Theo các chuyên gia khảo sát, phụ nữ thường ám ảnh bất an ở chốn phòng the khi già đi. Họ phát hiện, phái yếu tự tin về giới tính nhất ở độ tuổi từ 21-30 tuổi, khi họ tràn đầy năng lượng và hài lòng với cơ thể của mình nhất.
Một thập niên sau đó, sự lạc quan này bắt đầu bị xói mòn, với hơn 1/4 số phụ nữ trong độ tuổi từ 41-45 tuổi coi đây là những năm tháng tồi tệ nhất trong đời sống tình dục của họ. Thay vì cảm thấy cuộc sống chăn gối thực sự bắt đầu ở tuổi 40, trong thực tế, các chị em trong nhóm tuổi này luôn cảm thấy lo âu, kém hấp dẫn và không ham muốn "chuyện ấy".
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không nhận ra, các triệu chứng của mình thực sự là dấu hiệu đầu tiên của quá trình mãn kinh đang tới. Các chuyên gia nói, khoảng thời gian này được gọi là thời kỳ tiền mãn kinh, giai đoạn chuyển tiếp tới thời điểm một người phụ nữ có kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mình và không còn khả năng sinh sản nữa.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, hơn 1/3 số phụ nữ hiện đang bước vào thời kỳ tiền mãn kinh khi mới 40 tuổi. Điều này đồng nghĩa, một số chị em đang mất trung bình 10-20 năm chịu đựng hàng loạt triệu chứng như nóng bừng bất chợt, mất ngủ, thay đổi tâm trạng thất thường, lo âu, trầm cảm, sưng khớp và bàng quang yếu.
Nhiều phụ nữ trong độ tuổi 40 bắt đầu cảm thấy thiếu hụt năng lượng, không còn nhu cầu tình dục và chán ghét cơ thể mình. Đây là các thủ phạm khiến "chuyện ấy" bị loại bỏ khỏi chương trình hoạt động hàng ngày của họ.
Điều đáng ngạc nhiên là, gần một nửa số phụ nữ không hay biết về thời kỳ tiền mãn kinh và đa số họ luôn âm thầm chịu đựng các triệu chứng, với 78% số chị em thậm chí không thảo luận về chúng với nhưng người phụ nữ khác.
Các chuyên gia cho rằng, phụ nữ cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức để vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh, nhằm tránh "một thập niên lo âu và trầm cảm". Họ cũng được khuyến khích tham vấn bác sĩ chuyên khoa, để tìm ra các giải pháp phù hợp nhất.