Ngày 31/5, trả lời câu hỏi của Zing.vn, trung tướng Lương Tam Quang cho biết cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã quốc tế với Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước khi lệnh truy nã quốc tế được ban hành, nhiều bị can như Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt... cũng bỏ trốn ra nước ngoài nhưng vẫn không thoát "lưới trời". Họ đã phải hầu tòa và trả giá cho những gì đã gây ra.
Trịnh Xuân Thanh không bỏ trốn theo đường chính ngạch
Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch HĐQT PVC từng gây xôn xao dư luận khi sử dụng xe Lexus 570 gắn biển xanh.
Cuối năm 2016, Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận Thanh và nhiều cán bộ cấp cao của PVC đã làm trái các quy định của pháp luật về kinh tế, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại phiên tòa ở Hà Nội. Ảnh: Bá Chiêm. |
Ngày 19/8/2016, Thanh làm đơn xin ra nước ngoài chữa bệnh và không rõ tung tích từ đó. Gần một tháng sau, Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam cựu Chủ tịch PVC.
Đến giữa tháng 9/2016, cơ quan chức năng truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh. Bộ Công an nhận định Thanh không bỏ trốn theo đường chính ngạch.
Nhiều tổ chức quốc tế như Interpol, Europol, Aseanpol và công an các nước như Nga, Mỹ, Canada, Đức, Trung Quốc... cũng vào cuộc hỗ trợ Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh.
Cuối tháng 7/2018, Trịnh Xuân Thanh về nước đầu thú. Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Thanh lĩnh 2 bản án chung thân về tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Giang Kim Đạt dùng hộ chiếu giả trốn truy nã hơn 1.800 ngày
Trong số các bị can trốn lệnh truy nã quốc tế, Giang Kim Đạt (cựu quyền Trưởng phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế Vinashinlines) có gần 2.000 ngày trốn chạy.
Năm 2006, Đạt cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Vinashinlines chiếm đoạt gần 16 triệu USD qua các dự án mua tàu khai thác kinh doanh cho thuê tàu biển. Bản thân Đạt tham ô 255 tỷ đồng.
Tháng 8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt. Tuy nhiên, Đạt đã kịp bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Cuối năm đó, Đạt bị truy nã quốc tế.
Để truy bắt bị can này, các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpol đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ nhưng không có kết quả. Đạt có sự chuẩn bị tâm lý lẩn trốn, sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không để lại bất cứ chứng cứ nào.
Ngày 7/7/2015, tức sau hơn 1.800 ngày trốn lệnh truy nã, Giang Kim Đạt đã sa lưới. Tháng 8/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên Giang Kim Đạt án tử hình về tội Tham ô.
Dương Chí Dũng được em trai tổ chức cho vượt biên trái phép. |
Đại tá công an đưa Dương Chí Dũng vượt biên
Một bị can khác trốn truy nã quốc tế nhưng cũng phải quay về quy án là Dương Chí Dũng (sinh năm 1957, từng là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Vinalines).
Dương Chí Dũng từng cấu kết với nhiều thuộc cấp cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong đó, Dũng đã chỉ đạo đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD.
Tháng 5/2012, Bộ Công an quyết định khởi tố, ra lệnh bắt Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, biết trước sẽ bị bắt, Dũng vội báo cho em trai là Dương Tự Trọng (khi đó là Phó giám đốc Công an Hải Phòng) tìm cách đưa ông rời Việt Nam.
Cuối tháng 5, để giúp anh trai bỏ trốn, đại tá Dương Tự Trọng đã cùng 2 cán bộ công an bí mật đưa Dũng vượt biên sang Campuchia. Một tháng sau đó, Interpol thông qua lệnh truy nã quốc tế Dương Chí Dũng.
Tuy nhiên vài ngày sau, do nhập cảnh vào Mỹ bất thành, Dũng quay về Campuchia và bị cảnh sát bắt giữ. Nửa năm sau, ông Trọng bị bắt khi đã lên chức Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Tháng 4/2014, tòa phúc thẩm tuyên Dương Chí Dũng y án tử hình. Cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng lĩnh 16 năm tù (được giảm 2 năm so với án sơ thẩm).
Phan Văn Anh Vũ mất tích trước khi khám nhà
Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", sinh năm 1975) cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, cựu thượng tá tình báo và là cổ đông của nhiều doanh nghiệp khác. Bắc Nam 79 cũng là công ty mua nhiều nhà công sản hóa giá nhất ở Đà Nẵng.
Tối 21/12/2017, lực lượng của Bộ Công an khám xét nhà riêng của Vũ nằm trên đường Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Lúc đó, Vũ đột nhiên mất tích.
Một ngày sau, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can Vũ về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước. Do bị can không có mặt ở nơi cư trú nên Cơ quan An ninh điều tra ra quyết định truy nã.
Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Trương Khởi. |
Ngày 2/1/2018, Cơ quan Xuất nhập cảnh và Cửa khẩu Singapore (ICA) tạm giữ người có tên Phan Van Anh Vu vì vi phạm Luật di trú. Hai ngày sau, chuyến bay từ Singapore về Hà Nội chở ông Vũ hạ cánh tại sân bay Nội Bài.
Ngày 4/1/2018, Bộ Công bắt Phan Văn Anh Vũ. Những ngày sau đó, Vũ bị cơ quan điều tra khởi tố thêm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tháng 7/2018, TAND Hà Nội tuyên Phan Văn Anh Vũ 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước (tòa phúc thẩm sau đó tuyên giảm 1 năm tù).
Cuối 2018, TAND tuyên Vũ 17 năm tù trong vụ án Ngân hàng TMCP Đông Á thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng; cộng với hình phạt phúc thẩm 8 năm tù vì tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Tổng hình phạt Vũ phải lĩnh là 25 năm tù.
Đầu tháng 1/2019, khi xét xử vụ án liên quan sai phạm tại 7 nhà đất công sản, dự án bất động sản ở các vị trí đắc địa ở Đà Nẵng và TP.HCM, TAND Hà Nội tuyên Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn khi nào?
Ngày 9/5, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) khám xét chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile ở Hà Nội, thu giữ hàng nghìn điện thoại cùng tài liệu liên quan.
Ngày 14/5, cơ quan điều tra khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường cùng 8 người khác về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh này.
Chiều 19/5, xác định bị can đã bỏ trốn nên C03 ra quyết định truy nã Bùi Quang Huy.
Cuối tháng 5, trung tướng Lương Tam Quang cho biết cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế với ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.