Câu lạc bộ California Fitness (CalFit) đầu tiên được thành lập năm 1996 ở quận trung tâm của Hong Kong (Trung Quốc), gần Lan Kwai Fong. California Fitness là tên thương mại của JV Fitness, nhà vận hành phòng gym lớn thứ hai Hong Kong.
Khi được giới thiệu vào Singapore năm 1998, chuỗi phòng gym này được xem là thời thượng và thu hút đông đảo thành viên. Năm 1999, công ty 24 Hour Fitness Worldwide mua lại California Fitness rồi bán cho Ansa Group vào năm 2012. Trong những năm hoàng kim, California Fitness có chi nhánh tại Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác.
California Fitness được xem là một trong những thương hiệu thay đổi ngành gym ở Hong Kong và Singapore. Ảnh: SCMP. |
Với trang thiết bị được đầu tư quy mô và hào nhoáng, California đã biến việc tập gym thành mốt thời thượng ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore, với sự góp mặt quảng bá của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Thành Long, Yao Minh hay Richie Jen. Tuy nhiên, khi không còn bắt kịp xu hướng, máy móc cũ dần cùng nhiều vụ bê bối trong chăm sóc khách hàng, California Fitness đã gặp khó khăn về tài chính và buộc phải đóng cửa tất cả cơ sở ở Hong Kong và Singapore.
Mập mờ chấm dứt hợp đồng
Năm 1999, công ty này đã khởi kiện 522 thành viên ở Hong Kong do không trả tiền tập. Nhiều thành viên của CLB nghỉ tập khi hết gói thành viên mà không để ý tới điều khoản kết thúc hợp đồng hay không báo trước một tháng. Thẩm phán ở Tòa án Small Claims chỉ trích công ty do đã đợi 1 tháng, khi tiền phạt lên tới khoảng 700-800 USD, rồi mới khởi kiện.
Công ty phản bác rằng đây là chính sách giúp tránh kết thúc hợp đồng một bên từ phía công ty, do thành viên sẽ phải trả phí tham gia lại. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết họ không được tư vấn về điều khoản này trong hợp đồng, cũng như không nhận được thông báo từ phía California Fitness Hong Kong trước khi bị kiện ra tòa. Họ vẫn phải trả tiền do điều này đã được quy định trong hợp đồng.
Trong khoảng từ năm 2011 đến năm 2014, các CLB California Fitness ở Singapore đã nhận được một lượng lớn lời than phiền của khách hàng với Hiệp hội tiêu dùng Singapore (CASE). Các đơn kêu ca của khách hàng về CalFit với CASE năm 2011 là 35 đơn, trong tổng số 86 đơn liên quan đến các câu lạc bộ thể hình vào năm 2013. Năm 2016, CF nhận hơn 300 đơn phàn nàn với CASE.
Lùm xùm quanh California WOW Xperience
Một vụ việc khác khiến CalFit mất điểm với khách hàng là khi chi nhánh tại Thái Lan của CalFit được bán và đổi thành California WOW Xperience (CWX). Công ty hoạt động độc lập nhưng có nhiều liên quan đến CalFit và 24 Hour Fitness, mở ra 13 cơ sở ở Thái Lan và các quốc gia khác, với thẻ thành viên liên kết cùng CalFit và 24 Hour Fitness cho đến năm 2008. Tuy nhiên, CWX đột ngột đóng cửa tại Hàn Quốc vào năm 2006, trong khi đã bán cho khách hàng các thẻ thành viên trọn đời đắt đỏ. Năm 2009, chi nhánh Malaysica của CalFit được bán cho Celebrity Fitness - công ty có người sáng lập cũng liên quan tới 24 Hour Fitness.
Năm 2012, California WOW Xperience bị công ty Bangkok Bank Plc. kiện ra tòa vì khoản nợ 72 triệu baht. Kết quả là California WOW Xperience phải đóng cửa 7 trên 8 cơ sở ở Thái Lan. Công ty cũng bị chỉ trích do tiếp tục nhận khách cho đến tận ngày cuối cùng mà không hề thông báo. Tháng 8 năm 2012, hơn 200 thành viên không thể tới tập được ở cơ sở còn lại đã khiếu nại yêu cầu trả tiền. Hiệp hội Người tiêu dùng Thái Lan cùng với 100 khách hàng đã kiện công ty này nhưng không nhận được tiền bồi hoàn.
Tháng 7/2016, toàn bộ cơ sở của California Fitness đột ngột đóng cửa ở Hong Kong. Ảnh: Straitimes. |
Chính sách kinh doanh bị chỉ trích
Năm 2016, Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong đã lên tiếng chỉ trích CalFit vì chính sách kinh doanh có xu hướng ép buộc và mập mờ với người tiêu dùng. Theo hội đồng, chỉ riêng trong 2 năm 2013 và 2015, số vụ khiếu nại có liên quan đến CalFit đã lên tới hơn 500 vụ.
Công ty sử dụng chiêu bài “tập thử” và “quà miễn phí” để thu hút khách hàng mới đến trung tâm, nhận thẻ căn cước và thẻ tín dụng, sau đó thuyết phục, đánh lạc hướng và nài ép họ ký hợp đồng, mua thẻ thành viên và gói tập luyện. CalFit bán thẻ thành viên với mức thấp, sau đó thu lợi chủ yếu nhờ bán các gói tập với huấn luyện viên giá cao, có thể lên tới 800 đôla Hong Kong một giờ.
Hai nhân viên của CalFit Hong Kong bị hải quan bắt giữ vào tháng 5/2016 sau khi một khách hàng đâm đơn kiện rằng cô đã bị dụ dỗ mua lớp tập luyện riêng, thẻ tín dụng của cô bị quẹt 140.000 USD Hong Kong khi chưa có sự cho phép.
Những người từ chối mua tiếp gói tập cá nhân thường bị "bỏ rơi", không được chăm sóc. Các huấn luyện viên cũng bị phàn nàn là thường có những chiêu câu giờ, khiến số tiền khách hàng bỏ ra không tương xứng với chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, các cơ sở cũng không được bảo trì thường xuyên, máy móc trở nên cũ kỹ, vệ sinh kém và nạn trộm cắp tủ đồ diễn ra khó kiểm soát. Quản lý lỏng lẻo khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn. Giữa thị trường gym ngày càng có độ cạnh tranh cao, CalFit dần mất đi lợi thế và kinh doanh thua lỗ.
JV Fitness, công ty vận hành thương hiệu California Fitness, gặp các vấn đề lớn về tài chính. Đến năm 2016, công ty nợ 130 triệu đôla Hong Kong tiền thuê địa điểm và các chi phí khác ở Hong Kong. Đồng thời, JV Fitness còn vướng phải bê bối không trả lương cho nhân viên. Đến tháng 7/2016, toàn bộ cơ sở do JV Fitness vận hành ở Hong Kong và Singapore đột ngột đóng cửa, ảnh hưởng tới 64.000 khách hàng và 700 nhân viên.
Các phòng tập California Fitness & Yoga ở Việt Nam do tập đoàn CMG.Asia quản lý và khẳng định không có bất cứ mối liên hệ nào với JV Fitness.