Cơ quan công an vừa khởi tố Đỗ Văn Nam - nhân viên bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn (xã La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) - sau khi người này bị cáo buộc có hành vi dâm ô với hàng chục học sinh.
Bước đầu, Nam thừa nhận đã dùng kẹo và bim bim dụ dỗ để thực hiện hành vi dâm ô với 14 nữ sinh.
Một trường hợp khác cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng những ngày qua là hình ảnh thầy giáo dạy môn Vật lý – Công nghệ ở Châu Đốc, An Giang "luồn tay qua nách" nữ sinh để... chỉ bài.
Lý giải cho những hành động của mình, giáo viên này nói “làm như vậy tiện hơn” thay vì dùng tay chỉ bài từ phía đối diện.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đặt câu hỏi: Phải đến khi những thông tin này được đăng tải trên truyền thông, nhiều người mới giật mình về việc trẻ em bị quấy rối tình dục?
Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA. Ảnh: CSAGA. |
Có học sinh bị xâm hại tình dục 14 lần
Theo số liệu thống kê mới nhất công bố ngày 29/3 tại tọa đàm Chính sách về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức, trong 5 năm (2011-2015), có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong số 8.200 vụ xâm hại trẻ nói chung. Đặc biệt, xâm hại tình dục nam gia tăng.
Thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đưa ra cho hay, tội phạm xâm hại trẻ em đang gia tăng theo từng năm: Năm 2010 có 867 vụ, bắt 923 người; năm 2011 có 940 vụ, bắt 1.025 người; năm 2014 có 1.382 vụ, bắt 1.433 người.
Bà Nguyễn Vân Anh cho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, 11% học sinh bị xâm hại tình dục tại 3 trường học của Hà Nội. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc ngã ngửa với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.
Còn mạng lưới xã hội dân sự quốc tế (ECPAT) thông tin, trong số 1,8 tỷ hình ảnh được đăng tải mỗi ngày có 270.000 hình ảnh về lạm dụng tình dục trẻ em. Mạng lưới văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em có tới 1,2 triệu GB dữ liệu. Đáng chú ý, người tung hình ảnh bị coi lạm dụng tình dục trẻ phần lớn là cha mẹ (38%), tiếp đến là hàng xóm hay những người bạn của gia đình (26%).
Theo những đánh giá này, các con số có thể khiến nhiều người lớn giật mình, nhưng tội phạm xâm hại trẻ em lại là khái niệm mới ở Việt Nam, có mức độ nguy hiểm cao.
Tảng băng chìm
Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ nhiều câu chuyện ám ảnh, nhất là những đứa trẻ bị xâm hại chính trong ngôi nhà của mình. Đối tượng là bố đẻ, bố dượng hay hàng xóm.
"Gia đình sống cạnh nhà tôi có em bé 7 tuổi từng bị hàng xóm xâm hại", Giám đốc CSAGA kể lại.
Bà Vân Anh đánh giá, xâm hại và quấy rối tình dục ở Việt Nam còn là một ẩn số, bởi nạn nhân thường cảm thấy xấu hổ, không muốn nói với ai. Khi sự việc xảy ra, người bị quy kết đánh giá lại là nạn nhân chứ không phải kẻ gây chuyện.
"Việc chúng ta nhân nhượng sẽ để lại hậu quả cho những đứa trẻ khác", nữ giám đốc nói.
Bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ nguyên nhân gia tăng xâm hại tình dục trẻ em. |
Theo thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em, dẫn đến mất cảnh giác.
Đa phần trẻ em bị xâm hại đều có hoàn cảnh khó khăn, không nhận được sự quan tâm đầy đủ của gia đình. Vì vậy, khi bị xâm hại, các em không có người chia sẻ, thêm việc tự ti, mặc cảm nên không tố cáo hành động của người xấu.
Chương trình giáo dục của nhà trường, đặc biệt là tiểu học, hiện chưa đưa các nội dung về việc phòng chống xâm hại dẫn đến việc trẻ chưa nhận thức được vấn đề này.
Hình ảnh thầy giáo bị nữ sinh tố có hành vi sàm sỡ gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. |
Nhận diện tội phạm xâm hại tình dục
Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nêu rõ, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam gồm hai loại: Xâm hại trực tiếp và gián tiếp.
Đối với tội phạm xâm hại trực tiếp, thủ đoạn tội ác thường là gặp gỡ, dụ dỗ tiền, cho chơi game, rủ đi chơi… Khi các em sập bẫy, chúng rủ đến nơi vắng người để thực hiện hành vi. Học sinh tiểu học, trung học, thậm chí trẻ em từ 3-5 tuổi thường là mục tiêu của loại tội phạm này.
Qua nghiên cứu, 90% kẻ xâm hại tình dục trẻ em là người gần gũi, quen biết (người quen của bố mẹ, hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng…).
Với xâm hại gián tiếp, kẻ xấu thường dùng Internet để lôi kéo, chia sẻ nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc dụ dỗ các em quan hệ tình dục. Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi là thông qua hệ thống mạng xã hội, tin nhắn trực tuyến, web khiêu dâm, chat.
Với cách này, tội phạm không cần lộ diện, không mất công sức nhưng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, ở Việt Nam, có đến 31% dân số tham gia mạng xã hội.
Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu: Tình trạng đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cũng có diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng thường viết tiếng nước ngoài rồi dùng Google dịch sang tiếng Việt, dán vào các cửa sổ chat để dụ dỗ học sinh.