Điểm chung của những nhóm ra mắt thời gian gần đây ở Việt Nam chính là mô hình và phong cách được xây dựng theo hướng Kpop. Đây là hướng đi tất yếu trong thời điểm những nhóm nhạc Kpop đang đặc biệt được khán giả Việt hâm mộ.
Tuy nhiên, môi trường âm nhạc chưa chuyên nghiệp và phát triển thành một ngành công nghiệp như Hàn Quốc khiến mô hình nhóm nhạc khi ra mắt ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là vấn đề tranh chấp giữa công ty quản lý và ca sĩ.
Ngoại hình quan trọng hơn tài năng
Uni5, nhóm nhạc trực thuộc công ty của Ông Cao Thắng và Đông Nhi vốn ra mắt với đội hình 2 thành viên nhưng mới đây quyết định tuyển thêm 4 người. Con số 6 khiến nhiều người lập tức nghĩ tới các nhóm nhạc Hàn Quốc, bởi đây là đội hình dễ thấy tại đất nước này. Đặc biệt, phong cách của nhóm nhiều lần bị so sánh với B.A.P, một nhóm nhạc theo đuổi hình tượng cá tính, mạnh mẽ.
Không riêng 4 thành viên mới, 2 người trong đội hình ban đầu của Uni5 đều xuất thân là những hot boy có lượt theo dõi lớn trên mạng xã hội. Trong đó, trưởng nhóm Toki là hot boy nổi tiếng Hà Thành với biệt danh Thành Thỏ.
Sự gia nhập của những hot boy, hot girl cũng như sự ra mắt ồ ạt của các nhóm nhạc là điều tất yếu. Bởi, ngoại hình đặc biệt quan trọng trong các yếu tố làm nên thành công của một nhóm nhạc thần tượng như Uni5, Monstar, Lime… của Vpop hay vô vàn cái tên nổi tiếng khác đang hoạt động tại thị trường Kpop.
Các thành viên của Uni5 sở hữu ngoại hình nổi bật và được biết đến trước khi ra mắt. |
Tuy nhiên, liệu các nhóm nhạc thần tượng có thể cân bằng hai yếu tố là tài năng và ngoại hình? Đây là bài toán khó mà ngay cả các công ty Hàn Quốc cũng chưa thể giải quyết, điển hình là trường hợp Twice. Twice sẽ khó lòng nổi tiếng như hiện nay nếu không có đội hình đồng đều, các thành viên đều sở hữu gương mặt xinh đẹp.
Ngoại hình là lợi thế lớn nhất của nhóm nhạc nhà JYP, trong khi đó, vấn đề tài năng lại nhiều lần khiến nhóm bị chỉ trích. Ngay cả hát chính Jihyo và Nayeon cũng chưa thể làm hài lòng khán giả về kỹ năng thanh nhạc.
Nghịch lý này cũng đang tồn tại ở làng nhạc Việt, cụ thể là trường hợp The Air ra mắt cách đây không lâu. The Air được giới thiệu là nhóm nhạc Vpop đầu tiên có thành viên là người Hàn Quốc và Đài Loan. Bên cạnh đó, ngoại hình của nhóm cũng nổi bật và được trau chuốt khoản phục trang.
MV Đừng hẹn ước ra mắt ngày 13/11 đánh dấu sự ra mắt chính thức của nhóm nhạc theo mô hình Hàn Quốc. Tuy nhiên, tương tự nhạc phim Chờ yêu ra mắt trước đó, khi nghe Đừng hẹn ước, nhiều khán giả khuyên nhóm nên trau dồi giọng hát và khả năng vũ đạo.
Lợi thế của một nhóm nhạc chính là các thành viên có thể bổ trợ nhau để bù đắp thiếu sót. Tuy nhiên, một nhóm nhạc mà giọng hát nhạt nhòa, không để lại dấu ấn ngay cả trong bản MV, tức đã qua chỉnh sửa như The Air thì khó có thể tồn tại lâu dài trong thời điểm khán giả có quá nhiều lựa chọn, đặc biệt là từ các ca sĩ nước ngoài.
Phong cách đậm chất Hàn Quốc
Khi quá nhiều nhóm hoạt động với hình tượng đậm chất Kpop, khán giả cũng dần làm quen và chấp nhận điều này. Tuy nhiên, tranh cãi vẫn không tránh khỏi, đặc biệt là trong những trường hợp bị tố đạo nhái.
Thời gian đầu, 365 bị chỉ trích sao chép phong cách của Big Bang. |
Đó là vấn đề 365 từng gặp phải trong ngày đầu ra mắt. Đặc biệt, thời điểm nhóm quảng bá MV Get On The Floor có hình tượng cá tính, kỳ quái, trong khi phong cách này đã trở thành thương hiệu của nhóm nhạc Hàn Quốc, Big Bang, không ít khán giả chỉ trích các chàng trai đạo nhái ca sĩ nước ngoài.
Phải mất một thời gian dài, nhóm mới xây dựng được hình ảnh thực sự khác biệt, đồng thời khẳng định bản thân tuy theo mô hình Kpop nhưng màu sắc vẫn đậm chất Vpop.
Uni5, Lime hay Monstar liệu có thể làm được như đàn anh, khi mà ngay thời điểm ra mắt, các nhóm này đã bị so sánh với đồng nghiệp Hàn Quốc. Thậm chí, Lime còn thừa nhận việc MV đầu tay Take It Slow (Đừng vội) giống sản phẩm Kpop là khó tránh khỏi bởi ê-kíp thực hiện hoàn toàn đến từ Hàn Quốc.
Lùm xùm thu nhập
365 là nhóm nhạc đầu tiên đi theo mô hình Hàn Quốc, tức được đào tạo bài bản, các thành viên có vai trò riêng và phải sống chung một ký túc xá để thường xuyên tập luyện, trao đổi công việc cùng nhau.
Với tư cách là người tiên phong, 365 đã gặt hái nhiều thành công để lớp đàn em học hỏi, đồng thời cũng để lại những bài học cần rút kinh nghiệm. Tranh cãi cát-xê giữa Tronie, người rời nhóm vào năm 2013 với công ty quản lý là một trong số đó.
Thời điểm Tronie quyết định rời nhóm, anh cho biết lý do là bởi mức lương 3 triệu đồng mà công ty trả hàng tháng quá ít ỏi, không đủ để anh sinh sống. Tranh cãi giữa VAA và cựu thành viên 365 kéo dài một thời gian, nhưng vấn đề đáng nói nhất đằng sau đó chính là thu nhập của các thành viên nhóm nhạc trong môi trường giải trí còn nhiều hạn chế như Việt Nam.
Theo một số quản lý cho biết, mô hình nhóm nhạc đòi hỏi số tiền đầu tư rất lớn, bởi đông thành viên kéo theo chi phí ăn uống, giảng dạy, nơi ở, di chuyển, trang phục… Chưa kể, quy trình đào tạo một nhóm nhạc khắt khe hơn khiến số lượng thành viên trong ê-kíp đứng sau hỗ trợ cũng tăng lên. Tuy nhiên, thu nhập trong từng sự kiện không được trả theo số lượng thành viên, thậm chí “cát-xê 4 người chỉ bằng ca sĩ đơn” như O Plus chia sẻ.
Vụ việc giữa Erik và công ty quản lý của Monstar gây xôn xao Vpop dịp đầu năm 2017. |
Theo thông tin đăng bởi báo Herald Economy, một công ty Hàn Quốc sẽ phải đầu tư trung bình 2 tỷ won (hơn 40 tỷ đồng) để bước đầu giới thiệu một nhóm nhạc. Sau đó, công ty sẽ tiếp tục bỏ vốn nhiều hơn vào việc sản xuất sản phẩm mới, marketing, quảng bá cho nghệ sĩ… Do đó, ca sĩ ra mắt nhiều năm vẫn chưa được trả lương là câu chuyện tuy đáng buồn nhưng rất phổ biến ở Hàn Quốc.
Hầu hết nhóm nhạc ra mắt gần đây ở Việt Nam đều đi theo mô hình Hàn Quốc, tức đòi hỏi chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, về khoản thu nhập, thị trường Việt Nam chưa thể sánh bằng Hàn Quốc khi còn nhiều bất cập về vấn đề bản quyền, số lượng chương trình âm nhạc…
Bởi thế, 365 không phải trường hợp duy nhất vướng tranh cãi liên quan đến thu nhập. Đầu năm nay, Erik tuyên bố rời Monstar, đồng thời tiết lộ bấp cập trong vấn đề thu nhập được chia theo tỷ lệ 1:9 giữa anh và công ty.
Thời điểm đó, Erik tố cáo công ty không minh bạch chuyện tiền bạc, lấp liếm vấn đề tài chính, trong khi đó, phía quản lý của anh cũng đưa ra những thông tin để khẳng định con số 1:9 là phù hợp. Mỗi bên có một quan điểm khác nhau nhưng một lần nữa khiến thu nhập trở thành vấn đề nhạy cảm nhất trong các nhóm nhạc.
Uni5 vừa từ 2 lên 6 thành viên, đồng nghĩa chi phí đầu tư cho nhóm tiếp tục tăng lên. Ngoài câu hỏi về phong cách, đường hướng phát triển, thu nhập cũng là vấn đề khiến nhiều công chúng nghi ngại khi nghĩ tới nhóm nhạc có đông thành viên như Uni5.
Liệu tranh cãi có tiếp tục xảy ra khi nhóm nhạc mô hình Kpop ra mắt ngày một nhiều, trong khi thị trường Vpop còn cách xa so với những thành tựu mà Hàn Quốc đạt được.