Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhóm thanh niên xuống đường Hà Nội giúp dọn dẹp sau bão Yagi

Không hề quen biết nhau hay có kế hoạch từ trước, Duy Tiệp và một số bạn trẻ nhanh chóng hỗ trợ lực lượng chức năng, nhân viên vệ sinh dọn cây gãy đổ sau cơn bão.

"Anh ơi, kéo giúp em cành cây này với".

"Bạn ơi giúp mình đỡ cái này được không?"

"Đợi chút, để mình gọi thêm người phụ".

Rạng sáng 8/9, vài giờ sau khi siêu bão Yagi quét qua Hà Nội, trên một con phố gần chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), một nhóm thanh niên í ới, phụ các công nhân vệ sinh môi trường và lực lượng chức năng dọn các cành cây gãy đổ trên đường.

Phối hợp ăn ý, nhịp nhàng với nhau, song hàng chục nam thanh niên đều chưa từng gặp mặt trước đó, cũng chẳng kịp hỏi tên tuổi, vừa gặp cảnh ngổn ngang đã xắn tay áo vào giúp sức.

Một trong những người có mặt đầu tiên là Trần Duy Tiệp (sinh năm 2006, huyện Sóc Sơn). Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Tiệp cho biết trước sức công phá khủng khiếp của cơn bão lịch sử, nhiều tuyến phố ở Thủ đô bị hư hại, ảnh hưởng giao thông do cây gãy đổ.

"Ngay khi mưa gió vừa ngớt và theo dõi thấy tình hình khả quan, tôi biết các lực lượng chức năng và công nhân vệ sinh môi trường sẽ sớm triển khai công tác dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão. Thấy mình có thể góp sức, tôi liền xách xe xuống đường hỗ trợ trong khả năng của mình", chàng trai sinh năm 2006 nói.

Đêm không ngủ

May mắn nhà cửa không bị hư hại trong cơn bão song gần như suốt đêm 7/9, Tiệp không ngủ để theo dõi tình hình. Anh cũng cho một số người dân thuê trọ gần đó tới trú nhờ.

Chia sẻ về lý do tình nguyện giúp dọn dẹp sau bão, Tiệp cho biết thường thích dạo chơi, chụp ảnh phố phường Hà Nội vào buổi tối và dành nhiều tình cảm cho những con đường Thủ đô. Bản thân có mẹ là nhân viên vệ sinh, Tiệp càng cảm thông cho công việc của những người công nhân môi trường.

"Tôi đã dành cả ngày hôm qua (7/9) để quan sát diễn biến cơn bão. Khi thấy bão đi qua, cảm thấy an toàn rồi, tôi nảy ra suy nghĩ ra đường góp sức gì đó cho Hà Nội, bởi tôi biết ngay từ sớm nay sẽ có rất nhiều người dân cần ra đường, trong khi nhiều tuyến phố bị cây đổ ảnh hưởng giao thông".

Khoảng hơn 1h sáng, Tiệp đăng bài viết chia sẻ ý định lên một nhóm cộng đồng ở Hà Nội. Không đợi có người rủ đi chung, chàng trai mặc áo mưa, bỏ con dao lớn vào túi rồi lái xe ra đường.

"Thực ra tôi không liều lĩnh hay không suy xét kỹ. Thứ nhất, tôi thấy bản thân là thanh niên có sức khỏe, tay lái vững. Tôi đã tới thăm 45/63 tỉnh thành của đất nước, từng chứng kiến bão lũ ở Tà Xùa, Huế, Gia Lai hay Bình Thuận và học hỏi được phần nào các kinh nghiệm xử lý cũng như mường tượng được việc cần làm", Tiệp chia sẻ.

Trên đường tới hồ Tây, Tiệp đã cùng một số tài xế ôtô thu dọn, chặt bớt cành cây gãy đổ để dẹp lối đi. Anh đảm bảo không tự ý làm một mình, luôn đợi có 1-2 người dân phối hợp mới đến gần các cành cây lớn.

Khoảng hơn 3h sáng, Tiệp cùng 3-4 thanh niên trong khu vực hỗ trợ công an phường Thụy Khuê dọn dẹp các tuyến phố. Cứ chốc chốc, có thêm người đọc được bài đăng của Tiệp trên Facebook lại ra giúp hoặc thanh niên sống gần đó đến phụ một tay, con số lên tới hàng chục người.

Kỷ niệm đáng nhớ

Đến khoảng 7h, khi khu vực đã "hòm hòm", mọi người lúc này mới nhìn được rõ mặt nhau, tranh thủ làm quen, người quê Hòa Bình, Hà Tĩnh, người ở Nam Định, điểm chung là đang sinh sống, học tập tại Hà Nội.

"Vài bạn phải tranh thủ về trước cho kịp giờ đi làm, tôi và một số người còn lại được các đồng chí công an khu vực cảm ơn và mời ăn bữa sáng. Họ cũng bất ngờ khi biết chúng tôi không quen nhau, chỉ có chung 'ý tưởng lớn' là muốn giúp sức. Dù gần như cả đêm không ngủ, chúng tôi không thấy mệt mà rất vui", Tiệp kể.

don dep sau bao yagi anh 5

Nhóm thanh niên được các đồng chí công an, cảnh sát khu vực cảm ơn và mời ăn sáng.

Cũng sau cơn bão, chàng trai sinh năm 2006 chia sẻ anh càng cảm nhận được tình người, sự nhiệt tình của người dân ở Thủ đô. Vì ra khỏi nhà vội, Tiệp quên không kiểm tra xăng xe máy nên khi phải đi vòng nhiều do cây đổ, anh sợ hết xăng giữa đường.

Biết tin qua mạng xã hội, một nam thanh niên ở quận Hoàng Mai vượt hàng chục km đến tiếp tế cho Tiệp và vài người khác, sau đó cùng làm với mọi người đến tận sáng.

"Bình thường, khéo mấy anh em chỉ đi lướt qua nhau trên đường, nay nhân sự kiện này lại làm quen, thành bạn bè, đúng là kỷ niệm đáng nhớ".

don dep sau bao yagi anh 6

Tiệp thấu hiểu sự vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường vì có mẹ làm nhân viên vệ sinh.

Sau khi ăn sáng, riêng Tiệp ghé homestay quen trên phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) nghỉ ngơi, tắm rửa, sau đó trở lại đường Phan Đình Phùng phụ dọn dẹp tiếp đến khoảng 10h.

Trong sáng 8/9, nhiều bạn trẻ đọc được bài đăng của Tiệp trên mạng xã hội cũng xung phong hỗ trợ nếu cần. Số khác cho biết được anh truyền cảm hứng đã xuống đường giúp dọn dẹp ngay tại khu phố mình sinh sống.

"Có rất nhiều bạn nhắn tin cho tôi nói rằng trong ngày 8/9 hoặc vài ngày tới, nếu ở khu vực nào cần lực lượng thanh niên giúp sức, họ sẵn sàng tham gia. Tôi rất vui khi thấy mọi người nhiệt tình như vậy", Tiệp bày tỏ.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Dân Hà Nội mở cửa chung cư, biệt thự đón người lạ tá túc trước bão

Trước khi bão Yagi đi sâu vào đất liền, nhiều người dân ở Hà Nội sẵn sàng mở rộng cửa, cho người cần kíp tới trú tạm.

Noi lo cua Jeju hinh anh

Nỗi lo của Jeju

0

Trong bối cảnh nhiều người Hàn Quốc chọn du lịch Nhật Bản thay vì Jeju, hòn đảo này ngày càng phụ thuộc vào du khách đến từ Trung Quốc.

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm