Bé gái này là một trong số hàng nghìn người tị nạn và nhập cư đã tới Đức vào cuối tuần qua với mong ước tìm được một nơi sinh sống an toàn.
Ở Munich cũng như Berlin, người tị nạn đều được chào đón bằng những lời động viên, thức ăn và quần áo ấm được người dân đóng góp khi Đức đón nhận tới 10.000 người tị nạn chỉ trong vòng một ngày.
Bé gái người Đức chia kẹo cho một em bé tị nạn. |
Đoạn phim ngắn đã lan truyền chỉ sau một đêm, trong bối cảnh người dân châu Âu đang đoàn kết lại nhằm xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra tại châu lục này.
Đoạn "vine" do phóng viên Cassandra Vinograd của đài NBC đã được bật quay vòng khoảng 470.000 lần kể từ khi được đăng tải vào thứ hai vừa qua.
“Thời khắc ngọt ngào... Một cô bé người Đức và một bé gái tị nạn mới tới” là dòng miêu tả đi kèm với đoạn băng ngắn này.
Đức đã tiếp nhận số người tị nạn lớn nhất từ trước tới nay và thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi các nước láng giềng cùng thể hiện sự đồng lòng trong việc giải quyết vấn đề nhập cư.
Trong bài phát biểu vào thứ Ba vừa qua, Thủ tướng Merkel cho rằng châu Âu cần áp dụng một hệ thống phối kết hợp để xử lý vấn đề này, đồng thời tán thành việc đặt hạn ngạch điều phối người tị nạn khắp châu Âu.
Đức dự kiến số người tị nạn mà nước này tiếp nhận trong năm nay sẽ tăng gấp 4 lần, lên mức khoảng 800.000, và cho biết nước này không thể tiếp tục tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn số đó. Thủ tướng cho rằng số người tị nạn tới Đức sẽ vượt qua con số 800.000 trong năm 2015.
“Hệ thống phối kết hợp này không thể chỉ tồn tại trên giấy, mà phải thực sự hoạt động trong thực tế. Tôi nói như vậy là vì hệ thống phải đặt ra được những tiêu chuẩn tối thiểu trong việc tiếp nhận và đăng ký người tị nạn,” bà cho biết trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thụy Điển Stefan Lofven ở Berlin.
“Bản thân tôi và chúng tôi đã nói về điều này rồi, cho rằng giờ không phải là lúc để đe dọa lẫn nhau. Chúng ta cần phải thảo luận trên tinh thần tôn trọng".
Bà cũng nói thêm rằng châu Âu cần thảo luận về những thay đổi trong chính sách tị nạn của mình, khi cả Hy Lạp lẫn Italy đều không thể tiếp nhận toàn bộ số người tị nạn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bắc Phi được.
Thụy Điển, một trong số những nước có chính sách nhập cư rộng mở nhất, dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 74.000 người tị nạn trong năm nay.
Thủ tướng Lofven cũng đồng tình với quan điểm của bà Merkel, và gọi việc EU đoàn kết chia sẻ gánh nặng nhập cư là “trách nhiệm của loài người".
“Trách nhiệm của chúng ta hoàn toàn dựa trên nền tảng đạo đức. Đó là trách nhiệm của loài người,” ông phát biểu. “Chúng ta cần phải cùng nhau nỗ lực. Hai mươi tám nước thành viên EU có trách nhiệm như nhau".
Các thành viên EU nhỏ hơn ở trung và đông Âu đã từ chối bất kỳ hạn ngạch bắt buộc nào trong việc tiếp nhận người tị nạn, trong bối cảnh Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch về vấn đề này.
Vài trăm nghìn người tị nạn và nhập cư tới từ các nước đang gặp vấn đề chiến tranh hoặc đói nghèo ở Trung Đông và châu Phi đã tới châu Âu trong năm nay. Song, con số đó không thể coi là đáng kể khi so sánh với gần 4 triệu dân thuộc các quốc gia láng giềng của Syria như Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.