Nhóm ngành Nông - Lâm - Ngư khó tuyển sinh
Hết đợt 2, các trường đã tuyển được 89,75% chỉ tiêu. Trong đó, các trường đại học (ĐH) xét tuyển được 391.930 chỉ tiêu; cao đẳng (CĐ) xét tuyển được 71.607 chỉ tiêu, đạt 64.63%.
146 trường đã tuyển hết chỉ tiêu; 162 trường tuyển được từ 50% trở lên. Số trường tuyển được dưới 50% sau hai đợt xét tuyển là 135.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, trong tổng số 647.222 chỉ tiêu mà các trường ĐH, CĐ đăng ký, chỉ có hơn 516.000 chỉ tiêu lấy từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, số lượng thí sinh đạt từ 12 điểm trở lên khoảng 620.000. Như vậy, số lượng dôi dư khoảng trên 1,2. Còn số chỉ tiêu lấy từ kết quả tốt nghiệp THPT khoảng 130.000.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo của 28 trường xét tuyển đợt 4, các trường vẫn còn thiếu tới hàng nghìn chỉ tiêu: CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội thiếu hơn 9.000 chỉ tiêu, các trường ĐH ngoài công lập và ĐH địa phương cũng còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu.
Sự thiếu hụt này có thể lý giải từ nguồn tuyển không còn dồi dào như trước đây. Trong khi chỉ tiêu của các trường ngày càng phình ra thì số lượng thí sinh dự thi lại ngày càng giảm.
Phân tích của Bộ GD&ĐT cho thấy, khối ngành Công an, Quân đội, Y dược, Luật có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó đến khối ngành Kỹ thuật, Kinh tế, Sư phạm và Tài chính – ngân hàng. Nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư và công nghệ khó tuyển hơn.
Thí sinh thi đại học 2015. Ảnh: Anh Tuấn. |
Khắc phục những bất cập
Bộ GD&ĐT khẳng định, kết quả tuyển sinh năm nay đã phản ánh rõ đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo ra sự phân tầng chất lượng trong số các trường ĐH, CĐ; không phân biệt trường công lập, ngoài công lập, trình độ CĐ hay ĐH.
Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận một số bất hợp lý như công tác truyền thông làm chưa tốt; thời gian xét tuyển NV1 còn dài; quy định về thay đổi nguyện vọng trong đăng ký xuyết tuyển đợt 1 chưa hợp lý...
Bộ GD&DDT cũng khẳng định vấn đề kỹ thuật còn bất cập. Các cơ sở dữ liệu và phần mềm xét tuyển dùng chung, trong khi việc xét tuyển lại diễn ra ở các trường dẫn đến sự bất cập cho cả nhà trường lẫn thí sinh khi thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đây cũng là lý do để một số trường cho rằng Bộ GD&ĐT “ôm đồm” và hạn chế quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.
Những hạn chế này đã được Bộ GD&ĐT khắc phục trong đợt xét tuyển sau. Đồng thời, Bộ cũng tiếp thu ý kiến đánh giá và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã và đang nghiêm túc rút kinh nghiệm để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ cho những năm tới trong lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo.