Nhiều ngày qua, người dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xôn xao về sự mất tích của hai cháu Nguyễn Đức Ninh (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản) và Trịnh Văn Tài (học sinh lớp 7, Trường THCS Quang Trung).
Người đàn ông bí ẩn
Theo trình bày của chị Trần Thị Hòa (mẹ của cháu Ninh), gần 3 tháng trở lại đây, Ninh và Tài chơi thân với một người đàn ông tên Thiện (thường trú tại TP HCM) ở nhờ trong ngôi chùa gần nhà. Thời gian đó, Ninh thường xuyên không ăn cơm nhà, đi học về thì sang chùa để chơi, nhiều khi còn ngủ lại cùng Thiện.
Ngày 25/2, Ninh vẫn mang theo sách vở đi học bình thường nhưng tới trưa không về. Ngay sau khi Ninh mất tích, gia đình đã gọi điện thoại cho Thiện để hỏi thì được biết người này đang ở quê Quảng Ngãi và Ninh không đi theo.
Khi Ninh vẫn chưa biết ở đâu thì cháu Tài cũng đột nhiên mất tích không rõ lý do. Chị Võ Thị Xuyến (mẹ của Tài) cho biết: “Sáng 27/2, Tài có mang theo cặp sách tới trường nhưng không vào lớp mà mượn xe đạp của một bạn nào đó rồi đi luôn không về”.
Theo chị Xuyến, gia đình nghi ngờ Tài mất tích giống Ninh nên gọi điện thoại cho Thiện. Tại thời điểm trên, số điện thoại của người này không liên lạc được. Vì quá nóng ruột, anh Trịnh Văn Thiện (cha của Tài) lần theo địa chỉ mà Thiện từng đăng ký ở trong chùa để tìm con nhưng đều không biết người này đang ở đâu.
Gia đình hai cháu Nguyễn Đức Ninh và Trịnh Văn Tài đăng thông tin tìm kiếm con khắp nơi. |
Bỏ nhà đi “bụi”
Chuyện một nữ sinh lớp 7 tên Vân (13 tuổi) ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long bỗng nhiên mất tích nhiều ngày rồi trở về cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ngày càng có nhiều trẻ em dễ dàng bị người khác dụ dỗ bỏ nhà đi “bụi”.
Vân có tham gia nhóm “những người sống ảo” thông qua mạng xã hội Facebook chừng khoảng 3 tháng nay. Cách đây 1 tháng, có một người phụ nữ thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với Vân rồi nhờ người lạ khác nhiều lần đến cho tiền.
Ngày 3/3, khi Vân đang đi học thì người phụ nữ kia gọi điện thoại nói đến Bến xe Vĩnh Long rồi lên TP HCM chơi. Khi đến TP HCM thì có một người đàn ông ra đón và nói: “Cha mẹ mày chết hết rồi, đi theo tao”. Sau đó, Vân được đưa đến một ngôi nhà toàn phụ nữ, hằng ngày phải uống hết 1 nắm thuốc màu trắng.
“Cháu uống vào thì nôn ra nhưng họ vẫn ép uống. Sợ quá, lợi dụng lúc đi vệ sinh, cháu trốn ra ngoài và được một người đưa về Vĩnh Long” - Vân chưa hết bàng hoàng.
Trường hợp của em Đoàn Hòa Đoàn (13 tuổi; học sinh lớp 7; ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) có phần ly kỳ hơn. Vào một ngày cuối năm 2014, thay vì đạp xe đến trường, Đoàn lại chạy một mạch sang TP Cần Thơ.
Trong lúc không biết phải về đâu, nam sinh này được một thanh niên tên Hoàng rủ đi “bụi” khắp khu vực miền Tây. Sau đó, một người quen phát hiện Đoàn đang đi lang thang ngoài đường nên giữ lại rồi báo tin cho gia đình đến đón.
Cũng vào cuối năm 2014, dư luận tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam xôn xao với thông tin 2 bé gái Hoa (14 tuổi) và Mai (15 tuổi) đột ngột mất tích. Lo con mình bị bắt cóc, gia đình nháo nhác đi tìm khắp nơi, chính quyền địa phương cũng ráo riết vào cuộc.
Sau hơn 1 tuần, khi mọi người bắt đầu nghĩ đến tình huống xấu nhất thì V. đột ngột trở về. Từ đây, câu chuyện mới sáng tỏ. Chính 2 cô bé này đã tự ý trốn nhà theo 5 thanh niên khác, cầm xe máy lấy tiền làm một chuyến “du lịch” TP HCM.
Đầu tháng 12/2014, con gái ông Lê Trái (ngụ xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là Hòa (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Quý Đôn) mất tích nhiều ngày. Sau thời gian tìm kiếm, ông Trái gửi đơn đến Công an huyện Đại Lộc với nghi vấn con mình bị bắt cóc. Trong khi cơ quan công an đang vào cuộc truy tìm thì khoảng 10 ngày sau, Hòa đột ngột trở về nhà. Chưa kịp vui mừng, ông Trái cảm thấy tủi hổ khi con cho biết thời gian qua đã sống ở nhà bạn trai và bị ép phải làm chuyện “vợ chồng”.
Lấy gia đình làm điểm tựa
Theo một chuyên gia tâm lý, những diễn biến tâm lý thất thường là biểu hiện thường thấy của trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, nếu được giáo dục định hướng tốt thì các em sẽ có những suy nghĩ và hành động tích cực, ít mắc sai lầm vì “bản tính tò mò” của mình.
“Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình là sợi dây liên kết vô cùng quan trọng trong việc quản lý các em ở độ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm đến các em nhiều hơn nữa, cả vật chất và tinh thần. Đặc biệt, chú ý giải thích rõ cho các em hiểu vấn đề để không bị các đối tượng xấu dụ dỗ” - vị này nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.