Đi qua con phố nhỏ ở khu Nogosan-dong, phía tây Seoul, nhiều người có thể tình cờ gặp những ngôi nhà nhỏ với chiếc khay đựng thức ăn cho mèo đặt trước cửa, bên cạnh ghi dòng chữ: “Bữa tối nhỏ dành cho mèo hoang. Những vị khách quen của chúng tôi sẽ ghé thăm một chút, dùng bữa rồi rời đi. Xin đừng để ý đến chúng”.
Nếu được hỏi những người chuẩn bị khay thức ăn đó là ai, nhiều người Hàn Quốc sẽ có chung câu trả lời: những “bà mẹ mèo”, theo Korea Herald.
Đây là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để chỉ những người, chủ yếu là phụ nữ, cung cấp thức ăn và nơi ở cho mèo hoang. Những người này cũng là chủ đề tranh luận sôi nổi ở Hàn Quốc, khi tình yêu dành cho mèo hoang của họ thường dẫn đến xung đột với hàng xóm về tiếng ồn và lo ngại rủi ro sức khỏe cộng đồng liên quan đến loài vật có lông.
Tranh cãi
Gần đây, một bài đăng trên mạng xã hội phàn nàn về những “bà mẹ mèo” biến bãi đậu xe dưới tầng hầm một tòa chung cư thành nơi ở cho hàng chục con mèo hoang đã lan truyền chóng mặt.
Bài đăng còn kèm theo hình ảnh tờ thông báo yêu cầu cư dân không làm phiền hoặc gây tổn thương những con mèo khi đậu xe và yêu cầu những người không thích mèo đỗ xe ở nơi khác.
Phần lớn phản hồi về bài đăng này là tiêu cực, cho rằng người được nhắc đến coi trọng những con mèo hoang hơn cư dân tòa nhà. Một số nhận xét người đó nên có trách nhiệm không để tình yêu mèo của mình làm ảnh hưởng đến người khác và hãy nuôi chúng trong nhà riêng như thú cưng.
Mèo hoang xuất hiện ở nhiều khu vực công cộng như đường phố, công viên ở các thành phố lớn Hàn Quốc. |
Tháng trước, Văn phòng quận Buk-gu ở Daegu đã tiến hành một cuộc chiến nhỏ chống lại các điểm cho mèo hoang ăn trái phép ở các công viên và khu vực có cây xanh. Người vi phạm có thể bị phạt lên tới 5 triệu won (2.300 USD).
Ở Nogosan-dong, nơi vấn đề này không quá nghiêm trọng, cũng phát hiện một điểm cho mèo ăn trái phép trong một công viên, bên cạnh là một đống phân mèo nhỏ.
“Thật kinh hoàng khi họ (những bà mẹ mèo) tạo ra đống lộn xộn như vậy ở khu vực công cộng và rồi sau đó còn chẳng dọn dẹp”, Lee (20 tuổi, sinh viên), sống gần công viên, bức xúc.
Những người phản đối các “bà mẹ mèo” nói rằng việc cho mèo hoang ăn sẽ dẫn đến việc đám mèo tập trung tại các khu vực cụ thể, gây ra tiếng ồn và tình trạng lộn xộn.
“Thành thật mà nói, tôi hơi sợ mèo. Tiếng kêu của chúng vào ban đêm nghe ghê như tiếng trẻ sơ sinh hoặc phụ nữ đang khóc. Tôi chỉ mong khu phố mình sống không có mèo hay ‘mẹ mèo’”, Cho Min-jung, giáo viên sống ở Anyang, tỉnh Gyeonggi, cho biết.
Sự ác cảm dành cho mèo và những người chăm sóc chúng ở một số người thậm chí còn mạnh hơn.
Những người yêu mèo đặt các bát nước, thức ăn cho mèo hoang gây tranh luận. |
Ngày 6/6, một tòa án ở Busan đã phạt người đàn ông trong độ tuổi 60 một triệu won vì gây thương tích cho một “bà mẹ mèo” vào năm 2021. Người đàn ông vừa tấn công người phụ nữ trong bãi đậu xe ở Busan vừa hét lên: “Cô không nên cho mèo hoang ăn” và đẩy nạn nhân nhiều lần.
Người phụ nữ được cho là đã cho mèo hoang ăn ở bãi đậu xe nói trên trong 3,5 năm. Bị cáo khai rằng ông gặp căng thẳng vì tiếng ồn lũ mèo phát ra hàng ngày.
Năm ngoái, một người đàn ông cũng bị ghi lại cảnh phá hủy một điểm cho mèo hoang ăn tại công viên ở Jungnang-gu, Seoul, ném hộp đồ ăn - có 2 con mèo bên trong - xuống đất và quẳng đồ vật vào những "bà mẹ mèo" phản đối. Cảnh sát cho biết người này có thể bị truy tố vì hành vi bạo lực, gây thiệt hại tài sản và vi phạm Đạo luật Bảo vệ Động vật.
Người đàn ông và nhóm bảo vệ quyền động vật Hàn Quốc (KARA) đưa ra các tuyên bố trái ngược nhau. Trong khi người đàn ông cho hay những con mèo hoang mà điểm cho ăn này thu hút về đã làm hỏng xe của anh ở bãi đậu liền kề, KARA nói đám mèo vô can vì điểm cho ăn nằm ở một khu riêng biệt.
Tình yêu dành cho mèo
Mặc kệ nhiều ý kiến phản đối, không ít người yêu mèo vẫn tìm cách thể hiện tình yêu dành cho loài động vật này trong khuôn khổ luật pháp và cân nhắc không làm ảnh hưởng đến người xung quanh.
Ở Nogosan-dong, một điểm cho mèo ăn được đặt trước cửa nhà một "bà mẹ mèo", vài điểm khác cũng để ở nơi thuộc tài sản tư nhân.
"Những con mèo sống ở đây được người dân khu này chăm sóc. Để đường phố sạch sẽ và vì sức khỏe của những con mèo, đừng cho chúng ăn hoặc chạm vào chúng", tấm biển đặt cạnh một điểm cho mèo ăn viết. Xung quanh nơi này cũng được chủ nhân ngôi nhà gần đó dọn dẹp, không xuất hiện tình trạng lộn xộn.
"Đôi khi mèo gây khó chịu vì chúng kêu vào ban đêm nhưng mọi chuyện không đến mức quá tệ", một phụ nữ 73 tuổi cho biết, ngụ ý không phải hoạt động nào của các "bà mẹ mèo" cũng gây khó chịu.
Tấm biển lưu ý người dân không tự ý cho mèo hoang ăn vì đã có người chăm sóc chúng. |
Năm 2020, một nhóm người yêu mèo đã khởi động dự án giải cứu những con mèo hoang ở Imun-dong, Seoul. Nhóm cho biết đã gom hơn 100 con mèo và gửi chúng cho những người nhận nuôi.
Ngoài ra, trọng tâm hoạt động của nhóm và nhiều người yêu mèo khác còn là bắt, đem thiến và thả lại mèo hoang vào môi trường (được gọi tắt là TNR). Điều này nhằm đảm bảo số lượng mèo ở một số khu vực nhất định không vượt khỏi tầm kiểm soát và phản bác lập luận của những người phản đối rằng hoặt động của họ thu hút quá nhiều mèo.
Một số "bà mẹ mèo" cũng cho rằng hoạt động của mình có lợi cho cộng đồng vì TNR và chăm sóc mèo bị bệnh có thể giúp ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng nên có các bà mẹ mèo để chăm sóc số lượng mèo hoang ngày càng tăng. Chỉ cho chúng ăn không bao giờ là đủ. Ngoài ra cần phải làm TNR để khiến mèo ít đánh nhau hơn tại các điểm cho ăn và ít gây tiếng ồn hơn”, một "bà mẹ mèo" viết.
"Tất nhiên, cũng có những người chỉ cho mèo ăn mà không hỗ trợ TNR hoặc cự cãi lại những người hàng xóm phàn nàn về tiếng ồn hay cho mèo ăn ở khu vực nhà người khác. Việc xây dựng các điểm cho ăn cần được sự đồng ý của hàng xóm và nên đặt ở nơi ít gây ảnh hưởng đến họ nhất. Mọi người cũng có thể thường xuyên đổi địa điểm để mèo hoang không tụ tập quanh một nơi cụ thể".