Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng) cho biết, khoảng 8 năm trước là thời điểm hưng thịnh của các trường trung cấp, CĐ. Riêng hệ trung cấp trên địa bàn có 8 trường thì mỗi năm tuyển được hơn 11.000 chỉ tiêu.
Bốn năm trở lại đây, việc tuyển sinh vào học tại các trường hệ trung cấp, CĐ ngày một khó khăn. Dù các trường thuộc hệ này đưa ra hàng loạt tiêu chí xét tuyển nhằm thu hút sinh viên nhưng hầu hết các trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Thậm chí có không ít trường hàng năm chỉ tuyển sinh được vài chục sinh viên.
Ngôi trường 5 tầng của trường Trung cấp Đức Minh bỏ hoang suốt 2 năm nay. Ảnh: VietNamNet. |
“Trước đây hệ CĐ và ĐH xét tuyển theo điểm sàn, những thí sinh từ 10 điểm đậu vào CĐ và 13 điểm đậu vào ĐH. Còn những thí sinh 9 điểm trở xuống thì phải vào học các trường trung cấp.
Nhưng hiện nay, các trường CĐ và ĐH dùng học bạ để xét tuyển, điểm trung bình 5,5 trở lên là vào được CĐ, từ 6,5 trở lên là vào ĐH nên hầu hết thí sinh đều đủ điều kiện vào học các trường này khiến các trường trung cấp không tuyển được sinh viên” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, ngoài trường trung cấp thì trường CĐ tư thục trên địa bàn như Đức Trí, Đông Du, Lạc Việt, Đại Việt, CĐ Bách khoa cũng rất chật vật trong quá trình tuyển sinh, thậm chí có trường chỉ tuyển được vài chục chỉ tiêu cho năm học 2015 – 2016.
Nhiều trường chết lâm sàn
Ông Lương Duy Thảo, phó Hiệu trưởng trường CĐ Đức Trí cho biết, năm học 2015 – 2016 dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 9 chuyên ngành. Đến nay nhà trường chỉ mới nhận được gần 200 hồ sơ. Tuy nhiên, gần 200 thí sinh nộp đơn nhưng chưa chắc các em nhập học.
Một góc sân trường Trung cấp Xây dựng miền Trung biến thành xưởng cưa từ nhân. Ảnh: VietNamNet. |
Ông Thảo khái quát, nhìn chung các trường trung cấp, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng giờ giống như người bệnh đang chết lâm sàn đang được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu.
Ông Thảo cho biết, Những năm 2005, 2006 trường CĐ Đức Trí có đến hơn 5.000 sinh viên theo học nhưng hiện nay chỉ còn hơn 1.000 sinh viên.
Để thu hút sinh viên, trường CĐ Đức Trí đưa ra chính sách 3 không (không đóng học phí, không đóng tiền thuê ký túc xá, không đóng tiền ăn) nhưng tình trạng sinh viên vào trường vẫn không được cải thiện.
Còn ông Trần Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp Đức Minh nhìn nhận, hiện các trường CĐ tuyển sinh cũng khó chứ đừng nói trung cấp chuyên nghiệp.
"Do không tuyển sinh được nên trường tui đóng cửa 3 năm ni. Đã hết cách rồi, cả đời tui chết sống với nghề đào tạo, nhưng bất lực”- ông Anh nói.
Nói về nguyên nhân khiến theo ông Dũng, một phần do các trường CĐ, ĐH chính quy rộng cửa tạo cơ hội cho sinh viên. Phần khác, tâm lý của học sinh thích học hệ trung cấp của một trường ĐH hơn là học một ngành nào đó trong trường trung cấp.
Đồng quan điểm, ông Thảo nói, khi các trường ĐH còn tổ chức dạy hệ trung cấp, CĐ thì càng không có cửa cho các trường trung cấp, CĐ.
Tâm lý các em học sinh cũng như phụ huynh dù có vào hệ trung cấp của một trường ĐH cũng “oai” hơn là vào một trường trung cấp, CD nên việc nhiều trường không tuyển được sinh viên cũng là điều dễ hiểu.
Đã có trường ngưng hoạt động
Thực trạng các trường CĐ, trung cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng nhiều năm nay không tuyển được sinh viên dẫn việc sáp nhập, thay tên hoặc bỏ hoang, thậm chí một số trường cho tư nhân thuê lại để vớt vát chi phí.
Cái “chết” đầu tiên phải kể đến trường Trung cấp Đức Minh (địa chỉ tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Ngôi trường này được xây dựng vào năm 2005, khoảng 4 năm đầu rất đông sinh viên theo học, tuy nhiên thời gian tiếp theo lượng sinh viên giảm dần và 2 năm nay trường này chính thức đóng cửa.
Theo những người dân sống gần trường cho biết: “Trường ngừng hoạt động và bỏ hoang hơn 3 năm nay...”
Ông Trần Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Đức Minh xác nhận: “Trường đóng của hai năm rồi, có người mua lại nhưng tôi quyết không bán. Tôi tâm huyết với hệ trung cấp, nên cố giữ với hi vọng trường sẽ hoạt động trở lại”.
Nằm trên diện tích 3ha, Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung (đóng tại quận Liên Chiểu) được xây dựng rất quy mô. Hạ tầng của trường này gồm nhiều khối nhà cao tầng, giảng đường, hội trường, khu phức hợp KTX sinh viên được xây dựng rất hoành tráng.
Tìm hiểu được biết, cả trường hiện nay chỉ có khoảng 70 sinh viên theo học. Đến thời điểm hiện tại nhà trường chỉ tuyển sinh được hơn chục chỉ tiêu cho năm học 2015 – 2016.
Lượng sinh viên theo học quá ít, nhiều ngôi nhà không sử dụng đến nên nhanh chóng xuống cấp trầm trọng. Một số khối nhà KTX được nhà trường cho công nhân thuê lại ở, thậm chí một phần góc sân trường cũng biến thành xưởng cưa tư nhân.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Hiện tại, đã có 4/8 trường trung cấp trên địa bàn Đà Nẵng tạm ngừng hoạt động, các trường còn lại sống “cầm chừng”. Riêng các trường CĐ tư thục cũng “khó sống” khi mà có trường chỉ tuyển được vài chục chỉ tiêu/năm.