Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bác sĩ đi tìm bệnh nhân

Có một loại bệnh mà bác sĩ phải đi tìm bệnh nhân, phải năn nỉ thuyết phục họ chữa bệnh miễn phí mà còn bị chửi, bị đuổi ra khỏi nhà, bệnh nhân còn dọa tự tử vì không muốn sống nữa.

Thế nhưng, những thầy thuốc mang trên mình chiếc áo bluse trắng với lời nhủ “thầy thuốc như mẹ hiền”đã khiến họ vượt qua để đến bên bệnh nhân phong, kéo họ trở về cuộc sống để họ vẫn còn thấy ánh sáng nơi con đường tối.

Nỗi đau cùng mùa trăng

Thi sĩ của Trăng - Hàn Mặc Tử phiêu linh cùng căn bệnh này. Đó là sự thi vị hiếm có của thi ca thoát tục, còn trong thân xác hình hài con người mang nỗi đau tận cùng như rút xương, cắt thịt thì bệnh phong đi cùng nỗi ám ảnh những mùa trăng. Ông Nguyễn Văn Giả, 94 tuổi, đã 70 năm ở Trại phong Di Linh trầm ngâm kể: “Tôi ở Huế, sống bằng nghề thợ may, khi tôi 24 tuổi mắc bệnh phong đau nhức, cứ trời mưa, trăng tròn nhức lắm, lâu dần bị co quắp chân tay, cụt chân trái đến gối do lỗ đáo. Tôi sống ở đây được chăm sóc, tắm rửa, ăn uống rất tốt”.

Ông Vũ Đình Thạc, 76 tuổi, nhớ mình ở Lâm Hà nhưng đã sống ở Khu điều trị phong Di Linh 40 năm, đã từ lâu không có người thân đến thăm dù ông vẫn nhớ đứa con cả. Bác sĩ nói ông mắc 4 bệnh: phong, bạch tạng, viêm da cơ địa, động kinh gây méo miệng. Ông nói: “Tôi quen sống ở đây như ở nhà. Nhà bếp nấu cơm cho ăn, được chăm sóc vết thương, băng bó, tôi không muốn về nhà làm phiền con cháu, về không có tiền mua thuốc men, đủ thứ bệnh này, bệnh kia nên ở đây là nhà”.

BSCKII Nguyễn Quốc Minh khám cho bệnh nhân phong 94 tuổi bị tàn tật nặng để chuẩn bị mổ lỗ đáo.

Tôi biết những người già ở đây phải chiến đấu với bệnh phong cả đời chỉ vì phát hiện bệnh muộn, phải trải qua hàng chục lần mổ lỗ đáo, phẫu thuật chỉnh hình phong, thương tích đầy mình không thể lao động và tự phục vụ được. Vì vậy, những người càng trẻ, phát hiện điều trị bệnh càng sớm thì khả năng bảo toàn hình hài lành lặn rất quý. Đó là lý do bác sĩ phải đi tìm bệnh nhân phong để chữa trị.

BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng cứ xuýt xoa trước bệnh nhân trẻ tuổi, “nếu phát hiện sớm điều trị kịp thời thì khả năng lao động vẫn rất tốt”. Tôi lắng nghe câu chuyện của em K’Tuyên, 21 tuổi, nhà ở Lộc Thắng (Bảo Lâm): Em học đến lớp 5 thì nghỉ, ở nhà lớn một chút thì làm vườn. Chân em lúc đầu đau, đi mổ khỏi rồi tái đi, tái lại. Năm 17 tuổi phát hiện mắc bệnh phong, em đến ở Khu điều trị phong Di Linh. Chân trái của em vừa được bác sĩ mổ lỗ đáo lần thứ ba rồi. Tại đây em tìm được hạnh phúc với người chồng cũng là một bệnh nhân phong đã điều trị khỏi.

Nhìn những bệnh nhân phong tàn phế nặng, tôi chợt cảm chất thơ đi từ lãng mạn đến siêu thực của Hàn Mặc Tử đau đớn đến rụng rời, chơi vơi bay bổng kêu gào giữa không trung; như làn khói hương phảng phất của đoàn viếng mộ Linh mục Jean Cassaigne trong chiều nắng hè Di Linh, chợt thấy cõi người chìm nổi, vũ trụ bao la và những thân xác, linh hồn được cứu rỗi. Ngược thời gian, năm 1927, một linh mục người Pháp là Cha Jean Cassaigne trong lúc đi thăm một làng người dân tộc thiểu số, khi đi ngang qua một khu rừng, ngài gặp những người bị lở loét, cụt rụt, mặt dị dạng, bốc mùi và đã đem họ về chăm sóc. Cha Jean Cassaigne đã chọn một khu đất dưới chân đồi cất những mái nhà tranh đơn sơ để các bệnh nhân phong đến chung sống và một mình ông đứng ra làm một nhà phát thuốc, trực tiếp hàng ngày băng bó săn sóc cho những người cùi mà người đời xa lánh không dám đến gần.

Dấn thân vì người bệnh

Từ công cuộc phòng chống bệnh phong, Lâm Đồng xuất hiện Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới - Seour Mai Thị Mậu, mà nhiều người nói bà xứng đáng được phong anh hùng 2 lần vì đã dành cả cuộc đời gắn bó chăm sóc điều trị cho bệnh nhân phong và tạo dựng cuộc sống hạnh phúc ấm no cho 152 hộ gia đình bệnh nhân phong trên vùng đất cao nguyên Di Linh này. Tôi nhớ mãi lời phát biểu của Seour Mậu trong buổi lễ tổng kết công tác loại trừ bệnh phong tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010-2014, xin ghi lại để nhớ về những điều không được lãng quên: “Trong 86 năm qua, từ khi thành lập trại phong năm 1929, biết bao tấm gương đã hết lòng yêu thương, tận tâm phục vụ, chăm sóc, điển hình như BS. Trần Hữu Ngoạn - Giám đốc Khu điều trị phong Quỳnh Lập, đã lấy vi khuẩn Hansen chích vào mình để kiểm tra sự lây lan của bệnh. Cha Jean Cassaigne cũng đã hy sinh tuổi xuân 32 tuổi đời để chăm sóc sức khỏe và đời sống cho người bệnh. Sau 27 năm Cha phục vụ người bệnh phong ở Di Linh, Cha đã mắc bệnh phong, từ đây Cha đã sống và ở giữa họ như một người cha hiền và còn biết bao người đã và đang cống hiến cho việc chăm sóc bệnh nhân phong. Họ là những tấm gương cho những người làm công tác chăm sóc bệnh nhân phong: chữa lành bệnh tật làm giảm bớt những thương tích và những tàn phế do căn bệnh để lại. Họ mời gọi chúng ta là những cán bộ nhân viên trong ngành y tế: “Hãy dấn thân tích cực hơn nữa để chăm sóc và loại trừ bệnh phong trên toàn quốc, cũng như trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.

Các bác sĩ chuyên khoa thăm khám cho bệnh nhân phong tại nhà ở Lộc Thắng - Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Dường như cái nắng hạn của cao nguyên đất đỏ không ngăn được bước chân của các bác sĩ đến nhà bệnh nhân phần lớn là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Nhưng chuyến thăm bị gián đoạn khi các bác sĩ kiên quyết không cho tôi và nhà Đài tiếp tục đi cùng vì đã sắp đến thăm một địa chỉ bệnh nhân hay chửi! Bỏ chúng tôi lại bên đường nhâm nhi cà phê, còn các bác sĩ thì tự mình vào đó như đang bước vào một cuộc chiến. Khi quay ra đón chúng tôi, BS. Nguyễn Văn Chất - Đội trưởng Đội Y tế dự phòng của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm phân trần: “Có một số ít bệnh nhân khi đã chẩn đoán mắc bệnh phong, họ chưa hiểu hết về bệnh tật nên mặc cảm, giấu bệnh; khi phát hiện ra bệnh rồi họ không hợp tác và không cho rằng mình bệnh phong cùi mà là bệnh khác, thành ra y tế gặp những ca này rất khó khăn. Riêng Bảo Lâm có 1 ca như vậy, bệnh nhân (ngoài 30 tuổi) bị thể nhiều khuẩn, tổn thương thần kinh, mắt, tai, cổ (vệt đỏ), bác sĩ đến nhà năn nỉ để chữa cho hết bệnh còn bị đuổi ra khỏi nhà, bệnh nhân còn khóc lóc dọa tự tử. Đến nay nhờ sự tích cực tuyên truyền của y tế cơ sở, bệnh nhân đã hợp tác với y tế. Nếu họ không hợp tác sớm và cán bộ y tế không giúp đỡ tận tình thì ca này đã bị tàn tật. Chúng tôi không tự ái, xuống nhà động viên tư tưởng, khi họ thông thì làm cam kết chấp nhận điều trị và ca này đang ổn”.

Nỗi mặc cảm bệnh phong không chỉ ám ảnh người mắc bệnh mà cả thân nhân người bệnh. BS. Đinh Quốc Quan, 44 tuổi, sinh ra và lớn lên ở trại phong Di Linh chia sẻ: “Mặc cảm có từ lúc bé, nhất là thời gian đi học. Ở trong trại suốt 10 tuổi mới ra ngoài đi học, các bạn không hiểu và chính bản thân mình cũng không hiểu được để vượt qua sự kỳ thị là con của bệnh nhân phong. Sau này, khi tôi học xong đại học cũng vậy, cũng nặng nề, đấu tranh tư tưởng; rồi đi làm, trải qua nhiều thời gian cho đến ngày hôm nay mới càng ngày càng ngộ ra sự mặc cảm bệnh phong không là gì, mình phải vượt lên tất cả”. BS. Quan có bố là người Kinh mắc bệnh phong đang được chăm sóc tàn tật ở đây, mẹ là người K’Ho làm hộ lý ở trại phong đã qua đời cách đây 5 năm. BS. Quan đã vượt qua tất cả trở ngại, trong đó có sự kỳ thị là con của người bệnh phong để học thành bác sĩ chuyên khoa cấp I về phục vụ tại nơi mình được sinh ra và nuôi dưỡng nên người, anh nhìn nhận: “Bệnh phong cũng còn bị kỳ thị, do đó, xã hội và chúng ta còn chiến đấu nhiều”.

Tôi hình dung ra mạng lưới hoạt động dù bệnh nhân phong ở xa hay gần, cán bộ y tế vẫn đến nhà thăm viếng coi bệnh nhân có uống thuốc đều không, có tàn tật mới không, chăm sóc tàn tật và mức độ cải thiện tình trạng bệnh. Đối với ca phản ứng phong, 14 ngày bác sĩ phải đến nhà theo dõi để tăng giảm liều thuốc và đánh giá kết quả điều trị, nếu chưa đỡ thì tăng liều. Trạm y tế lấy thuốc về cấp cho bệnh nhân hàng tháng, miễn phí hoàn toàn, điều trị thực tế bệnh phong đa hóa trị liệu 12 tháng, không có ca nào không thành công, đáp ứng rất tốt, vấn đề quan trọng là khám phát hiện và thuyết phục bệnh nhân chữa bệnh. Trong quá trình điều trị có phản ứng phong, phải điều trị theo dõi kịp thời, nếu điều trị sớm thì không để lại tàn tật.

Vĩ thanh

BSCKI K’Đỉu - Phó Trưởng Khu điều trị phong Di Linh là con một bệnh nhân phong, cho biết: “Trước đây thành kiến về bệnh phong rất nặng nề, con cái bệnh nhân phong cũng ảnh hưởng, thiệt thòi. Bây giờ thuốc men đầy đủ rồi, đến nay số bệnh nhân không tàn tật là do khoa học tiến bộ, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng bệnh, mổ phục hồi chức năng: tay bị co rụt bây giờ mổ làm thẳng được, mắt thỏ (cứ nhắm nghiền) làm cho mở được, mũi sụp nâng lên được...

Khó khăn nhất là có một số bệnh nhân không chấp nhận mình bị bệnh phong, do nhận thức, tâm lý người ta không chấp nhận. Điều đó thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân mới. Người nhà bệnh nhân thì họ có thành kiến không tốt với người mắc. Chúng tôi phục vụ hết mình bằng tình yêu thương bệnh nhân, tất cả mọi người đều suy nghĩ phục vụ nhau, cái đích là vì bệnh nhân, nếu mà không có cái đích đó, không vì bệnh nhân thì không thể làm bác sĩ chuyên khoa này được”.

Với chuyến đi này, tôi cũng suy nghĩ nếu mà không có cái đích đó thì bác sĩ cất công đi tìm bệnh nhân làm gì cho mệt giữa cái nắng hạn cao nguyên này?



http://suckhoedoisong.vn/nhung-bac-si-di-tim-benh-nhan-n112682.html

Theo An Nhiên/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm