“Con hư hỏng, vợ chồng tôi không thể dạy bảo nên nhờ người cháu răn đe, dạy con, nhưng không ngờ sự việc đi quá xa, gây hiểu nhầm”, ông N.V.H. (41 tuổi, trú thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nói, liên quan clip con trai ông là N.Q.V. (17 tuổi) bị nhóm thanh niên hành hạ, dọa chôn sống.
Theo chia sẻ của người cha, gia đình ông có 2 con, V. là con trai đầu, đang học lớp 11 một trường tại TP Vinh (Nghệ An). Nhiều ngày trước, V. bỏ học đi chơi với bạn, vợ chồng ông khuyên can, dạy dỗ nhưng con không nghe lời. Bất lực, ông nhờ người cháu tên Khánh răn đe để V. ngoan hơn.
Nam thanh niên 17 tuổi bị nhóm người hành hạ, dọa chôn sống. |
"Sai hoàn toàn"
Trao đổi về câu chuyện dạy con này, chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý JobWay - cho rằng cha mẹ nào cũng muốn giáo dục, giúp con quay đầu, hướng thiện, khi chúng nhầm đường lạc lối. Tuy nhiên, cách thức nhờ người dọa chôn sống để con sợ hãi, “cho chừa”, không dám ăn chơi, phá phách nữa, là phản giáo dục, sai hoàn toàn, cả về tình và lý.
Khi đứa con biết được chính cha mẹ nhờ người khác dọa mình, sẽ sinh phản ứng ngược. Có thể, trẻ sẽ càng chống đối, ngang tàng, khó dạy dỗ hơn.
Vị chuyên gia tâm lý này cho rằng cha mẹ phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Con cái hư hỏng cũng có thể xuất phát một phần từ quá trình dạy con của phụ huynh. Một thanh niên 17 tuổi không thể bỗng chốc trở nên phá phách, hư hỏng trong vài ngày, vài tháng.
Căn nguyên của vấn đề có thể đã có từ lâu với sự nuông chiều của người lớn, hoặc con tiếp xúc lâu dài với bạn bè xấu mà không được uốn nắn kịp thời.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, những đứa trẻ chưa ngoan, có tâm lý phản kháng, bên trong các em thường chứa đựng sự bất ổn về tâm, sinh lý, từ đó nảy sinh tính cách nóng nảy, chống đối.
Giáo dục là cả một quá trình, việc cưỡng ép, răn đe bằng bạo lực có thể gây phản tác dụng. Điều này có thể khiến đứa trẻ và cha mẹ tổn thương, những khúc mắc, hiểu lầm trước đó rất khó để hóa giải.
Bà Hà Thành nêu quan điểm việc "mượn tay" người khác để dọa nạt con là cách giải quyết không thể mang lại kết quả như ý muốn. Phụ huynh cần tránh để những tình huống tương tự không lặp lại.
"Cha mẹ sinh ra con, nhưng họ cũng không có quyền lấy mạng sống để răn dạy, đe dọa chúng. Dù dạy con khó đến đâu, chúng ta cũng không nên tìm đến biện pháp phản khoa học như vậy", bà Hà Thành nhấn mạnh.
Dạy con cần quá trình kỳ công
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An cho biết thực tế, không ít cha mẹ bất lực trong việc giáo dục con cái. Nhưng không phải tình huống nào, họ cũng có thể nhờ chính quyền, công an can thiệp "chuyện gia đình".
Theo ông An, việc uốn nắn, thay đổi một người, cần thời gian dài và kiên trì tác động, dạy dỗ. Đây không phải việc ngày một, ngày hai.
Nếu con không còn nghe lời cha mẹ, thầy cô, gia đình để ý xem ai là người có sự ảnh hưởng đến trẻ nhất để nhờ người đó bảo ban, tâm sự, phân tích phải, trái, đúng, sai.
“Nếu đúng thầy, đúng thuốc, nhiều khi chỉ cần một câu nói cũng đủ để các bạn này suy nghĩ, dần dần thay đổi”, ông An chia sẻ.
Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng phối hợp các bậc phụ huynh giáo dục trẻ tại địa phương cũng rất cần lưu tâm. Chính quyền địa phương có thể tổ chức những buổi giáo dục cộng đồng, có sự tham gia của lực lượng chức năng. Chuyên gia tâm lý giáo dục đến nói chuyện, chia sẻ, trao đổi với những thanh, thiếu niên để dần dần thay đổi suy nghĩ của các em.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng giáo dục không phải cưỡng ép, bắt buộc trong thời gian ngắn, mà cần cùng trẻ đồng hành, thấu hiểu trong cả quá trình dài lâu.
Thầy giáo này nhận thấy nhiều cha mẹ hiện nay quá kỳ vọng vào con, nhưng không kỳ công trong cách nuôi dạy. Nói cách khác, nhiều phụ huynh luôn mong con giỏi, ngoan, nhưng họ chưa sáng tạo, chưa đổi mới cách dạy để phù hợp hoàn cảnh, tâm lý của từng trẻ.
Đặc biệt, với những đứa trẻ cá tính, có suy nghĩ riêng, lối sống riêng, người lớn càng phải mềm dẻo, đa dạng trong cách nuôi dạy.
Ví dụ, nếu không thể tự bảo ban, dạy dỗ con, cha mẹ có thể tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, thầy cô. Đôi khi, những người bạn thân của trẻ chính là "liều thuốc tinh thần" hiệu quả nhất, giúp các em vượt qua khoảng thời gian khó khăn và tìm lại chính mình.
Dạy con cần dựa trên cơ sở của tình yêu thương, sự bao dung để giúp trẻ nhìn nhận lại vấn đề, hướng đến những điều tốt đẹp.
Ngoài ra, cha mẹ có thể "đánh" vào điểm mạnh của mỗi đứa trẻ, khuyến khích các em thể hiện bản thân. Khi được gia đình ủng hộ, các em sẽ cố gắng thoát khỏi vùng an toàn, tự tin phô diễn tài năng và hạn chế những thói hư, tật xấu không đáng có.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành cho rằng nuôi dạy con trong cuộc sống hiện đại có nhiều thách thức. Bà đề nghị các gia đình cần hướng đến môi trường giáo dục lành mạnh, không bạo lực, bao gồm cả bạo lực thể xác và lời nói.
Trẻ dưới 18 tuổi rất dễ bị tác động tâm lý bởi lời nói, hành động của người khác, đặc biệt là cha mẹ. Những tổn thương về thể xác có thể chữa lành, nhưng nỗi đau tâm lý sẽ theo đứa trẻ suốt đời.
"Những tổn thương tâm lý không được hóa giải cũng giống nỗi đau thể xác khi bị tra tấn, chôn vùi trong đất cát", bà Thành tâm sự.
Ngày 27/3, đoạn video dài 5 phút ghi cảnh nam thanh niên bị nhóm người hành hạ, dọa chôn sống, lan truyền trên mạng xã hội. Nạn nhân chỉ mặc quần lót trên người và bị nhóm đối tượng dùng dép đánh. Sau đó, nhóm người này đào hố, trói tay, bịt mắt và bắt nam thanh niên nằm xuống hố, phủ cát lên.
Trao đổi với Zing, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, nói rằng một tình tiết cần được phân tích, đó là lời khai của các nghi phạm về việc phụ huynh của V. nhờ họ răn đe thanh niên này để cậu đỡ chơi bời.
"Nếu chứng minh có sự bàn bạc trước khi nhóm nghi phạm gây ra vụ việc thì người thân sẽ là đồng phạm", luật sư nói và nhấn mạnh trong trường hợp này, cảnh sát cần làm rõ ai đứng sau vụ hành hạ, chôn sống nạn nhân.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội, nhận định việc các nghi phạm khai họ được người thân của V. nhờ răn đe thanh niên này, nếu tình tiết đó đúng sự thật, người nhờ vả có thể bị xem xét xử lý với vai trò chủ mưu vụ án.