Điện thoại của nhân viên du lịch Dottie Williford không ngừng đổ chuông. Các khách hàng cao cấp của cô ở thành phố Raleigh, tiểu bang Bắc Carolina, đều đang háo hức khám phá thế giới một lần nữa.
Gần đây, Williford thường thức đến nửa đêm để đặt 2 cabin trị giá 20.000 USD trên du thuyền sang trọng đến Bahamas vào tháng 7. Người Mỹ đã cảm thấy an toàn hơn khi đi du lịch gần nhà. Vé đã bán hết trước 9h sáng.
“Mọi người thường không chi hàng chục nghìn đô la để đến Bahamas, nhưng khách hàng của tôi thì có. Những vị trí xa xỉ trên tàu được bán hết đầu tiên”, Williford nói.
Nắm bắt nhu cầu chi tiêu hậu Covid-19, nhiều công ty du lịch tăng gấp đôi các dịch vụ sang trọng để vực dậy kinh tế. Ảnh: Lindblad Expeditions. |
Theo The Washington Post, du lịch xa xỉ bùng nổ là một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy sự gia tăng chi tiêu vừa chớm nở của những người Mỹ giàu có.
Điều này có khả năng khiến cán cân nền kinh tế nghiêng về phía khá giả hơn nữa và làm gia tăng sự chênh lệch vốn đã tăng cao do đại dịch toàn cầu.
Du lịch là món hàng xa xỉ
Sau một năm đại dịch khiến gần một nửa số việc làm biến mất, ngành khách sạn và giải trí đang trở lại.
Sven Lindblad, người sáng lập công ty Lindblad Expeditions, đưa ra kế hoạch biến tuyến du lịch sang trọng, 35 ngày khám phá Nam Cực có giá khởi điểm khoảng 50.000 USD, thành “hành trình du lịch cao cấp đa dạng”.
Ông cho biết nhu cầu về chuyến đi này tăng mạnh vào nửa cuối năm 2021, số lượng đặt trước năm 2022 tăng so với mức trước đại dịch.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tốt để bắt đầu lại. Chúng tôi có nguồn dự trữ tài chính dồi dào, vài công ty mới dưới sự bảo trợ và bộ máy tiếp thị được củng cố rất nhiều để tăng trưởng”, Lindblad cho biết.
Các đối thủ của Lindblad cũng đang có động thái tương tự.
Vista, con tàu sang trọng mới nhất của Oceania Cruises, sẽ ra khơi vào năm 2023. Ảnh: Oceania Cruises. |
Chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới năm 2023 của công ty Oceania Cruises bán hết vé chỉ trong 1 ngày. Giá vé bắt đầu từ 46.000 USD/khách với các dãy phòng hạng sang có giá khoảng 160.000 USD.
“Chúng tôi tin rằng thành tích này, cùng với nhiều hồ sơ đặt chỗ được công bố gần đây, chứng tỏ nhu cầu dồn nén về những chuyến đi xa sau khi ảnh hưởng của đại dịch giảm xuống”, Frank Del Rio, Giám đốc điều hành của công ty, nói.
Anthony Capuano, Giám đốc điều hành của công ty Marriott, cho biết lượng đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Dorado Beach ở Puerto Rico vừa đạt mức cao nhất mọi thời đại. Theo ông, đó là dấu hiệu khác cho thấy du lịch cao cấp đang phục hồi.
Du lịch cao cấp đang phục hồi ở Mỹ hậu Covid-19. Ảnh: Shutterstock. |
“Hậu đại dịch sẽ chứng kiến xu hướng phát triển sản phẩm và dịch vụ mạnh mẽ đối với dân số giàu có nhất, so với những người không có đủ điều kiện đi du lịch”, Robertico Croes từ Viện Nghiên cứu Du lịch tại Đại học Trung tâm Florida nói.
“Du lịch vốn dĩ là món hàng xa xỉ”, ông nhận định.
Nghỉ dưỡng riêng tư lên ngôi
Ngoài du lịch, Mỹ đang trong giai đoạn bùng nổ second-home (bất động sản được thiết kế theo mô hình vừa để nghỉ dưỡng, vừa đầu tư thu lời).
Theo phân tích của các nhà kinh tế tại công ty môi giới bất động sản quốc gia Redfin, nhu cầu về biệt thự nghỉ dưỡng tăng hơn gấp đôi trong thời gian đại dịch, tăng 178% vào tháng 4, 48% vào tháng 5 so với một năm trước đó.
“Những người Mỹ giàu có đang tận dụng lãi suất thế chấp thấp, nhu cầu về biệt thự nghỉ dưỡng ở mức cao nhất mọi thời đại, trong khi giá cả tăng vọt đẩy quyền sở hữu nhà ra xa tầm với của những người phải vật lộn trong đại dịch”, Daryl Fairweather, nhà kinh tế trưởng tại Redfin, nói.
Các nhà kinh tế của Redfin cho biết nhìn chung, doanh số bán nhà sang trọng tăng 26% trong 3 tháng (tính đến tháng 4) so với cùng thời điểm năm ngoái.
Ngôi nhà ở thành phố South Lake Tahoe (bang California) được rao bán trên trang web của công ty Pacaso. Với hơn 600.000 USD một chút, người mua sẽ sở hữu 1/8 bất động sản. Ảnh: Pacaso. |
Pacaso, công ty khởi nghiệp ở San Francisco tập trung vào việc mua chung các biệt thự nghỉ dưỡng, được ra mắt vào mùa thu năm ngoái và định giá hơn 1 tỷ USD, theo nhà cung cấp dữ liệu vốn tư nhân PitchBook.
Với chi phí dao động 200.000-2 triệu USD, người dùng Pacaso có thể mua 1/8 công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm soát biệt thự, cabin hoặc bungalow tại các thị trường như Palm Springs, Malibu (California) hoặc thành phố Park (Utah).
Để đổi lấy việc giảm giá mua 12%, công ty sẽ lo việc bảo trì, trang bị nội thất và logistics, trong khi các chủ sở hữu được chia sẻ khấu hao của ngôi nhà và có thể đặt phòng bằng ứng dụng.
Cơn sóng thần mua sắm hàng xa xỉ
Kayla Marci, nhà phân tích thị trường tại công ty dữ liệu bán lẻ EDITED, cho biết làn sóng chi tiêu mạnh tay đang truyền sức sống mới vào các hãng thời trang xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton.
Theo Marci, giá trung bình của đồ trang sức cao cấp tăng từ khoảng 1.500 USD vào năm 2020 lên 2.360 USD vào năm 2021, tức tăng 57%. Túi xách tăng 10%. Áo tăng 15% lên mức trung bình là 1.166 USD. Nhiều mặt hàng được bán hết sạch.
“Giá cả đang tăng. Chúng tôi cũng đang chứng kiến những thị trường đại chúng điều chỉnh giá phù hợp với sự sang trọng hoặc mở rộng việc cung cấp các sản phẩm cao cấp”, bà nói.
Nhu cầu mua sắm thời trang xa xỉ cũng gia tăng hậu Covid-19. Ảnh: Mike Segar/Reuters. |
J.Crew, nhà bán lẻ nổi tiếng của Mỹ, hướng tới các mức giá xa xỉ và đồng hồ đẹp mắt. Giá hàng hóa đắt nhất của họ trong 3 tháng (tính đến tháng 5) tăng khoảng 158% so với các mặt hàng mới hàng đầu trong 3 tháng tương đương của năm 2019, theo EDITED.
Nhà sản xuất thời trang nhanh Nhật Bản Uniqlo cũng chuyển sang lĩnh vực bán lẻ cao cấp với các đối tác thiết kế. Gần đây, hãng giới thiệu các mặt hàng cao cấp trị giá hơn 100 USD so với bất kỳ sản phẩm nào được họ ra mắt trong giai đoạn tương tự của năm 2019 hoặc 2020, theo EDITED.
Deirdre Quinn là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Lafayette 148 New York.
Khi đại dịch xảy ra, hoạt động kinh doanh sụt giảm, Quinn lùi lại và tìm kiếm cơ hội. Kết quả là với giá bất động sản thương mại giảm, công ty cô đã mở thêm 13 cửa hàng trên toàn cầu. Trong 3 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ tăng 30% so với mức trước đại dịch.
Chi nhánh Lafayette 148 ở thành phố Miami (Florida) là một trong 13 cửa hàng bán lẻ mà công ty mở trên toàn cầu sau khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Lafayette 148 New York. |
Một số khách hàng của Quinn gọi đó là “sự quyến rũ trả thù”. Sau hàng năm trời ở nhà mặc quần áo tùy ý vì dịch, nhiều người nôn nóng muốn thể hiện với thế giới rằng mình trông đẹp hơn bao giờ hết.
Một lĩnh vực khác mà những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ chi tiêu nhiều hơn đáng kể là giáo dục của con cái.
Các gia đình giàu có dốc tiền cho việc dạy kèm đặc biệt, các hoạt động sau giờ học và học ở trường tư trong nỗ lực giúp con cái họ có lợi thế để vào đại học. Đại dịch đã đẩy xu hướng này đi xa hơn.
Theo The Washington Post, sự gia tăng của nền giáo dục xa xỉ là dấu hiệu khác cho thấy nếu không có những thay đổi đáng kể trong việc hỗ trợ tầng lớp hạ và trung lưu, sự bất bình đẳng kinh tế có thể còn kéo dài trong nhiều thế hệ.