Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trường sống nhờ đào tạo thạc sĩ

Cách đây hơn chục năm, “nồi cơm” của các trường đại học (ĐH) chính là đào tạo tại chức (vừa học vừa làm). Nhưng đến giờ, có thể thấy, “nồi cơm” của các trường là đào tạo thạc sĩ.

Bằng chứng là có trường ĐH hai, ba năm nay không tuyển được sinh viên chính quy nào nhưng vẫn sống được nhờ đào tạo 200 thạc sĩ/năm.

Tại ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định, mùa tuyển sinh này giống năm 2016, trường không tuyển được sinh viên hệ chính quy nào. Trước đó, từ năm 2013, trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh.

PGS.TS Trần Lê Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải do chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập không so sánh được với các trường ĐH lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội... Do đó, dù chỉ có một ngành đào tạo thạc sỹ duy nhất là Quản lý Kinh doanh, đây lại là “nồi cơm”  giúp trường tồn tại. Trường đã tuyển được 6 khóa đào tạo thạc sĩ với khoảng 200 học viên/năm.

Trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, trường này đề xuất việc được mở rộng mô hình đào tạo trình độ thạc sĩ ở nhiều chuyên ngành khác nhau.

“Có thể nói, việc đào tạo thạc sĩ là sự phát triển tốt của trường trong những năm qua. Hiện, trường chỉ đào tạo một ngành duy nhất và được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo 250 chỉ tiêu/năm; đều tuyển đủ, có năm tuyển vượt. Đó là sự cố gắng lớn lao của trường và uy tín của trường. 6 năm qua, không năm nào tuyển dưới 200”, ông Lâm cho hay.  Trước đó, vào năm 2014, trường này còn bị tố là đã mở các lớp đào tạo cao học sai quy định.

Dao tao thac si anh 1
Một buổi lễ tốt nghiệp thạc sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong.

Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học Xã hội chỉ ra năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của học viện chỉ còn 86 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, trước đó, học viện tự xác định chỉ tiêu đào tạo là 1.600 thạc sĩ. Không riêng năm 2017, hai năm trước đó là 2015, 2016, học viện cũng tự xác định chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ là 1.600.

Ngày 12/4, học viện đã công bố danh sách trúng tuyển đợt một đào tạo thạc sĩ là 720 học viên. Đợt 2, học viện tổ chức thi vào 25, 26, 27/8 vừa qua, 858 thí sinh dự thi ở cả 4 điểm: Hà Nội, Tây Nguyên, Đà Nẵng và TP.HCM.

Học viện Khoa học Xã hội tuyển sinh ‘râu ông cắm cằm bà’

Tại "lò đào tạo tiến sĩ", người có bằng thạc sĩ Chính trị học được dự tuyển ngành Luật hình sự. Tiến sĩ Kinh tế được phân công hướng dẫn nghiên cứu sinh ngành Quản lý Giáo dục.

Một giáo sư hướng dẫn… 44 học viên

Không chỉ bất cập trong việc đào tạo vượt năng lực, công tác tổ chức tuyển sinh, tổ chức đào tạo của Học viện Khoa học Xã hội còn có nhiều vấn đề khiến dư luận giật mình.

Kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT cho thấy kiểm tra danh sách phân công hướng dẫn thạc sĩ ngành Luật, ngành Chính sách công đợt 1 năm 2015 và ngành Công tác xã hội năm 2014 có nhiều người được phân công hướng dẫn số lượng học viên tại cùng thời điểm vượt quá số lượng quy định.

Cụ thể, GS.TS Võ Khánh Vinh hướng dẫn 29 học viên ngành Luật, 10 học viên ngành Chính sách công, 5 học viên ngành Công tác xã hội. PGS.TS Hồ Sỹ Sơn hướng dẫn 18 học viên. TS Hồ Ngọc Hiên hướng dẫn 6 học viên. TS Trần Minh Đức hướng dẫn 9 học viên. TS Hà Thị Thư hướng dẫn 12 học viên...

Trong khi đó, theo quy định, GS chỉ được hướng dẫn tối đa 7 học viên, PGS, TSKH được hướng dẫn tối đa 5 học viên. TS đã có kinh nghiệm giảng dạy từ một năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên. Đặc biệt, GS.TS Võ Khánh Vinh cũng là người hướng dẫn tới 12 nghiên cứu sinh cùng lúc.

Cũng theo kết luận của thanh tra Bộ GD&ĐT, năm 2015, học viện có 1.114 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; năm 2016 là 1.697 học viên. Học viện không có báo cáo gửi Bộ GD&ĐT về công tác đào tạo trình độ thạc sĩ vào tháng 12 hàng năm theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Không những thế, kiểm tra số cấp phát văn bằng của học viện còn cho thấy có hiện tượng tẩy xóa, sửa chữa trên sổ, nhiều mục chưa có đầy đủ các thông tin theo quy định.

Trước sai phạm của học viện, ngoài kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra các thiếu sót sai phạm được nêu, thanh tra bộ cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT giao thanh tra tiếp tục tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo và cấp phát văn bằng của các Viện được giao nhiệm vụ đào tạo sau ĐH. Hiện, cả nước có 37 viện được giao đào tạo sau ĐH.

Học viện Khoa học Xã hội lý giải sai phạm trong đào tạo tiến sĩ

GS.TS Phạm Văn Đức cho hay Học viện Khoa học Xã hội đã bổ nhiệm, thay thế hàng loạt nhân sự trước khi thanh tra Bộ GD&ĐT có kết luận sai phạm về đào tạo tiến sĩ.

http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhieu-truong-song-nho-dao-tao-thac-si-1182648.tpo

Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm