Phim “hoài cổ” nhất - Tây du ký hậu truyện: Được sản xuất năm 2015, lấy bối cảnh TP HCM thời hiện đại, nhưng bộ phim hài của điện ảnh Việt lại gợi cho người ta nhớ đến Tây du ký phiên bản truyền hình năm 1986. Không chỉ bởi cái tên, dàn nhân vật hay tình huống, mà vì phần kỹ xảo của tác phẩm thậm chí không bằng loạt phim của Lục Tiểu Linh Đồng năm xưa. Ảnh: Galaxy |
Phim “may mắn” nhất - Trúng số: Bộ phim hài của Dustin Nguyễn dựa trên sự kiện may mắn từng gây xôn xao dư luận miền Tây, khi một cô bán vé số dạo nhất quyết trao cho người “mua chịu” tấm vé trúng giải độc đắc. Từng bị nghi ngờ là hài nhảm trước khi ra rạp, nhưng Trúng số chinh phục người xem trong dịp Tết Nguyên đán 2015 nhờ phần nội dung cảm động. May mắn thực sự đến với phim khi tác phẩm vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký để trở thành đại diện cho Việt Nam dự tranh Oscar 2016. Ảnh: CGV |
Phim “ngon lành” nhất - Kung Fu Phở: Phở là món ăn quốc hồn quốc túy của người Việt và không ít khán giả tò mò tới rạp xem Kung Fu Phở để xem liệu tác phẩm có thể đem đến cảm giác... “nuốt nước bọt” trước màn hình hay không. Song, cảm giác ấy chỉ thoáng vụt qua mỗi khi Diễm My 9X xuất hiện, bởi bộ phim chẳng thể gây được ấn tượng như mong muốn do mạch truyện lỏng lẻo và nhiều phân đoạn không khác gì phim quảng cáo. Ảnh: Skyline Media |
Phim “khó gọi tên” nhất - Hy sinh đời trai: Liệu có khán giả nam nào muốn “hy sinh đời trai” chỉ vì một bộ phim khi tới rạp? Nhưng tựa đề hài hước, gợi mở ấy rốt cuộc trở thành nốt trầm buồn đối với sự nghiệp của đạo diễn Lưu Huỳnh. Hy sinh đời trai thua xa những tác phẩm trước đây của ông, sử dụng những pha chọc cười lố bịch và quảng cáo quá đà cho những ngôi sao chỉ xuất hiện trong giây lát. Ảnh: Galaxy |
Phim “nhọ” nhất - Hay không bằng hên: Tên gốc của bộ phim là Số nhọ, và dường như nó vận vào tác phẩm khi buổi họp báo ra mắt bị Cục Điện ảnh tuýt còi “đúng phút 89”. Rốt cuộc, các nhà sản xuất phải chỉnh sửa nhiều chi tiết, đồng thời đổi tên dự án để có thể ra rạp. Song, Hay không bằng hên cũng chẳng thể “gặp hên” bởi bản thân chất lượng tác phẩm chỉ nằm ở mức trung bình. Ảnh: Galaxy |
Phim “sai tên” nhất - Con ma nhà họ Vương: Khán giả kỳ vọng tác phẩm mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng sẽ kinh dị và rùng rợn. Nhưng điều mà công chúng nhận được trong dịp Halloween lại là một tác phẩm lố bịch đến rùng rợn. Các diễn viên cứ thế thi nhau cởi đồ, khoe da thịt, “vờn nhau” bằng hành động nóng bỏng thay vì diễn xuất thực sự. Nếu đổi tên thành Con ma nhà họ Trần thì có lẽ cũng chẳng sai. Ảnh: BHD |
Phim “láo” nhất - Em là bà nội của anh: Giờ thì phiên bản làm lại Miss Granny (2014) của điện ảnh Việt đã thu tới 60 tỷ đồng. Nhưng ban đầu, cái tên Em là bà nội của anh vấp phải không ít phản hồi tiêu cực trên các mạng xã hội, tới nỗi đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ rằng anh từng muốn đổi tên cho đứa con tinh thần. Tuy nhiên, nhà làm phim quyết định giữ lại tên phim, bởi anh cho rằng những ai theo dõi bộ phim sẽ thấy đây là tựa đề rất chính xác, thậm chí có phần dễ thương về câu chuyện bà Đại trở lại tuổi 20. Ảnh: CJ |
Phim “thơ” nhất - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh: Bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh có cái tên đậm chất thơ, thậm chí cuốn hút tới nỗi trở thành đề tài ảnh “chế” trên nhiều mạng xã hội. Dường như chiều dài tựa đề cũng tỷ lệ thuận với doanh thu phòng vé. Nhờ có sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán giả, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ tới nay thu khoảng 80 tỷ đồng, là phim Việt ăn khách nhất trong vòng 12 tháng qua. Ảnh: Galaxy |