và thi cử online không phải là vấn đề quá khó khăn thì sinh viên nên tìm cách để làm quen.
"Tôi nghĩ, môi trường học tập ở bậc THPT và đại học là hoàn toàn khác nhau. Do vậy, hãy thay đổi cách nhìn nhận, xem đây là cơ hội để trải nghiệm và học thêm một kỹ năng mới ở đại học. Điều này sẽ giúp bản thân sinh viên tích cực hơn trong câu chuyện này", TS Minh Công nói.
Ngoài ra, theo tiến sĩ, sinh viên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các giảng viên ở khoa và trường đại học, thay vì không lên tiếng về khó khăn của bản thân.
Có nhiều trường hợp, sinh viên tìm cách bộc lộ bực tức đối với việc phải học tập và thi cử online trên mạng xã hội, TS Lê Minh Công khuyên không nên lựa chọn cách làm này, vì có thể đẩy câu chuyện trở nên tiêu cực hơn.
Đừng tiêu cực hóa khi là F0, F1
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều sinh viên không thể về quê và là F0, F1 ở khu cách ly. Đối tượng này đã vừa phải đối diện với áp lực học tập, thi cử, vừa đối diện với vấn đề sức khỏe của bản thân khi không có gia đình bên cạnh. TS Lê Minh Công khuyên, các bạn sinh viên ở hoàn cảnh này, nên xác định rõ khó khăn bản thân đang gặp phải để vượt qua.
"Đối với việc thiếu thông tin chính thống, khiến bản thân lo lắng, các bạn sinh viên là F0, F1 nên tìm hiểu những thông tin về sức khỏe mùa dịch lành mạnh và chính xác. Trong thời gian cách ly, các bạn cần kết nối với cộng đồng, hãy chia sẻ những khó khăn của bản thân cho gia đình, bạn bè để có sự thấu hiểu và đồng cảm, hỗ trợ một cách tích cực về mặt tinh thần", TS Minh Công nói.
Riêng các bạn sinh viên đang cách ly tại nhà trọ, gặp khó khăn về nhu yếu phẩm, thuốc men, TS Minh Công khuyên nên tìm hiểu các thông tin hỗ trợ để được giúp đỡ.
"Các bạn hãy giữ hành vi sức khỏe tốt, từ việc ăn uống, vận động, đến giấc ngủ. Điều này sẽ giúp đời sống tinh thần của các bạn tốt hơn. Đừng làm bản thân trở nên tiêu cực hóa trong giai đoạn này", ông Công khuyên.
Cả hai chuyên gia trong buổi tư vấn trực tuyến đều mong sinh viên xem thời gian này là giai đoạn để nghỉ ngơi và nhìn lại những giá trị bản thân theo đuổi, để tích cực hơn.