Những bài văn khiến giáo viên phải bật cười
Với đề bài là tả cảnh sân trường trước giờ vào lớp có em viết: "Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú".
Những bài văn khiến giáo viên phải... buồn cười
Các bài văn của học sinh cấp tiểu học có lẽ luôn khiến cho các thầy cô giáo khi chấm bài cũng như phụ huynh phải buồn cười nhất.
Về bài văn tả con gà trống, có em viết: "Nhà em có một con gà trống, lông nó màu tía rất đẹp. Mỗi sớm mai thức dậy nó gân cổ gáy thùn thụt báo thức cho mọi người dậy đi làm. Hôm giỗ ông em, con gà trống không gáy nữa vì bị bố em làm thịt".
Những bài văn của học sinh tiểu học khá ngộ nghĩnh, khiến người đọc luôn phải buồn cười. |
Với đề bài là tả cảnh sân trường trước giờ vào lớp thì: "Đầu giờ học, khi tiếng trống trường báo hiệu vào mười lăm phút đầu giờ, sân trường em thật hỗn loạn. Các bạn chen lấn xô đẩy nhau. Các bạn còn đè lên nhau, dẫm đạp nhau để kịp vào lớp đúng giờ. Trước cổng trường, một vài cô giáo đi muộn hối hả chạy vào lớp vì bận cho con bú".
Nhiều cô giáo khi chấm bài cho học sinh cũng không nhịn được cười khi thấy học sinh tả mình: "Cô giáo em duyên dáng lắm. Mái tóc cô dài, khuôn mặt trái xoan. Đặc biệt cô có hàm răng trắng thẳng tắp như bờ ruộng…".
Còn với đề bài kiểm tra là hãy tả bà nội của em thì có học sinh lớp 4 viết: "Bà nội em năm nay đã 70 tuổi nhưng giọng của bà vẫn sang sảng. Sáng nào bà cũng lên phòng bố mẹ và em hỏi to: “Vợ chồng, con cái chúng mày ăn gì để tao còn mua?”.
Nhìn chung, những bài văn dạng này khá nhiều, cách dùng từ ngữ và lối diễn đạt hết sức ngộ nghĩnh, thể hiện rất rõ tư duy, cách hiểu của các học sinh.
Phụ huynh cần cảnh giác với những "bài văn lạ"
Những bài văn nói trên một phần là do học sinh quan sát từ thực tế, nhưng lại không biết cách tổ chức sắp xếp và diễn đạt, một phần do môi trường sống của học sinh quá tách biệt dẫn đến việc các em không được quan sát thực tế, thiếu đi vốn sống.
Ngoài ra, cũng chính vì cách dùng từ ngữ và lối diễn đạt của học sinh trong khi viết văn thể hiện lối tư duy mà nhiều trường hợp nhờ đó mà phát hiện ra tâm lý của học sinh có phát triển bình thường hay không.
Chị Nguyễn Thu Hương (Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), có con trai đang học lớp 5 ở một trường tiểu học khu Định Công cho biết: “Cũng nhờ đọc các bài văn của con mà tôi mới phát hiện ra là cháu bị chớm mắc hội chứng tự kỉ. Hiện nay cứ mỗi tuần hai buổi, tôi phải thuê cô giáo tâm lý đến hướng dẫn cho cháu”.
Một bài văn của con mình viết ở nhà (ảnh do chị Hương cung cấp). |
Theo chị Hương, sau nhiều lần đọc các bài kiểm tra văn của con ở trên lớp, chị phát hiện ra cách diễn đạt và dùng từ của con có các “dấu hiệu lạ” như: các câu văn viết khô gãy, không liền mạch, thường thiếu chủ ngữ, vị ngữ, nhiều từ gần như vô nghĩa.
Cùng với cách diễn đạt “trúc trắc” trong bài văn, con trai chị cũng thường có biểu hiện lầm lì, ít nói. Chị đưa con đi khám ở bệnh viện, các bác sĩ tâm lý cho biết con trai chị bị chớm mắc hội chứng tự kỉ.
Chị Phạm Thu Ngọc, giáo viên dạy môn văn cho học sinh khối các lớp tiểu học thuộc Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết: “Ngôn ngữ là phương thức diễn đạt của tư duy, chính vì thế thông qua những bài văn của học sinh mà chúng ta có thể phần nào nắm bắt được tâm lý và tính cách của các em.
Những em bị mắc những bệnh liên quan đến vấn đề về tâm lý rất dễ nhận ra vì khi viết văn, cách diễn đạt của các em “rất lạ” so với những học sinh khác. Câu từ thường gãy khúc, rời rạc, không rõ ràng, nhiều từ vô nghĩa, dường như các em không ý thức được việc sắp xếp những từ để thành câu có nghĩa với nhau”.
Cũng theo chị Ngọc, trước các bài văn “lạ” của học sinh, phụ huynh nên cảnh giác. Ngoài ra, nên thường xuyên dành thời gian để kiểm tra vở viết cũng như các bài văn của con làm vì đây cũng là một trong những cách để kiểm tra xem tâm lý con mình có phát triển bình thường hay không.
Theo Kiến Thức