Những ngày đầu tháng 10, căn nhà của bà Trịnh Thị Hậy nằm rìa thôn Tân Đa (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đông hơn thường lệ. Người thân, làng xóm thay nhau đến chia vui với bà Hậy vì người con trai trở về sau gần 40 năm, kể từ lúc nhập ngũ.
“Tôi mừng lắm. Không có gì hạnh phúc bằng việc con trở về đoàn tụ”, bà Hậy nói.
Cụ bà 82 tuổi cho hay gia đình có 7 người con. Tháng 4/1978, chàng trai Nguyễn Văn Kế lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, anh Kế tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia.
Hòa bình lập lại, những người lính xã Quảng Tân lần lượt trở về, riêng anh Kế thì không. Ngày ngày, bà Hậy cùng chồng mỏi mắt ngóng trông nhưng con trai vẫn biệt tích. Đến năm 1983, người mẹ đau đớn nhận giấy báo tử. Anh Kế được công nhận là liệt sĩ.
“Con đi chiến đấu nhưng không một lá thư, một kỷ vật gửi về. Lúc ấy chúng tôi đành chấp nhận sự thật là con đã hy sinh”, bà Hậy nhớ lại quãng thời gian đau buồn.
Hơn 30 năm qua, cuộc sống khó khăn đủ bề khiến gia đình bà Hậy cũng chưa thể thực hiện ước nguyện tìm hài cốt của con trai. Câu chuyện về người lính Nguyễn Văn Kế anh dũng hy sinh cũng dần lùi sâu vào quá khứ.
Bà Hậy vui mừng bên người con trai vừa từ cõi chết trở về. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Bất ngờ một ngày cuối tháng 9/2017, thông tin và hình ảnh của ông Kế còn sống ở Thái Lan được đăng tải lên mạng xã hội Facebook.
Ông Nguyễn Văn Hùng (anh trai con bác ông Kế) cho hay một người đàn ông ở Quảng Ninh qua Thái Lan làm ăn và gặp ông Kế. Với ký ức mập mờ, ông Kế kể cho người đó việc mình từng là người lính và quê ở Thanh Hóa. Người này lập tức chia sẻ câu chuyện lên mạng Facebook để giúp ông Kế tìm quê hương.
“Thông tin về chú được nhiều người chia sẻ. Ít ngày sau thì gia đình chúng tôi biết tin và liên lạc. Được nhiều người giúp đỡ, đến ngày 1/10, chú trở về quê nhà trong sự vỡ òa của mọi người”, ông Hùng hồ hởi kể.
Bà Hậy xúc động tiếp lời: “Ngày gặp lại, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc nức nở. Tôi khóc vì quá hạnh phúc, không thể nói nên lời vì con trai đã từ cõi chết trở về”.
Theo lời ông Kế, ông không hy sinh mà bị quân Pôn Pốt bắt trong lúc vừa chữa xong căn bệnh sốt rét ở một trạm xá. Một thời gian sau, ông trốn được ra ngoài với trí nhớ không rõ ràng.
Ông sống thang lang và sau đó lưu lạc đến một tỉnh ở Thái Lan. Hàng chục năm qua, ông mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai. Lúc đau ốm, không vợ con, không người thân thiết bên cạnh.
“Tôi ăn không đủ no, ngủ dưới gầm cầu. Đã nhiều lần tôi muốn về nước nhưng không có cách nào cả. Cuộc sống như tách biệt với bên ngoài”, ông Kế kể.
Người thân, làng xóm đến chia vui với gia đình bà Hậy. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Phép màu xảy ra khi giờ đây ông đã được mọi người giúp đỡ để về đến quê nhà. Gặp lại nhiều người thân thiết, trí nhớ của ông cũng hồi phục nhanh hơn. Mấy hôm nay, ông Kế khan cả giọng nói vì trả lời nhiều câu hỏi của người thân.
“Nhiều người hỏi tôi có nhớ họ là ai không. Tôi không thể nhớ được vì giờ già rồi, ai cũng khác. Nhưng mọi người nhắc tên gì, con bà này, ông kia là dần dần tôi nhớ ra”, ông Kế vui vẻ nói.
Kể từ ngày con trai về, bà Hậy đã hạ di ảnh thờ và bát hương. Tấm bằng Tổ quốc ghi công cũng được gia đình trả cho chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Quảng Xương, cho biết huyện đang phối hợp với lãnh đạo xã để xác minh con người, nhân thân và các giấy tờ tùy thân (nếu có) của ông Kế.
“Sau khi xác minh, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm chế độ thương bệnh binh cho ông Kế. Huyện cũng hướng dẫn lãnh đạo xã làm việc này sớm nhất có thể”, bà Thu nói.