"Tôi đã làm bánh quy, nó thật mềm. Tôi cứ nghĩ đến bạn", "Nếu muốn, bạn có thể thử chúng", "Nhìn vào cookie của tôi. Mùi hương thật khác, cắn một miếng là không đủ", "Cầm lấy, đừng làm vỡ nó, tôi muốn thấy bạn nếm thử".
Đây là một vài lời hát trong Cookie, single đầu tay của nhóm nhạc nữ NewJeans. Theo công ty quản lý của nhóm ADOR, bài hát dành cho người hâm mộ này "được tạo ra với sự chân thành như nướng một chiếc bánh quy".
Nhiều bình luận đã chỉ trích sự ám chỉ tình dục rõ ràng của Cookie trong văn hóa phương Tây. Theo Urban Dictionary, "cookie" có thể dùng để chỉ cơ quan sinh dục nữ.
Bên cạnh đó, lời bài hát với nhiều ẩn ý được thể hiện bởi những cô gái chưa đủ tuổi thành niên được cho không phù hợp. Thành viên của New Jeans đều là thanh thiếu niên, với người lớn nhất, Minji, 18 tuổi và người nhỏ nhất, Hyein, 14 tuổi.
Thành viên người Việt của nhóm, Hanni, 17 tuổi. Hàn Quốc quy định tuổi trưởng thành hợp pháp là từ 19 tuổi trở lên.
Nhà sản xuất và giám đốc sáng tạo của NewJeans là Min Hee-jin, người từng là giám đốc nghệ thuật tại SM Entertainment, đứng sau thành công của Girls's Generation, SHINee, EXO, f(x) và Red Velvet. Cô tuyên bố sẽ có hành động pháp lý đối với bất kỳ bình luận sai trái hoặc phỉ báng liên quan đến NewJeans.
Các thành viên của NewJeans đều dưới 19 tuổi vào thời điểm ra mắt. |
Ám ảnh về hình tượng Lolita và Shota
NewJeans không phải nhóm nhạc đầu tiên tạo nên tranh cãi xung quanh vấn đề tình dục hóa các idol trong lịch sử Kpop, nơi độ tuổi ra mắt trung bình của các thần tượng là 14, theo Korea JoongAng Daily.
Trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, xu hướng hâm mộ trẻ vị thành niên thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Có thể nhấn mạnh vào độ tuổi dưới 19 của ngôi sao hoặc khiến các idol lớn tuổi ăn mặc, cư xử như trẻ em.
Một khía cạnh khác, mà NewJeans bị cáo buộc, là giới thiệu các thành viên dưới tuổi vị thành niên trong hình tượng quá mức trưởng thành: Mặc quần áo hở hang hoặc bắt họ biểu diễn vũ đạo và lời bài hát có tính chất khiêu gợi.
Mặc dù những biểu hiện này có vẻ khác nhau, nhưng vấn đề cốt lõi đều là tình dục hóa trẻ vị thành niên.
Tiến sĩ Kim Ye-ran, giáo sư ngành truyền thông của Đại học Kwangwoon, người chuyên nghiên cứu về đạo đức và giới tính, cho biết: "Từ thời của bộ đôi Bunny Girls cho đến các nhóm nhạc nữ Kpop ngày nay, luôn có một cảm giác mơ hồ về mong muốn, khao khát đối với các cô gái trẻ trong suốt lịch sử văn hóa đại chúng Hàn Quốc".
Trang phục cắt xẻ của thành viên Yuna (sinh năm 2003) của nhóm ITZY gây tranh cãi. |
"Cách những cô gái trẻ đó được miêu tả thay đổi tùy theo thời đại và các chàng trai cũng bị tình dục hóa theo những cách khác nhau dựa trên định kiến giới".
Tiến sĩ Kim nói thêm sự ám ảnh về tuổi mới lớn có thể thấy trong nhiều nền văn hóa, nhưng điều thú vị trong trường hợp của Hàn Quốc là tình cảm đã được hình thành một cách có hệ thống.
"Tình dục hóa các bé gái được gọi là 'Lolita' và đối với các bé trai là 'Shota'. Những cái tên này bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết năm 1955 của Vladimir Nabokov và văn hóa manga Nhật Bản. Tuy nhiên, việc tình dục hóa tinh vi đã ăn sâu vào Kpop mà không được công chúng biết đến nhiều".
Tiến sĩ Kim lấy ví dụ Kpop đặc biệt yêu thích idol mặc đồng phục học sinh vì đem đến liên tưởng về "những thanh thiếu niên trong sáng, ngây thơ nhưng cũng có sức hấp dẫn về giới tính".
Câu cửa miệng trong chương trình tìm kiếm nhóm nhạc thần tượng Produce 101 là "Hãy bình chọn cho cô gái/ chàng trai của bạn". Điều tương tự cũng xảy ra với Girls Planet 999: The Girls Saga, mặc dù phần lớn thí sinh ở độ tuổi 20.
Kiếm lời từ việc tình dục hóa idol nhỏ tuổi
Trong show sống còn My Teenage Girls (2021) của đài MBC, các thí sinh 11-23 tuổi. Chương trình lấy chủ đề học đường, tương tự như Idol School của Mnet (2017).
Kết thúc show, nhóm nhạc nữ CLASS:y debut với độ tuổi tuổi trung bình là 16. Một thành viên 14 tuổi được mô tả "đang phát triển" và vẫn uống sữa bột từ bình trong chương trình thực tế.
Việc idol Kpop ra mắt khi còn rất trẻ đã trở thành một "điểm cộng" giúp quảng bá hình ảnh nhóm.
Nhiều nhóm nhạc Kpop đề cao sự trẻ tuổi của các thành viên như SHINee (độ tuổi trung bình là 16,8 vào thời điểm ra mắt năm 2008); April (17,5 tuổi vào năm 2015), NCT Dream (15,6 vào năm 2016).
NCT Dream đã vướng vào cuộc tranh cãi vì xây dựng hình tượng Shota trong những ngày mới debut.
Các thành viên nhỏ tuổi chịu trách nhiệm về sự ngây thơ, tươi trẻ của nhóm, song vẫn được kỳ vọng sẽ không khác nhiều so với các đồng nghiệp trưởng thành. Họ cùng mặc những bộ trang phục bó sát, hở hang trên sân khấu và hát những bản tình ca truyền tải tâm tư tuổi trưởng thành.
Thần tượng, diễn viên Kpop bị chỉ trích vì loạt ảnh mô tả họ như những đứa trẻ. |
Giáo sư nghiên cứu văn hóa Lee Gyu-tag của Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết người hâm mộ Kpop không chỉ còn là thanh thiếu niên nữa mà đã mở rộng ra cả những người trong độ tuổi 30-40 và thậm chí lớn hơn.
Rất nhiều người hâm mộ lớn tuổi tự gọi mình là 'fan cô' hoặc 'fan chú' khi nhắc đến những ca sĩ còn rất trẻ. Họ nhấn mạnh rằng mình không bị thu hút bởi những thần tượng kém tuổi vì sự hấp dẫn tình dục, mà coi các idol như con cháu của mình.
"Tuy nhiên ý định thực sự của tất cả 'người cô' và 'chú' đó là gì, sâu bên trong, chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người không nhận ra vấn đề khi một ngôi sao nhỏ tuổi bị tình dục hóa".
Khi độ tuổi ra mắt của các thần tượng ngày càng giảm, ông Lee cho rằng sẽ ngày càng có nhiều nhóm nhạc Lolita hay Shota và những tranh cãi tương tự như NewJeans sẽ càng phổ biến.
Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh rằng những lời chỉ trích nhằm vào việc tình dục hóa trẻ vị thành niên không có nghĩa là trẻ vị thành niên không bao giờ được thể hiện bất cứ điều gì liên quan đến giới tính.
Tiến sĩ Kim cho biết việc miêu tả trẻ em trai và trẻ em gái như người vô tính cũng tạo sự khó chịu. Nhưng các công ty kiếm lời từ chuyện tình dục hóa trẻ vị thành niên trong Kpop rất đáng lưu tâm.
Càng nguy hại hơn khi ở cuộc sống thực, xã hội bảo thủ của Hàn Quốc vẫn quá áp bức đối với thanh thiếu niên và bỏ qua những thực trạng như bạo lực tình dục, bạo hành, ấu dâm trẻ em.
"Thanh thiếu niên thấy các nhóm nhạc mặc đồng phục học sinh giống họ. Các thần tượng biểu diễn bài hát, điệu nhảy mang tính gợi dục cao và được khen ngợi. Điều đó thật mâu thuẫn và khó hiểu đối với thanh thiếu niên trong cuộc sống thực", chuyên gia nhận định.