Những bạn trẻ thích được 'ném đá'
Không có tài năng nổi trội nhưng lại chẳng chấp nhận thân phận người thường, một số bạn trẻ hiện đang tìm đến những hành vi lập dị, vô văn hóa để ít nhiều thu hút sự chú ý của dư luận.
Chỉ với từ khóa “khóc chia tay người yêu” trên trang YouTube, có hơn 21.000 kết quả được trả về như: Hot girl khóc chia tay bạn trai hay Nam sinh vừa làm dáng, vừa hát và khóc vì nhớ người yêu...
Đây là những clip thu hút hàng nghìn lượt người xem thời gian gần đây. Tuy những lời hát, câu tâm sự trong các clip trên đều rất thắm thiết nhưng những nhân vật chính lại khiến người xem băn khoăn với ngoại hình được trang điểm kỹ lưỡng, cử chỉ điệu đà.
Càng khó hiểu hơn, sau khi nhận được nhiều sự đồng cảm từ người xem, một bạn nữ trong clip Khóc khi người yêu chia tay Valentine lại tung tiếp clip mới vừa hát tiếng Anh, vừa đầy vẻ... biểu diễn. Rất nhiều bạn trẻ tức giận, “ném đá” bạn nữ trên vì cho rằng bạn đã tận dụng chuyện riêng và sự cảm thông của mọi người để trục lợi bản thân.
Clip Khóc khi người yêu chia tay Valentine thu hút không ít sự quan tâm của cộng đồng mạng sau đó đã bị “ném đá” tơi bời vì sự “diễn” của nhân vật chính. |
Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều bạn trẻ khác đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ khi thản nhiên tự ghi lại và phổ biến những hình ảnh bản thân đang bất kính với các giá trị nhân văn, văn hóa dân tộc. Cụ thể, một thanh niên đã đứng và ngồi lên đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (tháng 7/2012), nữ sinh vô tư ngồi trên mộ liệt sĩ (tháng 1/2013), một bạn trai cười tươi rói khi cầm trên tay hai cánh tay khỉ đã bị chặt và cạo sạch lông (tháng 2/2013)...
Và chỉ trong tháng 3/2013, liên tiếp những bức ảnh phản cảm như: nam thanh niên ngồi lên phần mộ tổ, tượng Phật, tượng đài vua Lý Thái Tổ... xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng xã hội.
Hàng loạt hình ảnh phản cảm của giới trẻ xuất hiện trên các trang mạng xã hội. |
Điều đáng nói là dẫu hầu hết các clip, hình ảnh này đều chịu chung số phận là nhận vô số “gạch đá” công kích từ cộng đồng mạng, một số “thủ phạm” thậm chí bị mọi người truy lùng danh tính ráo riết nhưng hiện tượng trên vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
“Những hành động trên rõ ràng đi vượt giới hạn cho phép của chuẩn mực đạo đức thông thường. Phải chăng họ khát danh vọng đến mức không nổi tiếng được thì chấp nhận nổi bằng đường tai tiếng?”.
Bạn Anh Tuấn (ĐH Kinh tế TP.HCM) băn khoăn và không giấy nổi bức xúc: “Họ đã làm hình ảnh của người trẻ Việt ngày một trở nên xấu xí trong mắt người khác”.
Còn theo Trần Tú Quỳnh (19 tuổi, Q.5 TP. HCM) tuy “danh tiếng hão” là điều các cá nhân trên dễ dàng đạt được nhưng hậu quả sẽ rất khó lường. Bạn cho rằng sự ác cảm, “ném đá” của mọi người không chỉ dừng lại ở cộng đồng mạng mà cũng có thể tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc, các mối quan hệ ngoài đời thực.
Theo Tuổi trẻ