Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trẻ ở TP.HCM nhập viện cận Tết do tai nạn

Đa số trẻ nhập viện do tai nạn sinh hoạt, hóc dị vật, chế tạo pháo nổ hoặc va chạm giao thông.

Những ngày cận Tết, ba mẹ bận việc ngoài rẫy, bé T. (4 tuổi, quê Đắk Nông) sang nhà hàng xóm chơi. Trong lúc em nướng cá, lửa cháy xém đến khu vực dự trữ xăng và bùng lên dữ dội.

“Khi người nhà nghe tiếng hét, chạy đến thì thấy bé trai như ngọn đuốc sống. Em nhập viện với phần da bị bỏng đến hơn 90%”, ThS.BS Huỳnh Thị Thúy Kiều, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, kể lại.

Bé T. bị bỏng độ 3 và đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2. Không chỉ riêng trường hợp bé T., thời điểm cận Tết, khoa cấp cứu của các bệnh viện nhi ở TP.HCM đón nhận số ca nhập viện do tai nạn tăng đáng kể.

Nhiều tai nạn thương tâm

Tuần trước, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, tiếp nhận liên tiếp 2 bệnh nhi gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng trong lúc đi chơi với nhóm bạn.

Theo người nhà kể lại, nhóm 3 nam sinh đang học tại một trường THPT ở Gia Lai điều khiển xe đạp điện đi chơi. Khi đến con dốc cao, vì khu vực vốn vắng vẻ, nam sinh ngồi trước đỗ xe giữa đường để đi vệ sinh.

Lúc này, một xe máy đổ dốc ngược chiều tông thẳng vào 2 nam sinh. Hậu quả một em tử vong tại chỗ. Nam sinh còn lại được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương, dập phổi, tổn thương não.

tre TP.HCM nhap vien anh 1

Ca phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi bị chấn thương tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Thúy Nguyễn.

Tai nạn xảy ra tương tự với nhóm 3 nữ sinh điều khiển xe đạp điện va chạm với xe tải. Vụ tai nạn khiến một nữ sinh tử vong. Hai em còn lại bị thương nặng. Các bác sĩ đã vi phẫu xuyên đêm để cứu cánh tay cho một nữ sinh.

“Vào dịp nghỉ lễ Tết, trẻ vị thành niên thường tụ tập bạn bè, đi chơi và phương tiện xe đạp điện khá phổ biến. Tuy nhiên, phương tiện này có tốc độ nhanh, dễ gặp nguy hiểm nếu xử lý không tốt trong khi các em không đội mũ bảo hiểm. Nhóm tuổi vị thành niên gặp các tai nạn giao thông trong lúc đi chơi ngày nghỉ lễ, tại khoa Cấp cứu chúng tôi gặp rất thường xuyên”, bác sĩ Kiều nói.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận một trẻ (quê Đắk Lắk) bị thương nặng, bỏng mắt là nạn nhân của vụ nổ lớn do pháo tự chế.

Theo thông tin từ gia đình, cách nhập viện một ngày, bệnh nhi này và ba người bạn gần nhà đặt mua nguyên liệu trên mạng rồi cùng chế tạo pháo. Kết quả pháo nổ khiến hai em trong nhóm tử vong, một em bị thương nặng được điều trị ở tuyến dưới.

Cảnh báo số trẻ nhập viện tăng cao

Theo thống kê tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong khoảng 2 tuần gần đây, số lượng trẻ nhập viện có xu hướng tăng. Trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận khoảng 50-60 bệnh nhi thì những ngày cận Tết, số lượng tăng 70-80 trường hợp, trong đó có nhiều trẻ gặp các tai nạn trong sinh hoạt, điện giật, uống nhầm hóa chất, ngã, tai nạn giao thông...

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết nhiều ngày qua, đơn vị này chưa tiếp nhận nhiều bệnh nhi gặp các tai nạn tương tự. Tuy nhiên, bác sĩ Phương cảnh báo nguy cơ gia tăng tai nạn vào dịp Tết và sau Tết khá cao.

Nguyên nhân là vào những ngày Tết, người lớn thường bận rộn hơn, lứa tuổi vị thành niên cũng thường tụ tập đi chơi nhiều hơn, trong khi nhóm trẻ nhỏ hơn thường không được trông nom không sát sao.

tre TP.HCM nhap vien anh 2

Bác sĩ Kiều kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhi tại khoa Cấp cứu. Ảnh: B.Huệ.

Theo bác sĩ Kiều, khả năng sơ cứu khi gặp tình huống trẻ hóc dị vật của đa số người lớn, phụ huynh ở Việt Nam chưa hiệu quả. Một số trường hợp không biết cách sơ cứu, thực hiện sai khiến càng khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.

Tùy theo từng lứa tuổi mà người lớn nên hướng dẫn trẻ các biện pháp an toàn trong sinh hoạt. Nhóm trẻ nhỏ chưa nhận thức được nguy hiểm, ba mẹ hoặc người trông trẻ cần luôn luôn để mắt.

Đối với các tai nạn liên quan dị vật, khi thấy trẻ đột ngột ho sặc sụa, tím tái, cần nhanh chóng tìm cách tống dị vật ra ngoài.

Nếu trẻ dưới 2 tuổi, có thể dùng phương pháp vỗ lưng, ấn ngực một lực đủ mạnh để đẩy dị vật ra ngoài. Trường hợp trẻ tím tái thì đặt nằm ngửa lại và nhồi tim liên tục đến khi tống dị vật ra.

Với trẻ lớn hơn có thể dùng phương pháp Heimlich (đẩy bụng). Người sơ cứu đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ra trước, quàng lấy bụng trẻ.

Đặt một nắm tay vùng thượng vị ngay đầu dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên, sau đó giật tay lên thật mạnh và đột ngột ấn mạnh nhanh 5 lần theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên.

"Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, khoa Cấp cứu luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng về mặt nhân sự, máy móc, thiết bị cấp cứu, thuốc men… Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng Tết năm nay thật bình yên, không có xảy ra tai nạn đáng tiếc", bác sĩ Kiều chia sẻ.

Sách về nghề y

Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:

Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.

Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

Con bỗng dưng khó thở: Dấu hiệu cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính nhưng rất nguy hiểm. Trẻ lên cơn hen cấp tính không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm