Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những bệnh hay gặp ở trẻ mầm non khi đi học

Khi đi học, trẻ sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm. Ngoài Covid-19, trẻ mầm non còn có thể mắc nhiều bệnh khác như bệnh về da, dị ứng, sốt virus, viêm phế quản, viêm phổi.

Ngoài Covid-19, trẻ mầm non còn có thể mắc nhiều bệnh khác như bệnh về da, dị ứng, sốt virus, viêm phế quản, viêm phổi... Ảnh: Eunews.

Đây là những bệnh trẻ tuổi mầm non thường gặp khi đi học, cha mẹ cần có kiến thức để nhận biết, kịp thời xử trí, can thiệp để bảo vệ sức khỏe cho con.

Bệnh về da

Hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ mầm non vẫn chưa được hoàn thiện. Trẻ đi học mẫu giáo chưa có khả năng chống lại các tác động từ môi trường, nhất là bệnh tật. Đây là độ tuổi mà bệnh truyền nhiễm thường dễ “nhắm” đến.

Trong điều kiện đi học cả ngày, bé thường ăn uống, ngủ trưa, chơi cùng nhau, đồ vật để chung hoặc côn trùng cắn... nên trẻ dễ mắc các bệnh ngoài da. Bệnh cũng rất dễ lây lan.

Dị ứng

Cơ thể trẻ độ tuổi mầm non rất nhạy cảm, dễ bị kích ứng do các tác nhân từ môi trường như không gian sống ẩm thấp, nhiều bụi khói, lông thú vật, thức ăn hải sản, thức ăn nấu không chín kỹ…

Dấu hiệu bé bị dị ứng cha mẹ cần lưu ý như nổi mẩn ngứa, đỏ trên da thành từng dải, mảng (mề đay). Thậm chí, một số bé bị ho, lên cơn hen suyễn, nôn trớ, đau bụng, đi ngoài lỏng.

Trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến sốt, sưng một số nơi trên cơ thể, nhất là vùng mặt. Cha mẹ cần lưu ý những điều này, theo dõi và hiểu rõ sức khỏe con mình để có biện pháp thích hợp, đưa bé đến cơ sở y tế xử trí khi cần thiết.

Sốt virus

Một số loại virus ái tính đường hô hấp, tiêu hóa như virus thủy đậu, viêm não Nhật Bản, sởi, enterovirus… thường tấn công gây bệnh ở trẻ nhỏ - đối tượng có miễn dịch non yếu, chưa có khả năng kháng bệnh.

Virus có thể gây sốt cao đột ngột 39-40 độ C hoặc cao hơn. Trong giai đoạn sốt, các bé rất mệt mỏi, mắt lờ đờ, ít đáp ứng thuốc hạ sốt thông thường, dễ xuất hiện các cơn co giật nguy hiểm.

Do đó, cha mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc. Đồng thời, cách ly bé với môi trường ngoài, tránh lây lan.

Viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi

Vào thời điểm giao mùa, các mầm bệnh virus biến đổi phát triển, trẻ dễ bị virus gây viêm hô hấp trên (viêm mũi họng). Ngoài ra, trẻ dễ mắc viêm phế quản xâm nhập qua việc tiếp xúc dùng chung đồ chơi, đồ dùng, mặt phẳng không được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt ở trường mẫu giáo.

benh o tre em anh 1

Vào thời điểm giao mùa, các mầm bệnh virus biến đổi phát triển, trẻ dễ bị virus gây viêm hô hấp trên (viêm mũi họng). Ảnh: Theparentszone.

Biểu hiện bé bị viêm phế quản gồm: Sốt vừa hoặc cao, bỏ ăn, ho có đờm, chảy nước mũi trong, khó thở, đau thắt ngực xương ức. Nếu nhận thấy bé có những triệu chứng này, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay, tránh để bệnh diễn biến nặng hơn, gây suy hô hấp cấp, viêm phổi cấp tính, xẹp phổi… rất nguy hiểm và khó chữa trị.

Viêm phổi

Viêm phổi có tỷ lệ gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất. Bệnh có các biểu hiện như khó thở, sốt cao, ho nặng nề, bỏ ăn, bỏ chơi.

Viêm phổi là bệnh có diễn biến rất nhanh, đặc biệt ở cơ địa trẻ nhỏ, có miễn dịch yếu, cần được tiếp cận xử trí, điều trị sớm. Mặc dù có thể được điều trị bằng kháng sinh, với miễn dịch non yếu, trẻ cần đưa đến cơ sở y tế điều trị, theo dõi sát. Đặc biệt, khi phát hiện bé có triệu chứng co giật, co rút lồng ngực, thở gấp, cha mẹ phải cho bé cấp cứu ngay lập tức.

Hội chứng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi

Suy dinh dưỡng khiến trẻ trở nên lười ăn, ăn ít, tăng cân chậm hoặc thậm chí sụt cân, có nguy cơ dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp.

Biểu hiện lâm sàng như da xanh xao, cơ mềm nhão, nhìn thiếu dưỡng khí, tính khí dễ buồn bực, hay quấy khóc, ít tham gia chơi với bạn cùng lứa, tập trung kém, không linh hoạt.

Đáng chú ý, trẻ bị suy dinh dưỡng thường có biểu hiện chậm phát triển về mặt vận động như chậm biết ngồi, chậm bò, chậm biết đi… Do đó, cha mẹ cần lưu ý biểu đồ tăng trưởng để sớm phát hiện tình trạng này.

Suy dinh dưỡng là bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi thường gặp, dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm về sức khỏe. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ thấp còi, còi xương cao, ảnh hưởng đến tầm vóc khi trưởng thành. Không những thế, sự phát triển tổng thể về trí tuệ, thể lực, khả năng chống chọi bệnh tật cũng bị ảnh hưởng nặng nề về lâu dài.

Rối loạn tiêu hóa

Trẻ bắt đầu đi học là có sự thay đổi môi trường sinh hoạt, bé ăn uống tại lớp với giờ giấc và thực đơn có thể không giống ở nhà. Đó là một yếu tố khiến trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện thường thấy như nôn ói nhiều lần, nổi phát ban trên người, bị viêm hạch, mắt đau nhức, sốt. Nguyên nhân gây bệnh là bé nhiễm virus đường tiêu hóa nhưng lại không có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn. Mặc dù bệnh có thể tự hết, nhưng giai đoạn sốt virus có thể lây lan nhanh, bùng phát thành dịch.

Do đó, nếu phát hiện con có biểu hiện hoặc được chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa do virus, cha mẹ cần cách ly bé ngay. Bạn cho bé nghỉ học, ở nhà chăm sóc đặc biệt. Để phòng ngừa, mỗi gia đình có con nhỏ cần tuân thủ lịch tiêm chủng cho bé theo độ tuổi.

Nhiễm giun sán

Khi bắt đầu đi học, trẻ mở rộng môi trường vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Nhiều bé thường xuyên nghịch đất, để tay bẩn, tiếp xúc sàn nhà bẩn, nhà vệ sinh hoặc các vật dụng không sạch sẽ… Đây là những điều kiện thuận lợi để trứng giun đũa, giun kim xâm nhập vào cơ thể trẻ. Đắcc biệt, với những trẻ hay có thói quen mút ngón tay, thường cho tay lên miệng, mặt, nguy cơ bị nhiễm giun sán cao hơn rất nhiều.

Triệu chứng khi bé bị nhiễm giun kim, giun đũa như bụng phình to lên, sụt cân, suy dinh dưỡng. Nếu được phát hiện sớm và tẩy giun kịp thời, tình trạng này vẫn có thể được cải thiện. Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý công tác phòng ngừa cho con.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cứ mỗi 6 tháng, phụ huynh cần cho bé tẩy giun định kỳ. Đồng thời, bạn cần theo dõi biểu đồ phát triển của bé về cả chỉ số cân nặng, chiều cao, để kịp thời nhận biết nếu có bất kỳ bất thường nào.

Bệnh đau mắt đỏ

Trẻ đau mắt đỏ do mắt bị nhiễm khuẩn hoặc virus, gây nên sưng viêm kết mạc. Đây không chỉ là bệnh hay gặp ở trẻ em mà còn dễ lây truyền trong môi trường xã hội. Đau mắt đỏ cần phát hiện sớm, nếu không, bệnh sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như viêm mắt nặng hơn.

Khi chăm sóc bé bị đau mắt đỏ tại nhà, nguyên tắc đầu tiên cần lưu ý là giữ vệ sinh mọi vật dụng, ngóc ngách trong nhà sạch sẽ. Người lớn cho bé nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, không khói bụi, dùng khăn sạch nhúng nước ấm lau hoặc đắp lên mắt đỏ của bé để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Hầu hết bệnh ở trẻ em mầm non thường gặp sẽ được chữa lành nếu phát hiện kịp thời và can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, với điều kiện sức khỏe chưa được hoàn thiện ở các bé giai đoạn này, cha mẹ cần thực hiện biện pháp phòng ngừa tốt hơn:

  • Trước tiên, giữ sạch sẽ vệ sinh môi trường sống.
  • Duy trì cho trẻ chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, vận động hợp lý.
  • Theo dõi biểu đồ tăng trưởng của bé thường xuyên để nhận biết nếu có biểu hiện bất thường.
  • Cha mẹ đừng quên lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia mà địa phương thường xuyên phát động.

Bài viết do bác sĩ Nguyễn Tâm Long, khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.

Những căn bệnh truyền nhiễm trẻ dễ mắc phải khi trời mưa

Cúm, sốt xuất huyết, tả, sốt virus hay thương hàn là những căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ khi trời mưa, thời tiết ẩm ướt.

Bác sĩ Nguyễn Tâm Long

Bạn có thể quan tâm