Ba tháng kể từ khi Cyanogen chuyển từ một nhóm các nhà phát triển để chính thức thành lập và hoạt động theo mô hình công ty. Với số vốn ban đầu là 7 triệu USD, mục tiêu của công ty mới thành lập Cyanogen Inc là biến CyanogenMod trở thành hệ sinh thái di động được ưa chuộng đứng thứ 3 trên thị trường, sau iOS và Android.
Các thành viên của Cyanogen tham vọng biến giao diện của họ trở thành một hệ điều hành riêng. Ảnh: Endadget. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Cyanogen được cài đặt trên hàng chục triệu thiết bị Android. Mới đây, công ty công bố rằng họ đã nhận 23 triệu USD tiền đầu tư từ Andreessen Horowitz. Với số tiền này, Cyanogen tin rằng sẽ mở rộng CyanogenMod lên các thiết bị khác như TV, các thiết bị đeo được (đồng hồ thông minh) và trên cả xe hơi.
Cyanogen đang làm tốt nhiệm vụ của 1 ROM “chế”, đó là vừa làm tốt việc tinh chỉnh Android gọn gàng, hạn chế các ứng dụng rác nhưng vẫn thật hữu dụng cho người sử dụng. Dựa trên Android Kit Kat 4.4, Cyanogen 11 đang hỗ trợ cho nhiều dòng máy Android cập nhật lên Kit Kat 4.4 trong khi chờ bản ROM hoàn thiện từ các nhà sản xuất.
Giám đốc công nghệ Steve Kondik của Cyanogen phát biểu: “Chúng tôi tin rằng các thiết bị mà người tiêu dùng mua không thực sự được thiết kế cho người dùng cuối. Các nhà sản xuất Android chỉ quan tâm đến lợi nhuận, vì vậy, những thiết bị ra đời trước sẽ bị bỏ rơi, không được cập nhật phiên bản hệ điều hành mới để tập trung vào những sản phẩm mới ra mắt. Đây chính là cơ hội cho chúng tôi, cũng như cho người sử dụng”.
Hiện tại, Cyanogen hoạt động như một công ty nhỏ với 22 nhân viên. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Cyanogen, Kirk McMaster cho biết rằng, công ty sẽ mở rộng quy mô trong sáu tháng tới. Họ sẽ tuyển thêm từ 30 đến 50 lập trình viên nhằm phát triển nền tảng di động riêng cho mình, cũng như hỗ trợ người sử dụng Android tốt hơn.
Oppo N1 là smartphone đầu tiên cài đặt sẵn hệ điều hành CyanogenMod khi xuất xưởng. Cyanogen hy vọng sẽ cho ra mắt một hệ điều hành di động mới. Trước đây, việc cài đặt CyanogenMod rất rắc rối và phức tạp với đại đa số người dùng phổ thông. Sau đó với sự ra mắt của CyanogenMod Installer trên Google Play đã giúp việc cài đặt CyanogenMod dễ dàng hơn (CyanogenMod Installer sẽ tự động cài đặt OS mới vào điện thoại mà người dùng không cần phải làm gì cả. Tính năng này thích hợp với người mới không quen với việc mở khoá Bootloader, root máy hay làm việc với Android SDK).
Các giao diện mod của Cyanogen được nhiều người sử dụng. Ảnh: Cnet. |
Tuy nhiên, sau đó Google đã gỡ ứng dụng này ra khỏi Google Store vì vi phạm các điều khoản dịch vụ. Đây có thể coi là cách từ chối lịch sự của Google, vì đơn giản "gã khổng lồ về tìm kiếm" lo sợ việc cài đặt quá dễ dàng của CyanogenMod lên các thiết bị Android dần dần sẽ trở thành đối thủ của chính Google.
Kirk cho rằng, “không phải vì họ vi phạm các điều khoản dịch vụ, mối quan tâm của Google đó người tiêu dùng cài đặt CyanogenMod quá dễ dàng. Người sử dụng chỉ cần tải về CyanogenMod Installer, kết nối thiết bị của họ với một máy tính, vào trang chủ của Cyanogen và sau vài thao tác đơn giản họ đã cài được CyanogenMod.
Phát triển một nền tảng mã nguồn mở rất khó để tạo ra được lợi nhuận. Vì vậy, trước hết Cyanogen cần xây dựng được một số lượng lớn người sử dụng trung thành với mô hình kết hợp miễn phí và trả tiền cho các ứng dụng, tiện ích trong vòng từ 8 đến 12 tháng tới.