Trong khi đó, nhiều trường đã đưa ra phương án tuyển của riêng mình theo hướng mở rộng tuyển sinh, mở thêm ngành, bỏ xét tuyển học bạ…
Mấy nguyện vọng, mấy điểm sàn?
Theo miêu tả của một nhà tuyển sinh ở khu vực Hà Nội, Bộ GD&ĐT vẫn đang phân vân giữa phương án giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT về các địa phương và giao khâu tuyển sinh về các trường ĐH, CĐ hoặc tiếp tục nắm giữ việc tổ chức kỳ thi quốc gia THPT như năm 2015.
Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ thi hai trong một như năm 2015 cũng còn quá nhiều vấn đề đang được tranh cãi. Một là, mỗi thí sinh có nên chỉ nộp 1 hay 2 hồ sơ xét tuyển vào 1-2 trường hay không và có nên cho thí sinh rút hồ sơ ở đợt 1 hay không.
Hai là, thí sinh được nộp hồ sơ vào 2-3 trường, mỗi trường 4 nguyện vọng để gây ra một con số khổng lồ về hồ sơ nhưng sau khi đăng ký lại không đổi nguyện vọng, không rút hồ sơ…
Về phần mềm tuyển sinh đã từng gây “bão” ở mùa tuyển sinh 2015 với sự nghẽn mạng gây bức xúc, ngành GD&ĐT cũng đang đứng trước nhiều ngã rẽ. FPT hiến kế tặng không một phần mềm xét tuyển thì vấp phải ý kiến cho rằng năm ngoái đã tốn kém để xây dựng một phần mềm thì có nên thay không.
Phương án thứ hai là dùng phần mềm của năm 2015.
Phương án thứ 3 là một nhóm trường liên minh sử dụng phần mềm đó để tránh ảo nhưng vấn đề được đặt ra nhóm trường phải đủ lớn…
Lại có ý kiến cho rằng, năm 2015 không cần tới điểm sàn vì thực chất điểm sàn không mấy ý nghĩa khi mà Luật Giáo dục quy định thí sinh tốt nghiệp THPT đều có quyền đăng ký học các trường ĐH, khi một số trường chỉ xét tuyển bằng học bạ còn các trường tốp cao thì không cần điểm sàn… Có thể đó là những lý do mà đến nay ngành GD-ĐT vẫn chưa đưa chốt được phương án thi 2016?
Nhiều trường ĐH dự kiến sẽ có nhiều thay đổi trong tuyển sinh năm 2016. Ảnh: Tiền Phong. |
Mở ngành mới, mở rộng tuyển sinh
Trong lúc Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra được phương án tuyển sinh chính thức thì các trường đã bắt đầu phác họa phương án tuyển sinh cho riêng mình. ĐH Quốc gia TP HCM chủ trương giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường ĐH thành viên, vì vậy các trường có thể đề xuất cách tuyển riêng của mình với một phần dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và có bổ sung thêm những điều kiện như: Điểm trung bình các môn học THPT liên quan dự kiến 6,5 trở lên.
Đặc biệt, năm ngoái ĐH Quốc gia TP HCM có xét tuyển thẳng học sinh giỏi của 5 trường chuyên tại khu vực thành phố. Năm nay, ĐH Quốc gia TP HCM có định hướng mở rộng sang tuyển thẳng học sinh giỏi của khoảng 80 trường chuyên từ cấp tỉnh trở lên hoặc ưu tiên xét tuyển, tùy các điều kiện mà học sinh đạt được.
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (thuộc ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, dự kiến, năm nay trường sẽ tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển chung nên thí sinh sẽ không nộp hồ sơ vào từng trường cụ thể như năm trước.
Theo ông Chính, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh có thể nộp hồ sơ cùng lúc vào các ngành trong một trường hoặc một ngành ở nhiều trường khác nhau vào tất cả các trường thành viên. Quá trình xét, thí sinh sẽ được xét trúng tuyển lần lượt theo thứ tự nguyện vọng, nếu trúng tuyển nguyện vọng trước không được tham gia xét ở nguyện vọng sau…
ĐH Quốc gia Hà Nội về cơ bản sẽ có một kỳ thi đánh giá năng lực như năm 2015 trước kỳ thi quốc gia và khi vượt qua điểm sàn các thí sinh sẽ được ứng tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều đợt quanh năm, trước và sau kỳ thi quốc gia. Trong khi đó, khá nhiều trường tuyển bằng điểm thi THPT QG như: ĐH Sư phạm HN, ĐH Bách khoa HN, ĐH Thái Nguyên…
Một trong những trường có nhiều ngành mới nhất trong kỳ tuyển sinh năm nay là ĐH Nguyễn Tất Thành khi dự kiến sẽ tuyển sinh thêm 12 ngành mới, trong đó có cả những ngành thuộc nhóm nghệ thuật.
Theo đề án tuyển sinh ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, năm nay trường dự kiến tuyển khoảng 3.000 chỉ tiêu trong đó chỉ tiêu ĐH giữ nguyên như năm 2015, riêng hệ CĐ giảm chỉ tiêu so với năm trước xuống còn 500 chỉ tiêu (giảm 260 chỉ tiêu). Ngoài ra, trường dự kiến tuyển thêm 6 ngành mới.
Tương tự, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM năm nay cũng chính thức có 2 ngành mới được Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh gồm: kỹ thuật y sinh và ngôn ngữ Anh. ĐH Nông Lâm TP HCM cũng vừa được Bộ duyệt thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao là Quản trị kinh doanh, Công nghệ sinh học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ thực phẩm…
Bỏ xét tuyển học bạ để tránh tiêu cực
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho biết, năm nay trường không tuyển CĐ và bỏ hình thức xét tuyển bằng học bạ THPT.
“Sau một thời gian xét học bạ, nhà trường cũng lo ngại tình trạng học sinh được nâng điểm học bạ để đối phó với chính sách tuyển sinh của các trường ĐH dẫn đến kết quả không thực chất và thực tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp bị nâng điểm học bạ cho học sinh đã bị phanh phui”, ông Dũng nói.