Bên lề buổi giao lưu "Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư", PGS.TS Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện (BV) K Trung ương cho biết hiện có rất nhiều quan niệm sai lầm trong điều trị ung thư. Thay vì tin vào khoa học, nhiều người truyền nhau các phương pháp chữa ung thư tại nhà như đắp lá, nhịn ăn...
Nhịn ăn, thực dưỡng để trị ung thư
PGS Thăng chia sẻ cách đây vài năm anh đã phải đến tận nhà thăm khám cho một nữ bệnh nhân ở Hà Nội mắc ung thư đại tràng xích ma, di căn ổ bụng. Bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đã được điều trị hóa chất tại BV K, nhưng sau đó tin bạn bè, bỏ điều trị, nhịn ăn tại nhà với hy vọng tế bào ung thư ngừng phát triển.
Theo đó, hàng ngày người phụ nữ này chỉ uống nước, hoàn toàn không ăn uống bất cứ thứ gì khiến cơ thể chỉ còn da bọc xương. Được hơn 40 ngày, không thể chịu đựng thêm, người phụ nữ xỉu đi vì kiệt sức.
Sau đó, bệnh nhân được khuyên áp dụng trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường nhưng cũng không qua khỏi.
Trước đó, PGS Thăng cũng gặp trường hợp nữ bệnh nhân hơn 40 tuổi, quyết định nhịn ăn để chữa ung thư. Đến ngày thứ 30, bệnh nhân xỉu đi, gia đình phải đưa vào BV cấp cứu.
Theo PGS Thăng, những trường hợp nhịn ăn quá lâu, ngoài suy kiệt cơ thể còn gây rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ điện giải trong máu, nguy cơ tử vong cao.
Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư bằng thực dưỡng cũng được nhiều người lan truyền. Tuy nhiên, GS Lê Thị Hương, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV K, khẳng định thực dưỡng để điều trị ung thư là sai lầm.
Đến nay, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư. Chế độ ăn thiếu hụt dưỡng chất sẽ khiến bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.
“Nhiều người tranh luận tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết họ phải ăn nhiều cơm lên, ăn với rau, muối vừng… Các nhà sư cũng phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng môi lưỡi do thiếu vitamin”, GS Hương thông tin.
GS Hương khuyến cáo với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng mà nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn đa dạng các thực phẩm gồm thịt, cá, trứng, sữa, tăng cường ra quả để cung cấp vitamin, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Bệnh nhân người Hà Nội chỉ uống nước lọc cầm hơi suốt hơn 40 ngày. Ảnh minh hoạ. |
Bệnh nhân ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ
Dù được khuyên ăn đầy đủ dinh dưỡng, GS Hương cho biết với những bệnh nhân ung thư, bác sĩ luôn khuyên không nên ăn quá nhiều thịt đỏ từ các loài 4 chân như bò, cừu, lợn...
Thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm. Trường hợp người bệnh thèm ăn vẫn có thể sử dụng theo khuyến cáo của bác sĩ.
Bên cạnh đó, người dân nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega-3, omega-6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sắt… Đồng thời, hạn chế các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối và các thực phẩm như xúc xích, lạp xưởng vì chúng rất mặn, không tốt cho cơ thể.
Giải pháp tốt nhất cho người bệnh là ăn cân đối dinh dưỡng, bổ sung tinh bột từ các loại hạt nguyên sẽ tốt hơn là hạt tinh chế.
Về quan điểm cho rằng càng ăn uống đầy đủ, khối u càng phát triển, PGS.TS Dương Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Châm cứu dưỡng sinh của BV Y học Cổ truyền Trung ương, giải thích đây là quan suy nghĩ sai lầm.
“Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể, thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng”, PGS Nghĩa phân tích.
Do đó, những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư đồng thời tăng cường tập thể dục không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Mặt khác, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất.