Tối 31/12, Bộ Công an thông tin về việc khởi tố thêm hàng loạt bị can liên quan vụ thổi giá kit xét nghiệm SARS-CoV-2 gây bức xúc dư luận, xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan.
Ngoài Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Việt Á), 18 bị can còn lại gồm lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng loạt giám đốc; cán bộ, nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật một số tỉnh và đơn vị liên quan.
Vụ án trên đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.
Vụ trưởng, vụ phó và nhiều giám đốc CDC vướng lao lý
Sau khi Bộ Công an công bố các quyết định khởi tố, danh sách bị can bị Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) điều tra, áp dụng biện pháp tố tụng khiến ngành y tế cả nước xôn xao.
Theo đó, cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Vụ trưởng Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can Nguyễn Minh Tuấn (trái), Nguyễn Nam Liên (giữa) và Trịnh Thanh Hùng. Ảnh: Bộ Công an. |
Ba giám đốc CDC bị khởi tố gồm Phạm Duy Tuyến (Hải Dương), Nguyễn Văn Định (Nghệ An) và Nguyễn Thành Danh (Bình Dương). Những bị can còn lại là các cựu cán bộ CDC 3 tỉnh này, 2 phó giám đốc Công ty Việt Á Vũ Đình Hiệp, Lê Trung Nguyên cùng một số thuộc cấp của Phan Quốc Việt. Họ bị buộc tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp bị khởi tố bổ sung tội Đưa hối lộ. Còn Phạm Duy Tuyến bị khởi tố thêm tội Nhận hối lộ.
Bộ Công an xác định 19 bị can trên liên quan đến những sai phạm trong quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học về sản phẩm kit xét nghiệm tại Bộ KH&CN và việc cấp phép lưu hành kit, hiệp thương giá sản phẩm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Quá trình điều tra cũng xác định một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An, Bình Dương, Hải Dương đã thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt và nhân viên Việt Á, Công ty VNDAT, tổ chức đấu thầu mua vật tư chống dịch, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Việt Á bán kit xét nghiệm như thế nào?
Bộ Công an làm rõ đầu năm 2020, Bộ KH&CN quyết định phê duyệt đề tài về bộ sinh phẩm realtime RT-PCR và RT-PCR phát hiện virus Corona do Học viện Quân y chủ trì thực hiện.
Tháng 4/2020, Bộ Y tế cấp phép sản xuất và lưu hành kit xét nghiệm SARS-CoV-2. Đây cũng là thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm, sử dụng thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế trở nên cấp bách hơn.
Bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á sản xuất. Ảnh: H.T. |
Theo cáo buộc, Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test của các địa phương trên cả nước, lợi dụng việc sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, đã chủ động cung ứng thiết bị trước cho các bệnh viện, CDC nhiều địa phương sử dụng trước.
Sau đó, Công ty Việt Á lấy pháp nhân trong hệ thống như công ty liên danh, công ty con lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống báo giá để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng và thanh quyết toán theo giá do Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá sản xuất. Cuối cùng, Phan Quốc Việt thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế và đơn vị liên quan nhằm hợp thức hồ sơ chỉ định thầu.
Bị can Vũ Đình Hiệp còn khai trong quá trình bán kit, Phan Quốc Việt đã lập nhiều tài khoản đứng tên các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể để chuyển tiền giao dịch dưới hình thức mua trang thiết bị, nguyên vật liệu, sinh phẩm. Điều này giúp các hợp đồng của Việt Á không bị cơ quan chức năng phát hiện.
Hối lộ hàng chục tỷ đồng
Trả lời Zing tại họp báo cuối năm 2021 về nguyên nhân Việt Á bán được kit xét nghiệm đến 62 tỉnh thành trên cả nước, thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (Phó cục trưởng C03) cho biết Việt Á đã bán trực tiếp hoặc tiêu thụ gián tiếp thông qua trung gian, nhà tài trợ.
Kết quả điều tra cho thấy để được cung ứng số lượng lớn kit xét nghiệm và thiết bị khác nhằm tăng doanh thu, tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ thầu, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận chi "hoa hồng" với số tiền rất lớn cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị mua hàng của Việt Á.
Từ trái qua: Phan Quốc Việt, Phạm Duy Tuyến, Nguyễn Văn Định và Nguyễn Thành Danh. Ảnh: Bộ Công an. |
Để thu lời bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và nhóm thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào để cơ cấu giá ở mức 470.000 đồng/kit.
Tại CDC Hải Dương, cơ quan điều tra làm rõ Việt ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với tổng trị giá 151 tỷ đồng. Theo cáo buộc, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp đã chi "lại quả" ngoài hợp đồng, đưa hối lộ cho ông Phạm Duy Tuyến với số tiền 27 tỷ đồng.
Một nhân viên khác của Việt Á cũng thừa nhận công ty đã chi rất nhiều tiền cho CDC Nghệ An và nhiều bệnh viện trên cả nước. Số tiền chuyển bao nhiêu phụ thuộc lượng hàng đặt, ít khoảng 500 triệu đồng, nhiều khoảng 100 tỷ đồng.
Trước khi bị khởi tố, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định từng nói ông và cấp dưới không nhận bất cứ số tiền “lại quả” nào từ doanh nghiệp. Còn tại Bình Dương, từ tháng 7 đến tháng 9, Công ty Việt Á được cho là đã trúng nhiều gói thầu cung ứng kit xét nghiệm với tổng giá trị trên 40 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing sau khi Bộ Công an khởi tố nhiều bị can liên quan đại án ở Việt Á, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nhấn mạnh trong lúc cả nước đối mặt với dịch bệnh thì các bị can cố tình lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm. Đánh giá trách nhiệm trong quản lý của Bộ Y tế là rất lớn, ông Long kiến nghị các cơ quan tố tụng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong ngành y tế.
Còn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/12, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị làm rõ trách nhiệm của một số bộ và xử lý nghiêm, công khai kết quả. Theo ông, ở nhiều địa phương giá đấu thầu rất cao với khoảng 500.000 đồng/kit khiến dư luận rất bức xúc.