Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhớ chú Bảy Viễn Châu, nhớ một thời vọng cổ

Bài viết của nhà báo Kim Hạnh như nỗi hoài nhớ về một nét văn hóa của vùng đất Nam bộ sau sự ra đi của "vua vọng cổ" Viễn Châu.

Nửa đêm, nhớ ông, tôi hát trong đầu: "...Người ta đã có đôi rồi, chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung. Để mình vác cặp chiếu bông. Chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ".

Và rộn rã hơn, bài ca thống thiết của chàng Võ Đông Sơ khi vĩnh biệt Bạch Thu Hà lại thường được mọi người đồng ca... vui vẻ vì ai nấy cũng thuộc, cũng yêu, nghe dân dã gì đâu: "Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi. Đường dài mịt mùng em không đến nơi. Mây nước buồn cơn lửa binh. Hết kể chuyện chung tình. Khóc than riêng em một mình"...

"Vua vọng cổ" Viễn Châu. Ảnh: Hoàng Kim

Người Sài Gòn những năm 1960 thường mở "la dô" nghe những tiếng dạo đàn thân thương của "Sáu Tửng đờn kìm, Bảy Bá (chính là Viễn Châu) đờn tranh, Văn Vỹ đờn lục huyền cầm" rồi đến những bài vọng cổ mùi tận mạng của Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Minh Cảnh, Lệ Thủy... Từ Tình anh bán chiếu qua Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà thì "phù thủy" vọng cổ và cải lương Viễn Châu đã khởi xướng thể loại "tân cổ giao duyên" làm mưa làm gió một thời gian dài đến giờ.

Bố tôi, một ông thợ may Bắc kỳ mê Ngọc Giàu, Út Trà Ôn, một hôm "phát hiện" ra rằng cô con gái đầu hay hát ê a theo "la dô" nghe cũng giống giống... Ngọc Giàu thì khuyến khích tôi đi học vọng cổ - cải lương. Thế là, tôi vừa học trung học Gia Long, vừa đi học ca vọng cổ với thầy Văn Vỹ rồi thầy Sáu Tửng (rất nổi tiếng với cây đàn kìm) gần 3 năm trời.

Học hết "ba Nam, sáu Bắc", viết được vọng cổ nhịp 32, tôi với cô giáo dạy toán Lệ Dung làm thành một đôi độc đáo trong các chương trình văn nghệ của trường Nữ trung học Gia Long bấy giờ.

Sau này, không theo nghề hát, không mấy khi còn nhắc tới những bài ca vọng cổ cũ, nhưng tới giờ, kỳ lạ là tôi vẫn thuộc vẫn nhớ hầu hết những bài mình yêu thích mấy chục năm trước như bài Sơn Đông Hướng MãCô bán đèn hoa giấy, hay Lý con sáo mở đầu Lan và Điệp và những bài Nam ai, nam xuân, Đảo ngũ cung và còn nhiều nữa.

GS.Trần Văn Khê đệm đàn cho soạn giả Viễn Châu. Ảnh: Thanh Hiệp

Tôi trở thành bạn thân thiết của soạn giả Hà Triều khi anh đến báo Tuổi Trẻ chơi, nghe tôi nói, tôi thuộc hết lớp Phụng Hoàng về cuộc gặp éo le của Tùng và Hương trong Nửa đời hương phấn thì anh cười khà khà ngầm ý: "Xạo hoài". Nhưng khi nghe tôi ca ngon ơ một hơi trọn bài xong, anh bắt đầu hiểu. Tôi nói với anh, không chỉ mình tôi thuộc, nhiều bạn bè của tôi cũng thuộc lớp Phụng Hoàng ấy, cũng thuộc Tình anh bán chiếu, Võ Đông Sơ... vì sự đồng cảm, đồng điệu, vì người viết tài quá, đã nói giùm họ nỗi lòng, tình yêu quê nhà, nỗi nhớ song thân, xóm làng, nói sao mà ngọt, mà êm, mà thấm tận gan ruột đến... suốt đời.

Những câu ca vọng cổ đó neo người ta với quê hương này, dạy người ta biết căm ghét bất công, đạo đức giả, biết yêu từng ngọn khói lam chiều nhà ngoại, nó nuôi người ta thành người.

Chú Bảy Viễn Châu để lại 70 tuồng cải lương, 2.000 bài vọng cổ nhưng quan trọng hơn, ông để lại tình yêu con người, yêu đất nước vô bờ bến mà không cần lên gân dạy đời. Nghe câu trăn trối của ông với con trai là hiểu: "Khi ba chết, nhớ bỏ theo quan tài ba một mớ giấy bút để xuống đó ba viết tiếp bài ca vọng cổ".



Nhà báo Kim Hạnh

Bạn có thể quan tâm