Thế hệ 8X đi thi đại học thường lặn lội cả trăm km, cơm đùm cơm nắm, cha mẹ chăm lo. Còn với 9X bây giờ, kỳ thi được tổ chức ở địa phương nên nhẹ nhàng hơn nhiều.
Những mùa thi năm trước, hình ảnh phụ huynh và học sinh rời chuyến xe khách đông đúc từ quê lên thành phố, khệ nệ bê đồ, hỏi han địa chỉ thuê nhà trọ… là vô cùng quen thuộc.
Mùa thi năm nay lại đến, nhưng kỳ thi của lứa cuối cùng thuộc thế hệ 9X đã thay đổi nhiều. Ký ức về kỳ thi xưa chỉ còn là kỷ niệm.
Với nhiều người thuộc thế hệ 8X, thi đại học được coi là con đường duy nhất để thành công. Khắc cốt ghi tâm lời dặn dò: “Học để thoát nghèo”, “Học phần bố mẹ”, “Hy sinh đời bố củng cố đời con”…, nhiều học sinh từ các vùng quê có động lực và quyết tâm để vươn lên.
Từ năm 2001 trở về trước, thế hệ đầu tiên của 8X dự thi đại học riêng theo từng trường đăng ký, dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đăng ký thi bao nhiêu trường thì phải trải qua bấy nhiêu kỳ thi.
Năm 2002, Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi đại học (sau khi thi tốt nghiệp), học sinh muốn vào trường nào thì đăng ký nguyện vọng sang các trường đó. Thời gian này, phương thức luyện thi chủ yếu của thế hệ 8X, đầu 9X là học ở lò luyện.
Ở miền Bắc, khu vực ĐH Bách khoa, ĐH sư phạm Hà Nội… tập trung các lò luyện nức tiếng đất Hà thành, hoạt động hết công suất, phải tăng ca, kín lịch, nhất là thời điểm sau khi kết thúc năm học.
Bấy giờ, hàng nghìn thí sinh sinh “lớp 13” và lớp 12 ở các tỉnh tấp nập lên đăng ký. Trong những lớp học chật chội, giáo viên cũng không thể nhớ hết gương mặt học trò. Bạn bè ngồi cạnh cũng chỉ kịp hỏi tên nhau.
Với những gia đình còn khó khăn ở nông thôn, học sinh chủ yếu vừa tự học, vừa lao động giúp đỡ gia đình. Bàn học thời ấy là lưng trâu, là triền đê, ước mơ chấp chới theo những cánh diều.
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đến cùng sự phát triển của các khóa học trực tuyến (e-learning). Với cách thức này, học sinh dù ở đâu cũng có thể ngồi nhà, bật điều hòa và tham dự tất cả lớp học của giáo viên có tiếng qua hình thức miễn phí và thanh toán bằng thẻ.
Từ năm 2015, Bộ GD&ĐT thay đổi phương án, từ hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học, còn một kỳ thi duy nhất là THPT quốc gia với mục đích hai trong một. Về hình thức, các môn thi phần lớn là bài trắc nghiệm, có mức độ phân hóa rõ rệt nên việc ôn tập ở các lò luyện giảm tải.
Trước ngày thi, thí sinh làm quen, kết nối các hội nhóm cùng đi thi, hỏi đáp trực tiếp với giáo viên qua Zalo, Facebook… Việc học hành vì thế nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi học sinh sự thông minh, hiểu biết và sự tập trung nhất định khi có quá nhiều thông tin và nhiều cách học mới.
Với thế hệ 8X, mùa thi đi cùng tháng 7, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt nhất trong năm.
Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời con cái, nhiều phụ huynh lặn lội thân cò, khăn gói đưa con lên thành phố để “lai kinh ứng thí”. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM căng mình đón lượng thí sinh, phụ huynh lớn từ khắp các tỉnh. Nhà trọ được dịp “leo thang” giá cả, thành phố tăng thêm áp lực về giao thông, an ninh vì mật độ dân số lớn…
Với nhiều người thuộc thế hệ 8X, ngày đầu thi đại học là hành trình đầu tiên xa nhà, ra khỏi lũy tre làng. Trước khi lên xe khách, mẹ nước mắt ngắn dài dúi vào tay con gói thuốc chống đau bụng.
Bố liên tục kiểm tra lại nơi đựng những đồng tiền chẵn ít, lẻ nhiều, đã gom góp chắt chiu. Vật dụng mang theo không chỉ sách bút mà lủng củng chục cân gạo, cả con gà để biếu người quen trong lúc nhờ ở trọ.
Bất cứ học sinh nào thuộc thế hệ 8X, khi thi xa nhà sẽ có cảm giác xa lạ trước phố phường tấp nập, háo hức khi bước chân vào cổng trường đại học, hay ước muốn dâng trào nếu ngày mai trở thành sinh viên mặc màu áo xanh tình nguyện như anh chị chỉ đường, tìm nhà trọ, phát cơm miễn phí, tiếp sức mùa thi...
Để đến lúc bước chân vào phòng thi, trong mớ hỗn độn cảm xúc hồi hộp, lo lắng, họ nghĩ về những điều tốt đẹp ấy để có thêm động lực hơn bao giờ hết.
Ngoài kia, dưới cái nắng nóng đến khô người của tháng 7, cha mẹ vẫn đứng sát cổng trường ngóng con. Bởi bố mẹ mong muốn sau khi con bước ra khỏi phòng thi, người đầu tiên nhìn thấy sẽ là họ. Động lực ấy khiến nhiều ngày “con thi với bạn, cha thi với trời”, dù mệt mỏi nhưng luôn đầy hy vọng.
Ở những kỳ thi của thế hệ 8X, thi đại học không chỉ là dịp trọng đại mà còn tiêu tốn nhiều tiền của người thân. Cha mẹ không chỉ theo con một vài ngày mà còn cùng con đi hết kỳ thi của trường đại học này đến trường khác, với các đợt thi theo khối, thi xong đại học rồi đến cao đẳng.
Chuyển sang thế hệ 9X đời đầu, kỳ thi đại học đã được tổ chức nhẹ nhàng hơn nhưng cảnh lặn lội từ khắp các tỉnh thành xuống thành phố thi vẫn còn.
Đó là kỳ thi năm 2014, hình ảnh người cha từ Cao Bằng mang 10 con sáo ra thành phố bán lấy tiền đưa con đi thi khiến nhiều người xúc động. Người cha ấy đã lăn lộn cả tháng trời trong rừng, bắt được 10 chú chim sáo mang theo, mong có thêm được vài đồng để chi tiêu trong những ngày xa quê, về thành phố.
Chuyện cậu học sinh nghèo Ngô Văn Thuận đạp xe 300 km từ Nghệ An ra Hà Nội để đi thi năm 2013. Chuyện nhiều học sinh vừa lên thành phố vừa rửa bát thuê, làm ôsin để trang trải chi phí… không còn quá xa lạ.
Chỉ đến năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở nhiều tỉnh thành, áp lực, sức nóng về kỳ thi theo đó giảm dần. Năm nay, kỳ thi được tổ chức ở 63 tỉnh thành, trải khắp các quận huyện, thị xã. Đề thi, giám thị từ các thành phố lớn di chuyển bằng máy bay, tàu cao tốc, phà, lên rừng, xuống biển.
Lứa cuối cùng của thế hệ 9X bây giờ dự thi ngay gần nhà, xa cũng chỉ vài chục km. Cảnh gia đình lặn lội cả trăm, nghìn km hộ tống con đi thi không còn nữa. Thế nhưng, mỗi ngày, vẫn có biết bao người cha, mẹ, thức khuya, dậy sớm cùng con ôn tập, đến trường thi.
Những ngày thi "nước sôi lửa bỏng" rồi cũng qua, thời gian hồi hộp nhất trong năm là ngày thông báo kết quả. Với thế hệ 8X đời đầu, việc xem điểm thi cũng không kém… nhọc nhằn, thử thách. Thí sinh phải nhờ hoặc thuê người trực tiếp xem kết quả tại các trường, hay mòn mỏi chờ giấy báo điểm qua đường bưu điện.
Cuối thế hệ 8X, việc xem điểm thi thường thực hiện bằng cách mất phí qua tổng đài, hay chầu chực ở các quán Internet cả buổi. Một buổi chiều ở quán Internet, bạn nhận được thông tin đạt số điểm cao, phóng xe về nhà mà quên trả tiền vì quá sung sướng, gặp ai trên đường cũng muốn hét lớn rằng mình đỗ đại học… Tất cả đều trở thành những kỷ niệm không phai.
Việc một 8X đỗ đại học trở thành niềm vui của cả làng xóm, làm rạng danh dòng họ. Nhưng không phải học sinh nào đỗ đại học thời 8X đều có điều kiện nhập học.
Với nhiều gia đình nghèo, học phí, cuộc sống ở thành phố sắp tới là gánh nặng. Có những học sinh phải lặng thầm giấu giấy báo điểm, nói dối: “Con trượt đại học rồi” để đi làm thêm, lùi lại thời gian học hay đi học nghề.
Với những 8X trượt đại học thực sự, đó lại là cú sốc lớn, bởi nguyện vọng 1 đã đăng ký khi làm hồ sơ thi đại học, các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đều là cánh cửa hạn hẹp.
Thời của 8X, Internet chưa phổ cập, việc định hướng chọn ngành, trường chưa phát triển, ở các vùng nông thôn, gia đình không quan tâm đến định hướng nên việc điểm cao vẫn trượt đại học, chọn nhầm ngành nghề là điều dễ thấy.
Nếu 8X thường có suy nghĩ không thi đại học sẽ ở nhà đi cày, lập gia đình, sinh con và suốt đời quanh đi quẩn lại trong sự nghèo khó, thì 9X bây giờ có nhiều lựa chọn. Họ có thể học nghề.
Vì vậy, nhiều học sinh ngay từ đầu xác định không vào đại học (tỷ lệ này ở kỳ thi 2017 là 25%). Mặt khác, cơ hội vào đại học của 9X cũng dễ dàng hơn nhiều với quy chế "mở". Vì thế, thí sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia với tâm thế nhẹ nhàng hơn nhiều.
Dẫu biết rằng ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt nhưng có lẽ, nên đáng mừng vì nhiều bạn trẻ 9X bây giờ hiểu, đại học không phải con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người.