Giành được học bổng hơn 7 tỷ đồng cho 4 năm học, Hà Khánh Linh (22 tuổi, quê Thái Nguyên, sinh viên năm thứ 3 tại ĐH Babson, Mỹ) cho hay đã vượt qua rất nhiều khó khăn.
“Mình từng trượt chuyên Sư phạm, trượt vòng cuối UWC (Ủy ban Việt Nam các trường Liên kết Thế giới). Khi đó mình đã khóc liền 1 tuần, ốm và phải nghỉ học 2 tuần. Lúc đó, mình thấy bản thân thật thảm hại”, Linh kể.
Cô học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) sau đó được giới thiệu tới EMIS (Eastern Mediterranean International School) - trường phổ thông quốc tế đầu tiên tại Israel. Linh là học sinh Việt Nam đầu tiên của trường và nhận suất học bổng 85% - mức cao nhất mà trường này dành cho học sinh quốc tế.
Hà Khánh Linh (sinh năm 1998, sinh viên năm thứ ba tại ĐH Babson, Mỹ). Ảnh: Thanh Hùng/VietNamNet. |
Sự tin tưởng trở thành động lực mạnh mẽ
Linh tâm sự 2 năm ở Israel là quãng thời gian tuyệt vời với bản thân, được gặp gỡ những người bạn từ khắp nơi trên thế giới, biết những điều mới lạ, và đó cũng là những ngày tháng giúp em trưởng thành.
Linh kể dù học chuyên Anh, nhưng ngày đầu đến trường, em chỉ nói được đúng một câu “Hi! My name is Linh. I’m from VietNam”. Linh rụt rè, sợ hãi đến mức không dám giơ tay phát biểu trong lớp.
“Khi ở nhà, mình chủ yếu tập trung ngữ pháp, đọc viết nên dù là học sinh chuyên Anh nhưng kỹ năng nghe, nói rất yếu. Đã thế, còn phải học những môn rất khó như kinh tế, chính trị toàn cầu bằng tiếng Anh - những môn học mà ở Việt Nam, mình chưa từng nghe thấy”.
Linh phải cố gắng rất nhiều bằng việc xem trước nội dung bài học, lên mạng tìm hiểu thêm… trước khi đến lớp. Sau giờ học, Linh nán lại để nói chuyện với thầy cô và không ngại chia sẻ chuyện khả năng tiếng Anh của mình chưa tốt.
May mắn là Linh đã nhận được sự động viên của các thầy cô, đặc biệt là từ thầy giáo dạy môn Kinh tế.
“Hồi đó, trường có một hội thảo rất lớn. Mặc dù tiếng Anh của em chưa ổn, nhưng thật bất ngờ, thầy đề nghị em làm người dẫn chương trình. Thầy nói rằng cảm nhận có rất nhiều năng lượng từ em và tin tưởng em sẽ làm được tốt việc này. Em đã nhận lời và không ngờ mọi thứ đã diễn ra rất tốt”.
Hà Khánh Linh và 2 người bạn thân trong lễ tốt nghiệp phổ thông ở Israel. Ảnh: NVCC. |
Linh sau đó trở thành một trong những học sinh có điểm cao nhất lớp ở môn Kinh tế, được bầu là đại diện học sinh phát biểu trong lễ tốt nghiệp.
Năm 2017, Linh là một trong 11 học sinh trên toàn thế giới được nhận vào chương trình Badson Global Scholars (Học giả Toàn cầu Babson) với mức học bổng trị giá 69.250 USD đến 78.000/năm, trong vòng 4 năm. Đây là ngôi trường đứng số một của Mỹ trong nhiều năm về giảng dạy khởi nghiệp.
"Chúng ta đều có khả năng làm được nếu như đặt ý chí và tâm huyết, học giỏi tiếng Anh hoặc bất kỳ cái gì mà mình muốn” - Linh đúc kết.
Quan trọng là có mục tiêu
Lớp 8, Hà Khánh Linh mới bắt đầu học tiếng Anh. Theo Linh, cơ hội học tiếng Anh và tiếp cận thông tin về du học ở Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh nói chung, hạn chế hơn rất nhiều so với thành phố lớn như Hà Nội.
Mặc dù vậy, “nếu mình có xuất phát điểm thấp hơn, ít cơ hội hơn thì càng cần phải cố gắng gấp hai, ba, thậm chí năm, 10 lần. Quan trọng cần phải xác định được mục tiêu và nỗ lực với mục tiêu đó” - Linh nói.
Linh cũng cho rằng hiện nay, nhiều gia đình đầu tư nhiều tiền, công sức để cho con em học tiếng Anh nhưng nhiều khi phản tác dụng. Nhiều em bị ép đi học quá nhiều trong khi không tìm được lý do tại sao phải học và học để làm gì? Nếu không có đam mê, các em sẽ dễ sa vào trạng thái sợ học, ghét học.
“Như vậy, điều quan trọng em nghĩ là làm sao cho các em hiểu, thích thú với những gì mình đang làm. Khi có mục tiêu thì sẽ làm được”, nữ sinh cho hay.
Linh được chọn tham gia chương trình Israel-Asia Leaders Fellowship - chương trình cung cấp các lớp tập huấn, kỹ năng lãnh đạo, các mối quan hệ cần thiết cho các sinh viên châu Á học tập và làm việc tại Israel. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, theo Linh, phụ huynh cũng không nên quá “cuồng" giáo viên Tây khi cố cho con học tiếng Anh ở những trung tâm có giáo viên nước ngoài.
“Bởi không phải tất cả đều có kiến thức, nghiệp vụ sư phạm chuẩn. Điều quan trọng là giáo viên phải truyền được động lực, tạo sự hứng khởi, sẵn sàng đồng hành với người học”.
Linh cho hay em may mắn khi gia đình luôn là nguồn động viên, động lực lớn và chỗ dựa tinh thần vững chắc.
“Cả bố và mẹ em đều không học đại học và không thể định hướng hay hỗ trợ cho con nhiều về mặt kiến thức. Nhưng bố mẹ luôn ủng hộ 100% những quyết định mà em đưa ra. Nhiều phụ huynh có thể nghĩ rằng nếu thả ra thì con dễ hư hỏng nhưng đối với em thì sự tin tưởng đó như một sợi dây để mình phải sống trách nhiệm hơn, không chỉ với bản thân mà với cả những người đặt niềm tin vào mình”, Linh nói.
Do đó, Linh cho rằng, việc giao tiếp giữa phụ huynh và con cái là rất quan trọng.
“Giao tiếp không áp đặt mà định hướng bằng việc đưa ra những gợi ý sẽ tạo cho con cảm thấy có sự tự do khi được quyết định. Nói chuyện và tâm sự để các con hiểu, em nghĩ khi đó phụ huynh sẽ đóng vai trò ở bên cạnh để theo sát, nhắc nhở, động viên và đẩy con trở về đúng quỹ đạo trong một số đoạn lệch đường ray”.
Với các học sinh có ý định đi du học, Linh lưu ý không nên coi các hoạt động ngoại khóa như một tờ giấy chứng nhận. Thay vào đó, hãy tham gia các hoạt động để tạo ra những giá trị tích cực cho cộng đồng và để mình hiểu bản thân mình hơn, có những vốn sống quý báu hơn.
"Ít nhất những trải nghiệm đó cũng giúp chúng ta viết nên được một bài luận có chiều sâu và sự trưởng thành đủ để thuyết phục được nhà tuyển sinh rằng mình là người xứng đáng và thích hợp” - Linh nói.