Ngày 24/3/2022, Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Đến nay, sau tròn một năm bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố một số người là đồng phạm giúp sức và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của bà Hằng.
4 người bị cáo buộc giúp sức cho bà Phương Hằng
Theo hồ sơ, khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi livestream, bà Phương Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của một số người như nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Vy Oanh và bà Hàn Ni... Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin mà bà đã phát ngôn về các cá nhân trên là do bà đọc trên mạng Internet và nằm mơ... chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ.
Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt hồi tháng 3/2022. Ảnh: Công an cung cấp. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM sau đó khởi tố bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của bà Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty Cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các bị can này bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục nhiều lần, trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận xã hội.
Việc giúp sức thể hiện qua việc tạo lập, quản lý các trang mạng xã hội; đăng tải thời gian, chủ đề livestream lên trang mạng xã hội; kết nối các tài khoản mạng xã hội vào Internet, chuẩn bị sân khấu để bà Hằng livestream; đăng tải nội dung xúc phạm trên trang cá nhân và phục vụ hoàn toàn cho Nguyễn Phương Hằng khi Nguyễn Phương Hằng trực tiếp livestream phát ngôn xúc phạm cá nhân.
Đến ngày 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) về cùng hành vi trên. Cơ quan điều tra xác định ông Quân có vai trò đồng phạm trong vụ án Nguyễn Phương Hằng. Công an xác định ông Đặng Anh Quân là khách mời, xuất hiện ở 11 buổi livestream của bà Hằng, từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022.
Công an TP.HCM đã thực hiện giám định các lời nói của ông Đặng Anh Quân và những người khác trong các livestream. Trong đó, có 23 trang tài liệu thể hiện phát ngôn của ông Quân có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của người khác.
2 người bị bắt theo đơn tố cáo của bà Phương Hằng
Mở rộng vụ án, ngày 24/3, Công an TP.HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Đặng Thị Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Theo Công an TP.HCM, trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan điều tra xác định bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Công an đọc lệnh bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni. Ảnh: Công an cung cấp. |
Ngoài ra, sau khi bà Phương Hằng bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Quang Tuấn (32 tuổi, con trai bà Hằng) đã có đơn tố giác hơn 30 cá nhân về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân bà Phương Hằng.
Ngày 21/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM có giấy triệu tập ca sĩ Vy Oanh đến làm việc về đơn của ông Tuấn. Tuy nhiên, theo luật sư bảo vệ cho Vy Oanh, nữ ca sĩ đã gửi đơn khiếu nại về việc triệu tập này và không đến làm việc theo lịch ấn định vào sáng nay (24/3).
Trong động thái liên quan, ngày 23/3, ông Nguyễn Quang Tuấn có đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM xin bảo lãnh cho bị can Nguyễn Phương Hằng được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại.
Trước đó, ông Tuấn nhiều lần gửi đơn xin được bảo lãnh cho mẹ được tại ngoại và xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, hôm 21/2, ông Tuấn có đơn đề nghị cơ quan tố tụng không giám định tâm thần đối với bà Hằng khi nghe thông tin một số người thân nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan điều tra, VKS trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Hằng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…