Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học

Một số trường đại học phải điều chỉnh đề án tuyển sinh, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT do số thí sinh nhập học bằng các phương thức khác thấp.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở các trường ngoài công lập. Ở một số trường công lập, tỷ lệ nhập học bằng các phương thức xét tuyển thẳng, kết quả học bạ cũng khá thấp.

Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao, thí sinh không nhập học dù trúng tuyển bằng xét học bạ hoặc tuyển thẳng, vì trông chờ vào đợt xét tuyển bằng điểm thi.

xet tuyen diem thi anh 1
Điểm thi tốt nghiệp THPT cao, thí sinh không mặn mà với các phương thức xét tuyển khác. Ảnh minh họa: V.H.

Chờ xét tuyển bằng điểm thi

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đến nay, trường tuyển được 15% chỉ tiêu của năm.

Trường đã công bố danh sách khoảng 1.000 thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, ưu tiên tuyển thẳng nhưng chỉ 500 em nhập học.

"Khi xét tuyển học bạ, thí sinh đăng ký một lúc nhiều trường và chỉ chọn một trường để nhập học. Nhiều thí sinh có điểm thi cao, kỳ vọng vào việc xét điểm thi", thạc sĩ Trần Nam lý giải tình trạng thí sinh nhập học thấp.

Thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết thời gian qua, trường gọi nhập học 2 đợt xét tuyển bằng học bạ và một đợt tuyển thẳng với hơn 4.236 thí sinh trúng tuyển. Thực tế, hơn 1.320 thí sinh đến trường nhập học.

Ông Sơn cho biết hội đồng tuyển sinh đã dự đoán số thí sinh nhập học sẽ thấp nhưng cũng bất ngờ trước con số này.

Tình trạng tương tự diễn ra tại ĐH Văn Hiến, TP.HCM. Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông của trường cho hay tỷ lệ thí sinh nhập học bằng phương thức xét học bạ không cao như kỳ vọng. Đến nay, trường đã gọi nhập học 6 đợt đối với phương thức này nhưng vẫn "chưa tuyển được bao nhiêu".

Mặc dù đã tuyển được 90% chỉ tiêu của phương thức xét tuyển học bạ, số thí sinh nhập học bằng các phương thức khác của ĐH Nguyễn Tất Thành lại không đáng kể.

Thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó Trưởng phòng Marketing - Truyền thông, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng cao so với các năm nên thí sinh vẫn chưa nhập học khi trúng tuyển bằng các phương thức khác.

"Các em muốn điều chỉnh nguyện vọng, đăng ký vào trường top trên và chờ điểm chuẩn các trường. Điều này cũng nhiều rủi ro vì khả năng điểm chuẩn các trường sẽ tăng cao, dẫn đến thí sinh dễ đánh mất cơ hội vào những ngành học ưa thích và những trường có điểm chuẩn vừa sức", thạc sĩ Bá Anh lưu ý.

xet tuyen diem thi anh 2

Một số chuyên gia về tuyển sinh cho rằng cơ hội trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khá rộng mở do các trường còn nhiều chỉ tiêu. Ảnh minh họa: Việt Hùng.

Tăng chỉ tiêu xét tuyển điểm thi, giảm điểm sàn

Do thí sinh nhập học bằng các phương thức khác không cao, các trường phải điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng tăng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Theo đề án tuyển sinh ĐH Nguyễn Tất Thành công bố ban đầu, trường tuyển sinh 6.250 chỉ tiêu cho 4 phương thức xét tuyển. Trong đó, trường dành 40% chỉ tiêu để tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và 50% chỉ tiêu xét học bạ.

Tuy nhiên, trường đã điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi lên 70%, cao hơn 30% so với đề án trước đó. Đồng thời, phương thức xét kết quả học bạ THPT được điều chỉnh còn 25% tổng chỉ tiêu.

Khi xét tuyển học bạ, thí sinh đăng ký một lúc nhiều trường và chỉ chọn một trường để nhập học. Nhiều thí sinh có điểm thi cao, kỳ vọng vào việc xét điểm thi.

Thạc sĩ Trần Nam

ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển giữa các phương thức. Vừa qua, trường phải thông báo điều chỉnh tăng chỉ tiêu phương thức xét điểm thi lên đến 85% thay vì 45-65% như trước.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết sau khi các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, kỳ thi đánh giá năng lực, trường còn 2.325 chỉ tiêu (65% tổng chỉ tiêu) để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cũng tăng từ 40% lên 80% sau khi điều chỉnh đề án tuyển sinh.

ĐH Mở TP.HCM cũng dành 70% chỉ tiêu để xét điểm thi tốt nghiệp THPT thay vì 30% như thông báo ban đầu. ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM thông báo còn đến 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

ĐH Văn Hiến cũng thực hiện điều chỉnh phương án tuyển sinh. Theo đó, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tăng lên với tỷ lệ 80% tổng chỉ tiêu.

Đồng thời, sau khi cân nhắc, hội đồng tuyển sinh của trường cũng hạ mức sàn từ 1-2 điểm tùy ngành, so với mức sàn công bố ban đầu.

"Chỉ tiêu còn khá nhiều. Trường tính toán điều chỉnh, tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi nên phải hạ điểm sàn để không hạn chế cơ hội cho thí sinh và không bỏ qua cơ hội xét tuyển cho chính trường", thạc sĩ Thái nói.

Điều chỉnh nguyện vọng thế nào để tăng cơ hội đỗ đại học?

Điều chỉnh nguyện vọng được xem như cơ hội vàng để thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển đại học. Với mặt bằng điểm thi cao, các chuyên gia khuyên thí sinh nên cẩn trọng.

Minh Nhật - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm