Nhiều bạn trẻ thế hệ 8X và 9X muốn được tự do quyết định chuyện yêu đương, lập gia đình và sinh con thay vì cố gắng thực hiện để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ.
Kết hôn được 7 tháng, Nguyễn Phương Phương (27 tuổi, quê Hải Dương, hiện sống ở Hà Nội) đang lo “vỡ kế hoạch” vì chưa có ý định sinh con.
“Nhìn trẻ con thì thích đấy, nhưng bảo đẻ thì…”, Phương bỏ dở câu nói, lắc đầu.
Bạn bè cưới sau mà đã sắp sinh. Anh chị em trong nhà "con bồng con bế" đủ cả. Đến công ty, mấy chị đồng nghiệp sốt ruột thay Phương, giục cô sớm có em bé.
“May mắn là cha mẹ 2 bên không giục. Hai vợ chồng mình đều là con út, ông bà cũng có cháu ẵm rồi nên cũng không quá nóng vội”, vợ chồng Phương nói rõ với 4 vị phụ huynh rằng giữa năm sau mới có bầu để 2021 sinh.
“Mà ai giục thì cũng thế thôi, đẻ hay không là ở bọn trẻ chúng mình mà”, Phương khẳng định.
Cách đây 4 tháng, chồng cô bỏ công việc lương khá ở một công ty nước ngoài để kinh doanh tại nhà riêng. Tháng 9 vừa rồi, việc làm ăn mới bắt đầu có lãi.
“Mình muốn kinh tế thật ổn định rồi mới tính. Sinh một đứa trẻ ra, cuộc sống vợ chồng khác lắm. Tiền bỉm, sữa rồi ăn uống, sau này còn học hành đủ thứ”, 9X nói.
Nhiều bạn trẻ thuộc lứa 8X, 9X muốn được tự do quyết định chuyện yêu ai, bao giờ cưới hay khi nào sẵn sàng sinh con. Ảnh: Storiesflow. |
Phương không phải bạn trẻ duy nhất thuộc lứa 8X, 9X muốn được tự do quyết định chuyện yêu ai, bao giờ cưới hay khi nào sẵn sàng sinh con.
Họ trì hoãn, “kế hoạch” trong sinh hoạt vợ chồng vì cảm thấy tài chính chưa đủ vững, lo cho bản thân cuộc sống ổn định đã khó, chưa nói tới việc “đèo bòng” thêm đứa trẻ, nhất là những người sống ở các thành phố lớn.
Trong khi đó, khi được hỏi, nhiều phụ huynh cho biết thấy sốt ruột khi con cái chưa tính chuyện sinh nở. Họ giục giã với một số lý do như “bây giờ bố mẹ còn khỏe, giúp trông cháu được, sau này già yếu ai chăm cho” hay “không đẻ đi người ta dị nghị là ‘tịt’”.
Sự khác biệt về quan niệm hôn nhân, sinh con đẻ cái giữa 2 thế hệ cho thấy người trẻ ngày càng độc lập trong suy nghĩ và có ý thức về sự ổn định - từ tâm lý đến hoàn cảnh kinh tế - để có thể nuôi dạy con cái trong điều kiện tốt.
Thế hệ ngại yêu đương, ít sex, không muốn có con
Cứ 5 phụ nữ Mỹ lại có một người quyết định không sinh con. Nhà văn Christen Reighter là một trong số đó.
Trong video TED Talks có chủ đề “Tôi không muốn có con. Đừng nói rằng tôi sẽ thay đổi suy nghĩ”, nữ nhà văn cho biết cô đã sớm quyết định không sinh đẻ.
Tuy nhiên, dù Reighter cố gắng giải thích, nhiều người tỏ ra khó hiểu, cười nhạo và nói: “Rồi cô sẽ thay đổi ý định”. Thậm chí, họ còn cho rằng cô thật ích kỷ.
Khi Christen Reighter đến bệnh viện triệt sản, các bác sĩ khuyên nhủ nữ tác giả suy nghĩ lại, thậm chí cho rằng cô chỉ muốn làm vậy vì suy nghĩ bồng bột, nhất thời.
Tuy nhiên, Reighter không thay đổi ý định.
Cô khẳng định mình hoàn toàn tỉnh táo, tự nguyện, hiểu rõ mọi rủi ro có thể xảy đến và sẽ không hối hận.
“Tôi tin rằng giá trị của một người phụ nữ không bao giờ nên được xác định bằng việc cô ấy có con hay không”, nữ nhà văn nói.
Millennials (thế hệ Y) ngày càng không có hứng thú với chuyện hẹn hò, ít quan hệ tình dục hơn và kết hôn lần đầu ở độ tuổi muộn hơn các thế hệ trước. Ảnh: Perry Tse. |
Theo New York Times, nhiều nghiên cứu chỉ ra thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) ngày càng không có hứng thú với chuyện hẹn hò, ít quan hệ tình dục hơn và kết hôn lần đầu ở độ tuổi muộn hơn các thế hệ trước.
Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn ở những người trẻ hơn, cụ thể là thế hệ Z (sinh từ năm 1997).
Năm 2018, độ tuổi trung bình cho kết hôn lần đầu ở Mỹ chạm ngưỡng gần 30 (29,8 đối với nam và 27,8 đối với nữ). Con số đã tăng thêm 5 năm so với số liệu năm 1980, khi mức tuổi trung bình là 24,7 đối với nam và 22 đối với nữ.
Một nghiên cứu khác cho thấy các cặp vợ chồng Mỹ từ 25-34 tuổi dành trung bình 6,5 năm bên nhau trước khi kết hôn, so với trung bình 5 năm cho tất cả các nhóm tuổi khác.
Millennials đang chọn mối quan hệ “slow love”. Ảnh: New York Times. |
Tiến sĩ, nhà nhân chủng học Helen Fisher gọi hiện tượng này là “slow love” (tạm dịch: tình yêu chậm).
Trong khi nhiều chuyên gia lo lắng về một thế hệ không màng yêu đương, “quan hệ” (hay như The Atlantic mô tả - con người đang ở trong cuộc “suy thoái tình dục”), bà Fisher cho rằng không phải thế hệ Millennials đang hủy hoại hôn nhân, mà có thể họ đang coi trọng chuyện này hơn.
Tiến sĩ Fisher tin rằng những người trẻ còn độc thân thời nay đang nêu gương tốt cho các thế hệ tương lai bằng cách thể hiện cái nhìn sâu sắc hơn về hôn nhân và sự cam kết.
“Tình yêu thường thay đổi. Càng ổn định (về mặt tài chính, công việc…) bạn càng có khả năng tìm thấy sự lâu bền”, nữ chuyên gia kết luận.
Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu người ngoài đừng quá quan tâm chuyện cưới và đẻ
Theo Kate Bolick, tác giả bài viết All the Single Ladies đăng trên The Atlantic, việc thế hệ Millennials trì hoãn chuyện kết hôn, sinh con cũng phản ánh sự thay đổi thái độ của xã hội hiện tại với các khái niệm lãng mạn, tình yêu.
Nếu các thế hệ trước coi hôn nhân, gia đình là thành quả cuối cùng, kết thúc có hậu cho một tình yêu, mối quan hệ tình cảm, giới trẻ ngày nay không còn nghĩ vậy.
Nữ diễn viên Sarah Silverman, người nổi tiếng tôn sùng chủ nghĩa độc thân, từng vướng vào không ít rắc rối vì những chia sẻ về chuyện hôn nhân, gia đình của mình.
Nhiều người Mỹ trưởng thành tin rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người ưu tiên cho những thứ khác thay vì quá quan tâm đến vấn đề hôn nhân và sinh con đẻ cái. Ảnh: ABC. |
Silverman nói rằng dường như mọi người bị ám ảnh về chuyện kết hôn đến mức bất kỳ một bức ảnh, khoảnh khắc lãng mạn nào của một cặp tình nhân cũng được liên tưởng tới một đám cưới không xa.
Năm 2014, khi bị đồn sắp lên xe hoa cùng bạn trai, nữ diễn viên tuyên bố thẳng thừng trên trang cá nhân: “Chỉ đọc thông tin sắp kết hôn tôi đã thấy buồn cười rồi. Tôi sẽ không bao giờ làm đám cưới. Tại sao mọi người lại cứ muốn xen vào cuộc sống, tình yêu của tôi?”.
Không chỉ Silverman, một nửa số người Mỹ trưởng thành tham gia một khảo sát của Pew tin rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mọi người ưu tiên cho những thứ khác thay vì quá quan tâm đến vấn đề hôn nhân và sinh con đẻ cái.
“Đâu phải như bó rau, con cá ngoài chợ mà muốn là có”
Ở quê của Quỳnh Anh, một cô gái 24 tuổi chưa có gia đình như cô đã bị liệt vào dạng “ế”.
“Chưa lấy chồng thì cũng phải tìm người yêu đương đi chứ”, “Thằng A con chú B hôm trước qua chơi con thấy được không, để mẹ cho hai bên số điện thoại liên lạc nhé”...
Những câu nói của mẹ Quỳnh Anh xuất hiện trong mỗi bữa ăn với tần suất ngày càng nhiều.
Với nhiều bạn trẻ, đối tượng để yêu hay kết hôn không phải như bó rau, con cá ngoài chợ, muốn là có. Ảnh: The Atlantic. |
Tốt nghiệp khoa Sư phạm Văn nhưng không tìm được công việc phù hợp, Quỳnh Anh nhận đặt hàng online tại nhà. Thu nhập không quá nhiều nhưng cũng đủ để 9X tự lo cho bản thân và đưa cho mẹ tiền ăn mỗi tháng.
Từ gần cuối năm ngoái, vì không muốn giậm chân mãi với công việc bán hàng online, 9X Lạng Sơn học thêm rồi xin học bổng thạc sĩ ở Trung Quốc.
Ban đầu, mẹ Quỳnh Anh phản đối kịch liệt, vì nếu du học cũng mất ít nhất 3 năm, khi về nước thì con gái đã “quá lứa”, biết khi nào mới lập được gia đình.
Tuy nhiên, trước sự quyết tâm của Quỳnh Anh, mẹ cô vẫn phải chiều theo ý con gái và để cô du học.
Ngày lên đường, mẹ cô vẫn tranh thủ cằn nhằn: “Tiền kiếm được nhiều tiêu nhiều, ít tiêu ít, nhưng cứ phải lo kiếm chồng nữa đấy. Sau này ế chỏng chơ ra đấy tôi không nuôi đâu”.
Mỗi lần mẹ cằn nhằn, 9X chỉ biết vâng dạ, ậm ừ cho qua vì không muốn làm mẹ giận song trong lòng lúc nào cũng như có tảng đá đè nặng.
“Mình biết là trong mắt phụ huynh, con cái lập gia đình, sinh con đẻ cái mới được cho là ổn định, là trưởng thành. Nhưng đâu phải như bó rau, con cá ngoài chợ, muốn là có. Chưa nói đến công việc, sau mối tình kéo dài 2 năm, hiện tại mình vẫn chưa tìm được người muốn tính chuyện lâu dài”, Quỳnh Anh nói.