Các trường thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM gồm ĐH Quốc tế, Kinh tế - Luật, Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Bách khoa vừa có thông báo khẩn về việc nghỉ học tránh bão số 9.
ĐH Quốc tế thông báo: "Toàn thể sinh viên nhà trường nghỉ học, thi từ chiều ngày 24/11 đến hết ngày 25/11. Đề nghị cán bộ, giảng viên và sinh viên trước khi rời phòng học, phòng làm việc cúp toàn bộ hệ thống điện, đóng kín các cửa sổ, cửa ra vào, đảm bảo an toàn thiết bị dạy học và làm việc".
Học sinh TP.HCM được nghỉ tránh bão từ 12h trưa 24/11. Ảnh: Thanh Tùng. |
Nhiều trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn thành phố cũng thông báo khẩn nghỉ tránh bão trong ngày 24/11. ĐH Kinh tế TP.HCM vừa có thông báo nghỉ giảng dạy, làm việc, học tập và thi cử do bão số 9.
"Căn cứ công điện của Bộ trưởng GD&ĐT và thông báo của UBND TP.HCM về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, trước diễn biến phức tạp của bão số 9, hiệu trưởng quyết định cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động và người học được nghỉ giảng dạy, làm việc và học tập từ 12h ngày 24/11 đến hết ngày 25/11", thông báo nêu rõ.
Một số trường cũng lưu ý sinh viên ứng phó thiên tai. "Về chỗ ở, bịt kín cửa và các khe cửa. Cửa càng kín gió thì chống bão, áp thấp nhiệt đới càng tốt, vì vậy phải đóng kín cửa để tránh gió thổi tốc vào nhà. Nhà kiên cố vẫn có thể bị tàn phá, cho dù không bị sập.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo và dự báo bão. Kiểm tra lương thực, nước uống dự trữ. Cất dọn những đồ vật nhẹ, ở ngoài nhà và trên đường phố có thể biến thành 'vũ khí bay' khi có gió bão", thông báo của ĐH Văn Hiến viết.
Dự báo hướng đi của bão số 9 lúc 13h trưa nay, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Đồ hoạ: Nhân Lê. |
Trong khi đó, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho toàn thể sinh viên được nghỉ học từ 12h ngày 24/11 đến hết 25/11. Tuy nhiên, lễ trao bằng tốt nghiệp trong ngày 24/11 và 25/11 tại trường diễn ra bình thường.
Các trường như ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, CĐ Vạn Xuân… quyết định cho toàn thể giảng viên nghỉ dạy, sinh viên nghỉ học từ 12h ngày 24/11 đến hết ngày 25/11 để phòng tránh, ứng phó bão số 9.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, TP.HCM chiều và đêm nay, có mưa rất to (phổ biến 200-250 mm), khả năng dông, lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7. Mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn tiếp tục lên, có khả năng đạt mức cao nhất ngày 24-25/11.
Ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ - cho biết diễn biến của bão có thể thay đổi. Vùng ảnh hưởng trực tiếp từ khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu đến Trà Vinh, trong đó có TP.HCM. Ở huyện Cần Giờ, mưa lớn đã xuất hiện. Hơn 4.000 người dân được sơ tán đến nơi an toàn.
Ngày 23/11, Bộ trưởng GD&ĐT cũng có công điện gửi sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Trung Bộ và Nam Tây Nguyên về việc ứng phó bão số 9 và mưa lũ.
Bộ GD&ĐT đề nghị các sở trên theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến về bão và tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở xảy ra trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền tới giáo viên, học sinh, phụ huynh về tình hình bão số 9 và mưa lũ để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên cả trong và ngoài giờ lên lớp; đặc biệt chú ý nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn ở khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên.
Bộ GD&ĐT chỉ đạo đảm bảo các hoạt động dạy và học an toàn trong nhà trường; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Không tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Có phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học. Những nơi nguy cơ ngập lụt, cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, tài liệu thư viện lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tài sản.
Sở GD&ĐT tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo UBND tỉnh, thành phố để có phương án khắc phục, đồng thời báo cáo về Bộ GD&ĐT.